Binh chủng Tên lửa - Pháo bờ biển là một trong số đại diện cho Quân chủng Hải quân tham gia Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 vừa khai mạc sáng 8/12, đơn vị cũng mang đến triển lãm tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K44 Redut lừng danh.
4K44 Redut là một tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển di động do Liên Xô phát triển từ những năm 1950-1960 và đưa vào sử dụng trong thập niên 60. Tên định danh của NATO cho hệ thống tên lửa này là SS-C-1.
Tổ hợp 4K44 Redut sử dụng tên lửa hành trình đối hạm tầm xa P-35 (một biến thể chống hạm tầm xa của tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến thuật P-5 Pyatyorka). NATO đặt tên cho loại tên lửa này là SS-N-3 Shaddock.
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K44 Redut được giới thiệu tại triển lãm quốc phòng Việt Nam 2022. (Ảnh: Trà Khánh)
Tổ hợp 4K44 Redut được thiết kế đặt trên nền tảng xe cơ giới hạng nặng việt dã 8x8 bánh cho khả năng cơ động cao, phản ứng nhanh, phạm vi bảo vệ bờ biển rất lớn.
Dù ra đời từ những năm 1960, song đến nay 4K44 Redut vẫn không hề tỏ ra lỗi thời, rất nguy hiểm. Tổ hợp tên lửa này được thiết kế cho nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu giá trị cao trên mặt biển ở cự ly lớn (tàu sân bay, tàu đổ bộ lớn, tàu khu trục, tuần dương hạm...).
Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockhom (SIPRI), năm 1980 Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam một hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển tầm xa 4K44B Redut (NATO định danh là SS-C-1B Sepal) cùng 25 quả đạn tên lửa hành trình chống tàu P-35B.
Tại thời điểm đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á sở hữu hệ thống vũ khí diệt hạm này. Hệ thống này là một trong những lá chắn thép bảo vệ bờ biển Việt Nam, được biên chế cho Lữ đoàn 679, Binh chủng Tên lửa - Pháo bờ biển, Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tổ hợp 4K44B Redut gồm 4 thành phần chính là radar trinh sát 4R45 Skala, 1 xe chỉ huy, 3 bệ phóng di động và đạn tên lửa chống tàu P-35B. Tất cả các thành phần đều được đặt trên xe vận tải bánh lốp.
Bệ phóng di động của 4K44B Redut cùng đạn tên lửa P-35B. (Ảnh: Trà Khánh)
Tên lửa P-35B trang bị cho tổ hợp phòng thủ bờ biển Redut cũng được coi là một trong những loại tên lửa chống hạm lớn nhất thế giới. Tên lửa này có chiều dài hơn 10m, đường kính thân 1,5m, sải cánh 5m, trọng lượng phóng 5 tấn.
Tên lửa sử dụng 2 động cơ là động cơ khởi tốc (nhằm đẩy tên lửa xuất phát) và động cơ hành trình dùng nhiên liệu rắn KRD-26 (động cơ đưa tên lửa tới mục tiêu). Tầm bắn của tên lửa P-35 đạt 460-500km, tốc độ bay pha cuối siêu âm Mach 1,4. Biến thể nâng cấp về sau có thể đạt từ 550-750 km ở các phiên bản hiện đại hóa như Redut-M.
P-35B lắp đầu đạn thuốc nổ nặng 800 - 1.000 kg TNT, có sức công phá rất lớn, đủ sức đánh chìm những chiến hạm cỡ lớn kể cả tàu sân bay. Redut được cho là hệ thống phòng thủ bờ biển có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay.
Hình ảnh tên lửa P-35B bay ra khỏi ống phóng. (Ảnh: Báo Hải quân)
Tên lửa P-35B được đặt trong ống phóng ZIL-135K lắp trên khung gầm xe tải hạng nặng BAZ-135MB 8x8 bánh. Mỗi xe phóng mang 1 đạn tên lửa được vận hành bởi 5 người, thời gian triển khai sẵn sàng chiến đấu khoảng 30 phút.
Trong chiến đấu, nhằm đạt hiệu quả công kích mục tiêu cao nhất, cách đánh thường áp dụng với tổ hợp tên lửa này là "chiến thuật bầy sói". Theo đó, sĩ quan điều khiển sẽ phóng 3-4 tên lửa cùng một lúc. Một trong số các tên lửa này sẽ được điều khiển bay lên cao hơn so với các tên lửa khác. Tên lửa này sẽ dùng radar của mình để dẫn đường cho các tên lửa còn lại tấn công một tàu hoặc nhóm tàu được phát hiện bởi các radar cảnh giới.
Dù tầm bắn xa, sức công phá siêu mạnh đủ sức đánh chìm tàu sân bay, song hệ thống 4K44 Redut vẫn tồn tại nhiều nhược điểm như kích thước lớn, thời gian triển khai và thu hồi tương đối chậm; hệ thống dẫn đường dễ bị tổn thương trong môi trường tác chiến điện tử mạnh.