Trong y học dân gian, nhiều bộ phận của cây bàng như lá, vỏ được dùng làm thuốc chữa bệnh. Quả bàng với vị chát, ngọt hậu cũng thân thuộc với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Trong hạt bàng có nhân cứng. Phần nhân này được y học hiện đại chứng minh có nhiều tác dụng dược lý.
Giảm viêm nhiễm
Nhân hạt bàng chứa 2 axit béo quan trọng axit linoleic và linolenic. Hai loại axit này giúp giảm viêm khắp cơ thể, đồng thời hỗ trợ giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), cải thiện sức khỏe da và tóc.
Tốt cho phụ nữ mang thai
Nhân hạt bàng chứa một lượng axit folic lớn. Đây là loại axit giúp giảm nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Do đó, tiêu thụ nhân hạt bàng rất có lợi đối với phụ nữ mang thai.
Nhân hạt bàng tốt cho phụ nữ mang thai (Ảnh: eBay)
Hỗ trợ giảm cân
Chất béo không bão hòa đơn trong nhân hạt bàng giúp giảm cảm giác thèm ăn, từ đó hạn chế việc nạp thêm calo vào cơ thể. Nhân hạt bàng cũng rất giàu chất xơ, giúp cơ thể no lâu hơn và có lợi cho hoạt động của nhu động ruột, từ đó giúp giảm cân.
Giúp xương chắc khỏe hơn
Nhân hạt bàng là nguồn giàu phốt pho, vitamin và khoáng chất. Phốt pho đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành xương và sửa chữa các tế bào trong cơ thể. Tiêu thụ nhân hạt bàng thường xuyên với mức độ vừa phải giúp xương và răng chắc khỏe hơn.
Cải thiện hệ thống miễn dịch
Nghiên cứu chỉ ra rằng nhân hạt bàng chứa kẽm và mangan giúp nâng cao hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo cũng như carbohydrate.
Mangan và kẽm là các khoáng chất thiết yếu cần thiết cho sự phát triển, tăng trưởng và hoạt động bình thường của cơ thể để hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường. Do đó, hạt bàng là thực phẩm lành mạnh nên được thêm vào chế độ ăn hàng ngày.
Tăng cường sức khỏe não bộ
Nhân hạt bàng chứa hai chất dinh dưỡng quan trọng cho não như L-carnitine và riboflavin. Hai chất này giúp tăng cường hoạt động của não, giúp tái tạo các tế bào thần kinh mới và giảm sự phát triển bệnh Alzheimer.
Ngăn ngừa táo bón
Quả bàng giàu chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, nếu ăn loại quả này cần uống đủ nước để quá trình tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Chỉ cần ăn 4-5 quả bàng là bạn đã bổ sung được lượng chất xơ giúp điều hòa quá trình tiêu hóa.
Quả bàng, nhân hạt bàng đều giàu chất xơ. (Ảnh: AZ Martinique)
Điều hòa huyết áp
Kali trong quả bàng, bao gồm cả phần hạt, giúp điều hòa huyết áp và kiểm soát sự dao động của huyết áp. Nhiều chất dinh dưỡng khác trong quả bàng cũng góp phần mang lại lợi ích này.
Điều chỉnh lượng đường trong máu
Quả bàng giúp cải thiện độ nhạy insulin và điều hòa lượng đường trong máu sau bữa ăn. Đối với các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tiêu thụ quả bàng giúp ngăn ngừa việc tăng đột biến lượng đường trong máu.
Bảo vệ tim mạch
Sự hiện diện của chất béo không bão hòa đơn, kali và protein trong quả bàng có lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, magiê trong quả bàng cũng giúp ngăn ngừa các cơn đau tim, còn vitamin E đóng vai trò như một chất chống oxy hóa hiệu quả chống lại nguy cơ mắc bệnh tim.
Quả bàng giúp giảm sự hiện diện của protein phản ứng C (CRP) gây viêm động mạch. Nguồn axit folic dồi dào trong quả bàng cũng hỗ trợ giảm homocysteine - tác nhân khiến mỡ tích tụ trong động mạch.
Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư
Thường xuyên tiêu thụ quả bàng giúp tăng cường sự di chuyển của thức ăn qua đại tràng, do đó ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ đậu phộng, hạt óc chó và hạt bàng có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc ung thư vú.
Những lưu ý khi ăn quả bàng
Có người dị ứng khi ăn bàng. (Ảnh: Paticheri)
Thịt của quả bàng khá mỏng, vị hơi chua, ngọt hậu. Phần nhân bên trong hạt bàng mang lại nhiều giá trị sức khỏe hơn cả. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều hạt bàng có thể gây ra táo bón, đầy hơi vì hàm lượng chất xơ cao. Nhiều người cũng có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, tiêu chảy, mờ mắt, đầy hơi, chóng mặt.
Tiêu thụ quá mức hạt bàng cũng có thể dẫn tới tăng cân vì hạt có hàm lượng chất béo và calo cao.
Một số người có thể có phản ứng dị ứng khi ăn hạt bàng. Các phản ứng bao gồm khó thở, phát ban.