Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm, có 24,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 5,9%; 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 1,9%), trong đó có 9,2 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (giảm 3,8%); 168 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng (tăng 11,3%).
Dưới ảnh hưởng của COVID-19, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể nằm trong top đầu với 620 doanh nghiệp.
8 tháng đầu năm có 620 doanh nghiệp bất động sản giải thể.
Theo nhiều chuyên gia, dịch bệnh cùng các biện pháp giãn cách xã hội thời gian qua đã làm phá sản nhiều kế hoạch, hoạt động của doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt, đối với các sàn môi giới, công ty bất động sản có quy mô nhỏ và tiềm lực tài chính hạn chế thì rất khó trụ vững.
Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phương án cắt giảm nhân sự, cho làm việc luân phiên thậm chí phải tạm ngừng hoạt động hay phá sản.
Đứng sau bất động sản là dịch vụ lưu trú và ăn uống có 589 doanh nghiệp, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 566 doanh nghiệp, vận tải, kho bãi có 431 doanh nghiệp, giáo dục, đào tạo có 396 doanh nghiệp. thông tin truyền thông có 379 doanh nghiệp.
Nhóm doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 3.800 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong tháng 8 vừa qua, một tín hiệu khả quan đó là số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, cả nước có 88,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 1.225,2 nghìn tỷ đồng; tổng số lao động đăng ký 694,9 nghìn lao động.
Bên cạnh đó, có 32,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 27,9% so với 8 tháng năm 2019), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên 121,3 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 15,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.