Leo thang xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh đã bước sang tuần thứ hai, với nhiều thiệt hại được ghi nhận từ các bên tham chiến. Theo đó, cho đến nay hơn 360 người đã thiệt mạng, bao gồm 320 quân nhân và 19 thường dân ở Nagorno-Karabakh, cùng 28 thường dân Azerbaijan.
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, quân đội Azerbaijan liên tiếp tổ chức các cuộc tấn công trên quy mô lớn, nhằm giành quyền kiểm soát vùng đất này. Theo các nhà bình luận, trong trường hợp Baku đạt được mục tiêu quân sự, khu vực Nam Kavkaz sẽ rơi vào cuộc chiến tranh toàn diện và đẫm máu.
Baku quyết tâm giành lại Nagorno-Karabakh.
Trở thành “Dải Gaza thứ hai”
Theo nhận định của các chuyên gia, những gì đang diễn ra trên chiến trường cho thấy, quân đội Azerbaijan không có ý định dừng các cuộc tấn công vũ trang vào khu vực Nagorno-Karabakh. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trước đó không đồng ý về nhận định "cuộc xung đột này không thể kết thúc bằng giải pháp quân sự”, và dường như quyết tâm giải quyết bằng sức mạnh.
Theo luật pháp quốc tế và các Nghị quyết của Liên hợp quốc, cũng như Thỏa thuận Bishkek nhằm ngăn chặn đổ máu trên vùng đất này, Nagorno-Karabakh được trao cho Baku, và không có sự hình thành của nhà nước với tên gọi Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng (hay Cộng hòa Artsakh).
Tuy nhiên, hiện nay Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng có hơn 99% dân số là người Armenia, đang sinh sống tại khu vực tranh chấp này. Họ bày tỏ ý định sát nhập khu vực này vào lãnh thổ Cộng hòa Armenia.
Do đó, trong trường hợp quân đội Azerbaijan có được Nagorno-Karabakh, người Armenia tại khu vực này có thể sẽ được yêu cầu rời khỏi khu vực. Từ đó có thể xảy ra các đợt di cư và tị nạn của hàng chục nghìn người Armenia tại vùng tranh chấp.
Tuy vậy, nếu nhìn vào lịch sử xung đột kéo dài ở Nagorno-Karabakh hơn 30 năm qua, có thể nhận thấy người Armenia không dễ dàng từ bỏ vùng đất mà họ tuyên bố sở hữu và đòi sát nhập vào Cộng hòa Armenia.
Vì thế, khả năng sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh du kích hay các xung đột đòi ly khai dai dẳng sẽ tiếp tục diễn ra tại khu vực Nagorno-Karabakh. Khi đó, hai nước Armenia và Azerbaijan sẽ đối mặt về nguy cơ cuộc chiến tranh tổng lực, kéo theo nguy cơ ngọn lửa chiến tranh lan ra khắp khu vực Kavkaz.
Theo các nhà quan sát, một giải pháp có thể xem xét cho tranh chấp Nagorno-Karabakh là việc Armenia sẽ nhận được khoản bồi thường mang tính tượng trưng cho vùng đất bị mất và việc di chuyển dân tị nạn ra khỏi khu vực.
Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra, bởi vì Baku sẽ không trả tiền cho những người được cho là “chiếm đóng” và "bị trục xuất".
Hiện các cuộc tấn công của quân đội Azerbaijan nhằm giành lại quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh sẽ đi kèm với sự tàn phá và thương vong không thể tránh khỏi.
Điều này sẽ gây ra những hận thù mới và đẩy ngọn lửa chiến tranh của người dân Armenia ở khu vực tranh chấp ngày càng lên cao. Do đó, ngay cả sau khi chiếm được Karabakh, Baku sẽ phải đối mặt với một phong trào phản kháng mạnh mẽ, thậm chí là bạo lực, xung đột liên tiếp xảy ra. Khu vực này sẽ rơi vào cảnh bị tàn phá và hỗn loạn hoàn toàn.
Chính quyền Azerbaijan sẽ cố gắng thiết lập quyền kiểm soát đối với các đối tượng kinh tế và nguồn tài nguyên tại Karabakh để tiếp tục khai thác, đồng thời cố gắng đưa càng nhiều càng tốt người Azerbaijan vào sinh sống ở lãnh thổ giành được.
Tuy nhiên, trong trường hợp Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng biến mất (do cuộc tấn công quân sự từ Azerbaijan), vùng đất này sẽ không còn thấy hòa bình, mà sẽ biến thành “dải Gaza thứ hai” (giữa Palestine và Israel) ở Kavkaz.
Theo các chuyên gia, tất cả những điều này chỉ có thể xảy ra với điều kiện Nga hoàn toàn rút khỏi việc giải quyết xung đột. Và điều này sẽ khó xảy ra, vì Matxcơva không muốn mất ảnh hưởng ở khu vực Kavkaz và cả trên toàn bộ không gian hậu Xô Viết.
Chiến thuật quân sự đặc biệt của Baku
Ngày nay, trong các cuộc xung đột quân sự hiện đại, việc dùng camera quay lại hoạt động tác chiến từ máy bay không người lái thường xuyên được sử dụng. Dựa vào các video từ phía quân đội Azerbaijan, có thể thấy rằng Baku đang tiếp thu những kinh nghiệm hoạt động quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya.
Trước hết liên quan đến việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) do thám và tấn công, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ cùng là các nước có nhiều kinh nghiệm tác chiến. Theo đó, tại khu vực Nagorno-Karabakh, ngoài các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan sử dụng thêm các phương tiện bay hiện đại của Israel, như Spike, LORA, IAI Harop, Hermes 900.
Baku cũng sản xuất các dòng UAV là "Aerostar" và "Orbiter-2M" từ năm 2011, và sử dụng chúng trong cuộc xung đột với Armenia.
Các máy bay không người lái của Azerbaijan phá hủy xe bọc thép của Armenia trên chiến trường.
Chiến thuật của lực lượng quân sự Azerbaijan được xác định bởi sự hiện diện của các hệ thống vũ khí hiện đại mà Armenia không có. Đặc điểm chính của hoạt động này là sử dụng ồ ạt và hiệu quả các loại vũ khí có độ chính xác cao, chủ yếu tấn công từ các UAV.
Mục tiêu chính là xe tăng, hệ thống phòng không, pháo binh, sở chỉ huy, kho đạn, vị trí của các đơn vị, đồng thời nhằm vào cả hầm trú ẩn, cơ sở hạ tầng, các tòa nhà hành chính quan trọng của Armenia.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân đội Azerbaijan là phá hủy hệ thống phòng không và mở ra bầu trời cho lực lượng không quân tác chiến tại Nagorno-Karabakh.
Quân đội Azerbaijan trước đó tung ra video về cuộc tấn công sử dụng máy bay không người lái gần khu vực Stepanakert, phá hủy hệ thống phòng không S-300 của Armenia.
Đồng thời, có thêm các video tiêu diệt hệ thống phòng không Osa AKM và Strela-10, hệ thống phòng không chủ lực của quân đội Armenia. Các UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã được sử dụng trong các nhiệm vụ đặc biệt này.
Theo các chuyên gia quân sự, mục tiêu của quân đội Azerbaijan là nhằm phá hủy hoàn toàn các trang thiết bị quân sự và các nguồn lực kỹ thuật vật chất của lực lượng vũ trang Armenia, nhằm hạn chế khả năng đánh trả.
Baku dường như không đặt ra mục tiêu tiêu diệt càng nhiều binh lính đối phương càng tốt. Song ưu tiên việc phá hủy trang thiết bị, làm cạn kiệt nguồn đạn dược, lương thực, nhiên liệu của đối thủ bằng các cuộc tấn công chính xác liên tục.
Từ đó đối thủ bị tước cơ hội tiến hành chiến tranh, dập tắt ý chí phản kháng, khiến hệ thống phòng thủ sụp đổ và có thể dẫn đến việc đối phương phải đầu hàng hoặc nhượng bộ trên bàn đàm phán.
Tranh chấp Nagorno-Karabakh là một vấn đề lịch sử. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập khu vực này vào Armenia.
Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Căng thẳng tái bùng phát vào sáng 27/9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên.
Theo các nguồn tin chính thức, xung đột quân sự đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đây được cho là các vụ đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 tại khu vực này, làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia.
Nhóm Minsk thành lập năm 1992 với mục đích làm trung gian cho một giải pháp hòa bình liên quan đến khu vực Nagorny - Karabakh.