Một số loại rau củ khi ăn sống nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ hơn việc nấu chín. Dưới đây là những loại rau củ nên ăn sống.
Bông cải xanh
Bông cải xanh chứa lượng lớn hợp chất chống oxy hóa gọi là sulforaphane, có thể giúp ngăn ngừa ung thư, tiểu đường loại 2, bệnh tim, viêm nhiễm, trầm cảm và các tình trạng sức khỏe khác.
Một nghiên cứu được công bố năm 2008 trên tạp chí Journal of Agricultural Food and Chemistry cho thấy, cơ thể chúng ta hấp thụ sulforaphane nhanh hơn khi ăn bông cải xanh sống thay vì nấu chín.
Một nghiên cứu khác từ năm 2009 cho thấy nấu rau theo nhiều cách khác nhau - bao gồm cho vào lò vi sóng, luộc và xào làm giảm mức độ vitamin C của nó. Nếu bạn không thích ăn bông cải xanh sống thì hãy thử hấp. Cách nấu đó ít ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng nhất.
Nấu chín cần tây sẽ làm giảm lượng chất xơ
Lượng chất xơ cực kỳ dồi dào trong cần tây. Không chỉ vậy, lượng kali, vitamin B2 cực kỳ cần thiết và tốt cho hệ tiêu hóa, giúp chữa chứng loét miệng hiệu quả. Khi nấu chín cần tây, những chất này sẽ dần mất đi trong quá trình nung ở nhiệt độ cao và mất tác dụng vốn có của chúng.
Củ cải đường
Củ cải đường có thể chứa lượng đường cao nhưng bù lại nó có những thành phần dinh dưỡng khác rất tốt cho cơ thể. Củ cải đường giàu vitamin C, B, potassium, ma-giê giúp cơ thể chống viêm nhiễm, hạ lượng đường trong máu và phòng ung thư.
Khi qua chế biến, củ cải đường thường mất đi 25% giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, bạn có thể dùng củ cải đường sống chung với các loại rau củ khác để làm món salad rau thơm ngon, bổ dưỡng.
Tỏi
Trong tỏi chứa allicin giúp tăng đề kháng cho cơ thể, phòng chống cảm cúm, ung thư. Tuy nhiên dưới tác dụng của nhiệt, allicin rất dễ bị bay hơi. Làm nóng tỏi ở 200 độ C trong 6 phút đã ức chế hoàn toàn hoạt động kháng tiểu cầu của tỏi. Tỏi luộc trong 20 phút sẽ bị ức chế hoàn toàn hoạt động kháng khuẩn và chỉ một phút ở trong lò vi sóng đã phá hủy 100% khả năng chống ung thư của nó.
Hành tây
Hành tây sống mùi hăng, khó chịu tuy nhiên lại giữ được nhiều dinh dưỡng, chất chống bệnh tật hơn khi nấu chín. Nó còn là 1 vị thuốc quý trong y học cổ truyền, ngăn ngừa bệnh tim mạch, mỡ máu, kháng viêm… Đặc biệt là giàu chất chống ung thư phytochemical, đặc hiệu trong chống lại bệnh ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt.
Hành tây còn có chứa các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ giúp giảm mức độ cholesterol trong cơ thể, phá vỡ các cục máu đông, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Nhưng khi nấu chín hành tây, những chất này sẽ giảm dần hoặc mất đi khi chúng ta ăn vào.
Ớt chuông
Các chuyên gia cho biết, trong số các loại trái cây và rau quả phổ biến giàu vitamin C, ớt chuông luôn đứng ở tốp đầu. Thậm chí nhiều người còn bất ngờ khi biết hàm lượng vitamin C của chúng gấp 5 đến 6 lần so với quả chanh, 3 đến 4 lần so với quả cam.
Nhưng nếu đem nấu chín, không chỉ lượng vitamin dồi dào này mà cả chất chống oxy hóa trong ớt chuông cũng sẽ biến mất. Như vậy sẽ không còn tác dụng phòng chống và ức chế tế bào ung thư, giảm mỡ máu, hạn chế bệnh tim mạch, tiểu đường, Alzheimer, đẩy lùi lão hóa… như khi ăn ớt chuông sống nữa.