Theo thường lệ, một chính quyền Tổng thống Mỹ mới nên mở đầu trong những hân hoan và kỳ vọng. Nhưng trong nhiệm kỳ tới, ứng cử viên chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống 2020 Joe Biden chuẩn bị kế thừa cuộc khủng hoảng toàn quốc nghiêm trọng nhất trong 75 năm qua.
Đại dịch COVID-19, căn bệnh khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp còn trẻ em không thể tới trường, vẫn đang tiếp tục lan rộng. Chính phủ hiện tại, sau nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Trump, tồn tại nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Trước tình hình đó, ông Biden cần lãnh đạo một dự án tái thiết đất nước, khôi phục tinh thần của các nhân viên chính phủ, đồng thời thúc đẩy các chính sách cải cách. Dưới đây là 5 biện pháp ông có thể thực hiện để “xây dựng lại đất nước tốt hơn”.
Ông Biden sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để cải thiện tình trạng khủng hoảng trong nước. (Ảnh: Getty Images)
Trao quyền cho các nhà khoa học
Hôm 9/11, ông Joe Biden thành lập một hội đồng cố vấn nhằm xử lý đại dịch COVID-19. Hội đồng có sự góp mặt của các bác sĩ nổi tiếng, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và các cựu quan chức y tế công cộng liên bang. Đây là một trong những động thái đầu tiên sau khi ông Biden đắc cử, thể hiện sự khác biệt với chủ trương của Chính quyền Trump.
Tổng thống Trump luôn thách thức các chuyên gia y tế và lan truyền nhiều thông tin khó hiểu về đại dịch COVID-19, đồng thời phủ nhận các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội. Ông liên tục chỉ trích các nhà khoa học, đặc biệt là Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm. Các quan chức Nhà Trắng dưới quyền ông Trump đã gây áp lực lên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cùng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để thay đổi các hướng dẫn phòng chống dịch và đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu vaccine.
Hàng chục nhà khoa học hàng đầu đã buộc phải rời khỏi chính phủ. Việc này dẫn đến công cuộc chống lại COVID-19 khó khăn hơn, khiến Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm bệnh.
Chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ Ali Nouri nhận xét việc Chính quyền Trump chính trị hóa các cơ quan y tế Mỹ đã để lại hậu quả nghiêm trọng và cần nhiều thời gian để sửa chữa.
Ông Biden có thể cải thiện tình hình bằng cách chiêu mộ lại các chuyên gia y tế và khoa học đã nghỉ việc bằng cách tận dụng chính sách của chính ông Trump, cho phép các cơ quan chính phủ tuyển dụng lại các cựu nhân viên với mức lương cao hơn.
Chủ tịch Nouri cũng nói thêm rằng chính quyền mới nên khôi phục hàng trăm ủy ban cố vấn mà ông Trump đã loại bỏ, đồng thời đính chính những thông tin sai lệch về đại dịch trên mạng xã hội: “Chính quyền tiếp theo cần thiết lập một cơ sở hạ tầng để chống lại những thông tin sai lệch liên quan đến sức khỏe, cụ thể là liên quan đến COVID-19, bởi chúng tôi biết rằng tin giả đang giết người”.
Việc khôi phục niềm tin của người dân vào các cơ quan khoa học có thể giúp nhiệm vụ phân phối vaccine COVID-19 trong tương lai thuận lợi hơn. Điều này đóng vai trò quan trọng quyết định nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden.
Tiến sĩ Anthony Fauci. (Ảnh: Bloomberg)
Tăng nhân viên có chuyên môn trong chính phủ
Những quyết định của ông Trump nhằm làm mất uy tín và gạt bỏ những nhân viên có chuyên môn và chuyên gia khoa học trong bộ máy hành chính đã để lại hậu quả nghiêm trọng.
Chỉ trong năm đầu tiên ông Trump cầm quyền, tỷ lệ cắt giảm nhân viên nhiều kinh nghiệm trong Dịch vụ điều hành cấp cao của Mỹ tăng tới 82% so với các thời tổng thống tiền nhiệm. Ông Trump cũng bổ nhiệm quá nhiều người thân cận với mình vào vị trí lãnh đạo các cơ quan chủ chốt.
Tại Bộ Ngoại giao Mỹ, một nửa số vị trí đại sứ do những người được bổ nhiệm chính trị đảm nhiệm, thay vì các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ít nhất 4.000 vị trí trong lĩnh vực hành pháp cũng thuộc về những người được bổ nhiệm. Tỷ lệ này gần gấp đôi các chính quyền trước đó, ảnh hưởng nhiều đến tinh thần nhân viên và gây bất ổn trong bộ máy chính trị.
Phong cách lãnh đạo cùng việc thiếu nhân viên giàu kinh nghiệm đã đẩy nhanh sự đổ vỡ của chính phủ dưới thời ông Trump. Từ công cuộc xử lý siêu bão Maria năm 2017, đến các chính sách nhập cư khiến hơn 500 trẻ em phải xa cha mẹ trong gần 3 năm, và phản ứng trước dịch bệnh COVID-19. Vào giai đoạn đầu của đại dịch, có tới hơn một nửa trong số 70 vị trí cấp cao nhất liên quan đến công cuộc xử lý đều chưa được bổ nhiệm hoặc do các quan chức quyền lực chiếm giữ.
Ông Biden sẽ cần đưa những chuyên gia giàu kinh nghiệm trở lại Chính phủ. (Ảnh: AA)
Ông Biden sẽ cần đảo ngược xu hướng này một cách có ý thức, nhằm đưa những chuyên gia giàu kinh nghiệm trở lại chính phủ.
Max Stier, Chủ tịch Tổ chức Đối tác vì dịch vụ công (PPS), chỉ ra Tiến sĩ Fauci là nhân tố cần thiết nhất trong chính phủ mới.
“Nếu ông thực sự muốn cải cách chính phủ, cần phải có những ý tưởng hay, nhưng cũng cần thực hiện chúng một cách hiệu quả”, ông Stier nói. "Lực lượng lao động chuyên nghiệp không phải là kẻ thù... mà là điểm khởi đầu".
Phục hồi quyền của các cơ quan giám sát
Một trong số những quyết định quan trọng nhất mà tân Tổng thống cần đưa ra là nên điều tra người tiền nhiệm của mình hay buộc người đó phải chịu trách nhiệm bằng những biện pháp khác. Dù chọn cách xử lý các cáo buộc chống lại Trump như thế nào, ông Biden cũng nên thực hiện các bước củng cố những quy tắc cho thấy sự công khai và minh bạch về tài chính, đồng thời chống lại việc trục lợi từ chính phủ.
“Có quá nhiều sự ngờ vực”, Harvey Weinstein, người từng là quan chức của cựu Tổng thống Clinton, cho biết. “Quan trọng là ông Biden cần nói rõ rằng 'có một bộ luật. Chúng tôi sẽ tuân theo những quy tắc đó và thực thi chúng'. Bao gồm cả việc xác định và củng cố vai trò chính xác của Nhà Trắng trong mối quan hệ với các cơ quan liên bang ”.
Chính quyền mới cần nêu rõ rằng họ sẽ nhận sự giám sát chặt chẽ từ quốc hội cùng các cơ quan giám sát trong và ngoài chính phủ. Việc này giúp chứng minh đảng Dân chủ ủng hộ các biện pháp bảo vệ người tố giác và giúp họ tránh khỏi sự trả thù nếu họ vạch trần hành những vi sai trái.
Bước đầu tiên khi sau khi chính thức nắm quyền, ông Biden có thể kêu gọi quốc hội mới tổ chức các phiên điều trần về việc ông Trump sa thải các quan chức cấp cao. Tiếp đó, ông nên phục hồi các cơ quan giám sát và cho phép họ tiếp tục làm việc.
Hiện đại hóa chính phủ
Dưới thời ông Trump, chính phủ liên bang gồm khoảng 2 triệu người tuy có phát triển, nhưng trong đó chỉ có 6% lao động dưới 30 tuổi, trong khi 44% là các thành viên từ 50 tuổi, 1/3 nhân viên sẽ nghỉ hưu vào năm 2023.
Theo PPS, 83% các sở liên bang đang ở trong tình trạng thiếu nhân sự, 63% cho biết nhân viên của họ thiếu các kỹ năng quan trọng, các cơ quan đều gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự trẻ tuổi.
Nguyên nhân được chỉ ra là do quy trình tuyển dụng thiếu sót của chính phủ, vốn dựa vào một hệ thống cồng kềnh và thiếu minh bạch. Ngay cả khi các ứng viên nộp hồ sơ thành công, trung bình phải mất 100 ngày để nhận được lời mời làm việc của chính phủ, lâu gấp đôi so với các công ty tư nhân. Những nhân sự trẻ tuổi được tuyển cũng không được nhận đầy đủ sự cố vấn và hỗ trợ, dẫn đến tỷ lệ thất thoát nhân viên cao.
Một số biện pháp khắc phục là cải thiện công đoạn kiểm tra lý lịch, đẩy mạnh chương trình thực tập và tuyển dụng tại các trường đại học để thu hút tài năng trẻ. Để phục vụ biện pháp này thì việc thúc đẩy chính sách xóa và giảm nợ cho sinh viên là rất cần thiết. Do quy trình phức tạp nên hiện chỉ 1% sinh viên đủ điều kiện được xóa nợ.
Những thách thức mà chính quyền mới phải đối mặt sẽ đòi hỏi sự thay mang tính hệ thống. “Chính phủ chúng ta kế thừa không theo kịp thế giới, dù nói đến đại dịch, nạn tấn công mạng hay khủng hoảng kinh tế”, ông Stier nhận xét.
“Điều ông cần là sự thay đổi tư duy sâu sắc hơn nhiều”, Anne-Marie Slaughter, giám đốc điều hành của tổ chức New America và cựu trưởng ban Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao, nhắn gửi ông Biden. “Chúng ta cần phải chuyển từ hoạt động như một tập đoàn thế kỷ 20... sang một mô hình tương tự công ty tư vấn, nơi ông và các nhóm chuyên gia từ chính phủ cùng thành lập và tái thiết".
Bà Slaughter cho rằng ông Biden nên làm việc với quốc hội để cải tổ các đoàn ngoại giao của đất nước, cho phép các quan chức ngoại giao làm việc trong khu vực tư nhân và mở ra cơ hội cho những người Mỹ có kỹ năng chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ ngắn hạn ở nước ngoài.
Ông Biden cũng có thể hướng đến mô hình Dịch vụ Kỹ thuật số Mỹ, do Cựu Tổng thống Obama tạo ra. Cơ quan này từng cải thiện việc cung cấp các dịch vụ của chính phủ, tiết kiệm cho người dân 3,5 tỷ USD tiền thuế trong 5 năm.
'Tái hòa nhập' thế giới
Thách thức lớn nhất của ông Biden với tư cách Tổng thống Mỹ chính là cải thiện hình ảnh và quan hệ của Mỹ với thế giới.
Thái độ thù địch của Tổng thống Trump với các tổ chức đa phương trên thế giới cùng nhiều động thái coi thường các đồng minh truyền thống của Mỹ khiến nước này dần bị cô lập và có ít tầm ảnh hưởng hơn. Để đối phó với xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng, với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân cùng sự bành trướng của Trung Quốc, Mỹ cần phải củng cố quan hệ với các nước trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, ông Biden sẽ cần các chính sách ngoại giao thận trọng với cả các nước đồng minh với Mỹ.
“Tôi không nghĩ rằng thế giới sẽ chỉ đơn giản chấp nhận lời nói (của Mỹ) 'Chúng tôi đã trở lại', chúng tôi sẽ phải trở lại theo một phương thức khác”, bà Slaughter cho biết. “Việc kích hoạt lại các mối quan hệ sẽ tương đối dễ dàng. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta sẽ dẫn đầu như thế nào? Câu trả lời không thể chỉ tập trung vào việc chính phủ Mỹ sẽ lãnh đạo như thế nào mà còn là cách chúng ta dẫn đầu cùng với các quốc gia khác, cũng như ngành công nghiệp của chúng ta, các trường đại học, cơ sở khoa học của chúng ta”.
Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva. (Ảnh: Bloomberg)
Ông Biden đã cam kết tái gia nhập một loạt các cơ quan và thỏa thuận quốc tế từng bị Tổng thống Trump gạt bỏ, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định biến đổi khí hậu Paris. Ngoài ra, ông cũng nên cân nhắc tham gia COVAX, liên minh vaccine COVID-19 toàn cầu có sự tham gia của 180 nước, bao gồm cả Trung Quốc. Việc này không chỉ nhằm phục vụ nâng cao sức khỏe toàn cầu mà còn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ. Giúp người dân Mỹ tiếp cận với các loại vaccine được phát triển ở nước khác.
Tất cả những yếu tố trên đều cho thấy một khả năng: nếu nước Mỹ muốn thoát khỏi khủng hoảng, họ sẽ cần yêu cầu sự giúp đỡ. Việc Mỹ học cách chấp nhận những giới hạn sức mạnh của mình là bước đầu tiên để khôi phục đất nước.