Mặc dù chỉ bằng một phần nhỏ so với quy mô thời Liên Xô, nhưng phi đội máy bay chiến đấu của Nga ngày nay vẫn được xếp thứ ba thế giới về số lượng, với hơn 800 chiếc máy bay đang hoạt động và là một trong những quốc gia sở hữu nhiều loại máy bay chiến đấu nhất trên thế giới.
Nga đang sở hữu nhiều loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hơn bất kể quốc gia nào khác và đa số trong đó là các loại máy bay hạng nặng, bởi chúng có khả năng tuần tra trên không phận rộng lớn hoặc xâm nhập sâu vào lãnh thổ NATO khi cần thiết.
Mặc dù hơn 95% máy bay chiến đấu đang hoạt động của Nga được sản xuất từ giữa những năm 1990 và chủ yếu là các phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-27 Flanker, các loại chiến đấu cơ của Nga vẫn được giới chuyên gia đánh giá là rất hiện đại.
Dưới đây là tổng quan về tất cả 15 loại máy bay chiến đấu và tiêm kích đánh chặn trong Quân đội Nga, được xếp hạng từ cao đến thấp theo khả năng chiến đấu của chúng.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57
1. Su-57: Số lượng 10 chiếc
Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất của Nga, được sản xuất với số lượng hạn chế do nhiều lần chương trình này phải trì hoãn. Hiện chỉ có 10 chiếc đang hoạt động. Tuy nhiên số lượng máy bay dự kiến sẽ đạt 50 chiếc vào năm 2026 và 76 chiếc vào cuối năm 2027.
Su-57 là loại chiến đấu cơ hạng nặng và là phiên bản kế nhiệm trực tiếp của Su-27 Flanker, máy bay có khả năng tàng hình, tầm hoạt động rất xa và khả năng nhận biết tình huống cao. Ngoài ra máy bay còn được trang bị sáu radar AESA cùng hệ thống theo dõi và tìm kiếm hồng ngoại tiên tiến.
Chỉ một số lượng nhỏ Su-57 phiên bản nguyên thủy dự kiến được sản xuất, trong khi đó phiên bản cải tiến Su-57M được giới thiệu lần đầu vào tháng 10/2022 sẽ thay thế bản gốc và được sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2024.
Su-57M sẽ hoạt động như một máy bay chiến đấu “thế hệ 5+”, cho phép Nga thu hẹp khoảng cách với các chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đầy tham vọng hiện đang được phát triển ở Trung Quốc và Mỹ.
Một số tính năng được đánh giá cao của Su-57 bao gồm khả năng cơ động linh hoạt, khả năng được trang bị tên lửa không đối không R-77M và R-37M, máy bay còn có thể tích hợp nhiều loại tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh.
Su-57 cũng được ghi nhận tham gia chiến đấu trên chiến trường Ukraine. Chiếc máy bay này đã tiến hành các cuộc không kích tầm xa, thực hiện nhiệm vụ chế áp phòng không. Một số báo cáo còn tiết lộ rằng Su-57 có thể đã tham gia vào các cuộc không chiến với chiến đấu cơ của Ukraine.
MiG-31BSM của Không quân Nga.
2. MiG-31BM/BSM: số lượng 105 chiếc
Mặc dù Nga đã không sản xuất thêm máy bay đánh chặn MiG-31 Foxhound kể từ năm 1994, nhưng phiên bản cải tiến MiG-31BM/BSM vẫn được đánh giá là loại máy bay có hiệu suất hoạt động hàng đầu thế giới.
MiG-31 là máy bay chiến đấu hoạt động nhanh nhất trên thế giới, máy bay được đánh giá cao nhờ bộ cảm biến có kích thước rất lớn, được trang bị radar Zaslon-M cung cấp mức độ nhận biết tình huống cao mà ít máy bay chiến đấu nào có thể sánh được.
Kích thước lớn của khung máy bay cho phép MiG-31 mang theo tải trọng lớn và nhiều loại vũ khí hiện đại như tên lửa R-37M. MiG-31 có trần bay và tốc độ bay rất cao, khi được trang bị tên lửa R-37M máy bay sẽ có phạm vi tấn công lên tới 400 km.
Những chiếc MiG-31 mang theo R-37M được giới chuyên gia đánh giá là phương tiện chiến tranh trên không mạnh nhất trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. MiG-31 có thể phóng tên lửa khi ở độ cao tối đa, điều này cho phép tên lửa bay xa hơn đáng kể so với những vũ khí tương tự được phóng từ các loại máy bay chiến đấu của NATO.
MiG-31 Foxhound là máy bay chiến đấu chiến thuật lớn nhất thế giới, máy bay có thể duy trì tốc độ bay siêu thanh trong thời gian dài, điều này giúp cho máy bay có khả năng phản ứng nhanh chóng trước các mối đe dọa trên khắp lãnh thổ rộng lớn của Nga.
Chiến đấu cơ MiG-31K.
3. MiG-31K/I: số lượng 32 chiếc
Lần đầu tiên được đưa vào sử dụng từ năm 2017, MiG-31K là bản sửa đổi của phiên bản MiG-31 nguyên thủy, để có thể thực hiện tấn công và triển khai tên lửa đạn đạo siêu thanh Kh-47M2.
Kh-47M2 là loại tên lửa có khả năng cơ động cao, với tầm bắn xa lên tới 2.000 km và tốc độ Mach 10. Khi được trang bị tên lửa Kh-47M2, MiG-31 được đánh giá là máy bay chiến đấu tấn công hàng đầu thế giới, cho phép nó có thể vô hiệu hóa bất kỳ tàu chiến mặt nước nào chỉ bằng một cú đánh trúng đích.
MiG-31K thường được triển khai tới các địa điểm quan trọng có giá trị chiến lược như Bắc Cực hoặc các khu vực nhạy cảm như Syria, Kaliningrad và Belarus, nhất là trong thời điểm căng thẳng cao độ với NATO vào năm 2022.
MiG-31K được xem là phương tiện hữu hiệu để Nga chống lại các hệ thống phòng không hiện đại của đối phương, đáng chú ý máy bay còn có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân. Vào tháng 5/2023, MiG-31K đã được sử dụng để vô hiệu hóa các hệ thống phòng không Patriot của Mỹ ở thủ đô Kiev của Ukraine.
Một phiên bản nâng cao của MiG-31K là MiG-31I, đã được công bố vào tháng 8/2022, biến thể này có những cải tiến về hệ thống điện tử hàng không. Ngoài ra, MiG-31K/I cũng là cơ sở để Nga tiếp tục phát triển một biến thể khác với tên gọi MiG-31D, chiếc máy bay này dành cho chiến tranh không gian và có khả năng vô hiệu hóa các vệ tinh.
Hai tiêm kích Su-35S của Không quân Nga.
4. Su-35S: số lượng 114 chiếc
Su-35S là mẫu máy bay chiến đấu nổi tiếng nhất của Nga thời hậu Xô Viết, Su-35S ngày nay là phương tiện chính của phi đội máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không.
Su-35 đã hoàn thành quá trình phát triển và chuẩn bị được sản xuất hàng loạt vào những năm 1990, tuy nhiên việc thiếu kinh phí và những khủng hoảng sau khi Liên Xô tan rã đã khiến quá trình sản xuất máy bay bị trì hoãn tới tận năm 2014.
Su-35 là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ vectơ lực đẩy ba chiều giúp làm tăng khả năng cơ động và làm tăng độ bền của máy bay, bên cạnh đó tiết diện radar của Su-35 nhỏ hơn đáng kể so với Su-27.
Radar Irbis-E của Su-35S có góc lệch tối đa lên tới 120° và có thể phát hiện các mục tiêu tàng hình trong phạm vi 95 km, máy bay còn được trang bị hai radar L-Band AESA cùng hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại OLS-35.
Mặc dù không thể so sánh với khả năng cơ động của MiG-31 hoặc các tính năng tiên tiến trên radar của Su-57, nhưng Su-35S vẫn được đánh giá là có khả năng thách thức các máy bay chiến đấu hiện tại của NATO, đặc biệt khi được hỗ trợ bởi các hệ thống phòng không mặt đất.
Su-35 được quân đội Nga sử dụng tích cực trong chiến dịch quân sự đặc biệt, chiếc máy bay này đã tham gia nhiều trận không chiến và giành được nhiều chiến thắng trước các chiến đấu cơ Ukraine. Một số báo cáo cho rằng, Su-35 là loại chiến đấu cơ bắn hạ nhiều máy bay trong không chiến nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Su-34 của Không quân Nga.
5. Su-34: số lượng 130 chiếc
Được đưa vào hoạt động cùng với Su-35 từ năm 2014, Su-34 là loại máy bay chiến đấu được Quân đội Nga đặt hàng với số lượng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhằm thay thế phi đội máy bay chiến đấu tấn công chuyên dụng Su-24M từ thời Liên Xô.
Su-34 cũng là một phiên bản phái sinh của Su-27 Flanker, ngoài vai trò chính là máy bay ném bom, Su-34 còn có khả năng không chiến trong phạm vi nhất định. Máy bay được cải tiến với tiết diện radar nhỏ và khả năng tích hợp nhiều loại vũ khí đối kháng. Sự đầu tư của Nga vào Su-34 cho thấy ưu tiên của nước này trong việc sử dụng loại máy bay chiến đấu tấn công chuyên dụng, thay vì dựa vào các loại máy bay chiến đấu đa năng.
Su-34 được coi là một phương tiện hiệu quả để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ đối phương. Tuy nhiên, Su-34 đã gặp nhiều tổn thất trên chiến trường Ukraine. Một số chuyên gia lý giải rằng, Su-34 được thiết kế để đối phó với mạng lưới phòng không của NATO, trong khi hệ thống phòng không Ukraine đã ququen thuộc với loại máy bay này.
Biến thể mới nhất Su-34M đang được cải tiến và bổ sung nhiều tính năng mới, dựa trên kinh nghiệm hoạt động ở chiến trường Ukraine, nhằm khắc phục những hạn chế mà phiên bản ban đầu mắc phải khi chiến đấu.