Xung đột xảy ra trong những ngày gần đây ở Nagorno-Karabakh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các bên tham chiến. Theo các chuyên gia, giao tranh hạn chế trong thời gian ngắn giữa quân đội Azerbaijan và Armenia có thể bùng phát thành cuộc chiến toàn diện, kéo theo sự tham gia của các nước thứ ba.
Azerbaijan và Armenia đã và đang chuẩn bị các hoạt động quân sự, huy động lực lượng và tiến hành nhiều phương án chiến đấu ở khu vực tranh chấp. Hiện thông tin về tương quan sức mạnh quân sự và khả năng chiến đấu của Azerbaijan và Armenia là điều rất được quan tâm.
Xe tăng Armenia tham gia chiến đấu tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh tháng 9/2020.
Azerbaijan nhiều quân hơn Armenia
Quân đội Quốc gia Azerbaijan (NAA) có số lượng khá lớn và là một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh trong khu vực. Theo xếp hạng của Global Firepower, Baku nằm ở vị trí thứ 64 trên thế giới - cao hơn đáng kể so với các đối thủ trong khu vực.
Theo The Military Balance 2020, tổng số quân của NAA lên tới gần 67.000 người, phần lớn trong số họ phục vụ trong các đơn vị mặt đất. Lực lượng dự bị của NAA lên đến 300.000 người.
NAA có lục quân, không quân và hải quân, nhưng không phải tất cả lực lượng của NAA có thể tham gia vào xung đột Nagorno-Karabakh.
Trong khi đó, lực lượng vũ trang Armenia có số lượng ít hơn và tiềm lực ước tính thấp hơn. Theo đó, quân đội Armenia có khoảng 45.000 quân và khoảng 210.000 quân dự bị.
Global Firepower xếp Armenia ở vị trí thứ 111/138 trên toàn thế giới. Do đặc điểm vị trí địa lý, quân đội Armenia chỉ bao gồm các lực lượng mặt đất và không quân.
Tuy nhiên, cần xem xét khả năng quốc phòng của Cộng hòa Nagorno-Karabakh (NKR) tự xưng - lực lượng do Armenia hậu thuẫn. Theo đó, quân đội NKR có hơn 20.000 người, lực lượng dự bị lên tới 90.000-100.000 người.
Theo số liệu cáo cáo, việc xây dựng quân đội ở NKR được thực hiện với sự hỗ trợ trực tiếp của Yerevan, trong đó bao gồm các hoạt động tổ chức, đào tạo nhân sự, cung cấp trang thiết bị chiến đấu.
Hiện các chỉ số sức mạnh quân sự của 3 lực lượng trên rất khó xác định. Các số liệu trên được đưa ra từ đầu năm, song những ngày gần đây, các bên tham gia xung đột đã bị thiệt hại đáng kể. Đồng thời, hiện vẫn chưa có dữ liệu chính xác về số trang thiết bị bị phá hủy của các bên.
Lực lượng bộ binh Azerbaijan
Lực lượng mặt đất của Azerbaijan bao gồm 5 quân đoàn, trong đó có 23 lữ đoàn súng trường cơ giới. Ngoài ra còn có các tiểu đoàn bộ binh và xe tăng, cũng như các đơn vị hỗ trợ.
Azerbaijan có 2 lữ đoàn pháo binh riêng biệt, được trang bị hệ thống đa nòng và tên lửa, cùng với 1 lữ đoàn công binh và một số lực lượng khác.
Quân đội Azerbaijan có khoảng 439 xe tăng, chủ yếu là T-72.
Theo báo cáo, Quân đội Quốc gia Azerbaijan (NAA) có 439 xe tăng, chủ yếu là T-72 với nhiều cải tiến khác nhau (hơn 240 chiếc) và T-90S (100 chiếc).
Bộ binh cơ giới sử dụng hơn 780 xe bọc thép các loại. Trong đó có cả mẫu cũ do Liên Xô sản xuất và một số thiết bị mới nhập khẩu. Vũ khí chống tăng có 10 tổ hợp tên lửa tự hành 9M123 Khrizantema và một số lượng lớn hệ thống tên lửa chống tăng di động.
NAA có tiềm lực lớn về tên lửa và pháo binh, trong đó có 12 pháo tự hành 2S7 Pion, loại 203mm và hơn 35 pháo tự hành 152mm hoặc 155 mm các loại.
Quân đội Azerbaijan có 44 pháo tự hành hạng nặng 2S1 Carnation. Ngoài ra có 36 tổ hợp pháo/cối tự hành Nona và Vienna. Pháo kéo gồm hơn 200 chiếc, với cỡ nòng lên tới 152 mm. Pháo tên lửa có gần 150 chiếc.
Hiện NAA còn trang bị hệ thống pháo phản lực Grads của Liên Xô, cỡ nòng 122 mm, cũng như các hệ thống 300 mm hiện đại do nước ngoài sản xuất.
Ngoài ra, quân đội Azerbaijan được trang bị các hệ thống tên lửa chiến thuật, bao gồm 4 hệ thống Tochka-U và 2 hệ thống LORA được sản xuất tại Israel. Nhờ đó, NAA có thể tiêu diệt các mục tiêu phòng thủ ở sâu trong lãnh thổ đối phương.
Hệ thống phòng không của NAA được xây dựng dựa trên cơ sở các tổ hợp do Liên Xô và Nga sản xuất, hầu hết là các loại cũ. Các mẫu phòng không thuộc nhiều lớp khác nhau, từ hệ thống phòng không tầm trung đến cơ động. Ngoài ra còn có các cơ sở lắp đặt được kéo và tự hành như ZU-23-2/4.
Lục quân Armenia
Lực lượng mặt đất của Armenia có 5 quân đoàn vũ trang tổng hợp, bao gồm bộ binh, xe tăng, pháo binh, phòng không và các đơn vị khác. Ngoài ra còn có 2 lữ đoàn pháo binh riêng biệt, 1 trung đoàn công binh.
Lực lượng chủ yếu của lục quân Armenia là các đơn vị xe tăng, chủ yếu là T-72A/B và có hơn 100 xe bọc thép các loại.
Tổ hợp Tochka-U của quân đội Armenia.
Đội xe bọc thép bộ binh gồm có 360 xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh do Liên Xô sản xuất. Có số lượng không xác định phương tiện vận tải bọc thép hạng nhẹ đa năng, xe bọc thép BRDM-2, xe công binh các loại. Hơn 20 hệ thống tên lửa chống tăng tự hành Kornet, Konkurs và Shturm.
Pháo pháo tự hành bao gồm 30 chiếc, chủ yếu là 2S3 Akatsia, cỡ nòng 152 mm. Pháo kéo hơn 130 khẩu nhiều loại. Trong khi đó pháo tên lửa có 60 hệ thống của 3 mẫu, trong đó mạnh nhất là 6 khẩu 9K58 Smerch.
Lực lượng tên lửa cũng có 16 tổ hợp tên lửa chiến thuật cơ động, trong đó có 8 tổ hợp Elbrus, 4 tổ hợp Tochka-U và 4 tổ hợp Iskander-M. Các tên lửa chiến thuật này khác nhau về đặc điểm và khả năng tác chiến, nhưng hoạt động chung của chúng mang lại sự linh hoạt nhất định khi chiến đấu.
Hệ thống phòng không mặt đất của Armenia được xây dựng dựa trên các hệ thống vũ khí cũ và mới do Liên Xô, Nga sản xuất. Các hệ thống phòng không vác vai Igla, Verba và nhiều hệ thống tầm ngắn, tầm trung khác nhau như Osa, Cub. Ngoài ra, các hệ thống tên lửa đời cũ như S-75 và S-125 vẫn còn trong biên chế.
Sức mạnh phòng không không quân
Không quân Azerbaijan hiện có một phi đội tiêm kích MiG-29 (gồm 15 chiếc) và 1 trung đoàn máy bay ném bom cường kích Su-24 và Su-25 (hơn 20 chiếc).
Ngoài ra, 26 trực thăng vận tải Mi-24 có thể được sử dụng để tấn công mục tiêu. Các nhiệm vụ hỗ trợ phụ thuộc vào 4 máy bay vận tải quân sự và 20 trực thăng Mi-17. Bên cạnh đó, Azerbaijan còn có 15 máy bay huấn luyện.
Azerbaijan đang cố gắng xây dựng một phi đội máy bay không người lái. Cho đến nay, ít nhất 16-18 UAV nhập khẩu đã được đưa vào biên chế, bao gồm các loại có thời gian bay dài và khả năng mang vũ khí.
Lực lượng Phòng không Azerbaijan đang vận hành các tổ hợp S-75 và S-125 lỗi thời, cũng như được trang bị hệ thống Buk-M1 mới hơn. Mẫu mới nhất trong hệ thống phòng không của Baku là S-300PM / PMU2.
Phi đội tiêm kích MiG-29 của Azerbaijan.
Không quân Armenia năm 2019 đã nhận 4 máy bay chiến đấu Su-30SM, và dự kiến sẽ có thêm 8 chiếc nữa trong thời gian tới. Lực lượng không quân chiến thuật gồm có một phi đội gồm 14 máy bay cường kích Su-25.
Armenia có khoảng 10-12 trực thăng vận tải Mi-24 và 4 máy bay vận tải quân sự (bao gồm 3 chiếc Il-76), cũng như có thêm 20 chiếc trực thăng khác. Ngoài ra, Yerevan có 14 máy bay huấn luyện. Nước này đang từng bước xây dựng phi đội máy bay không người lái (UAV), thông qua việc mua các mẫu nhập khẩu hiện đại.
Hệ thống phòng không chiến lược của lực lượng vũ trang Armenia đang được xây dựng dựa trên các tổ hợp tên lửa S-300PT và S-300PS do Liên Xô / Nga sản xuất.
Tiềm lực quốc phòng Azerbaijan vượt trội Armenia
Theo đánh giá, lực lượng vũ trang Azerbaijan vượt trội hơn hẳn quân đội Armenia về số lượng và chất lượng. Một trong những yếu tố tiên quyết cho điều này là sự khác biệt về chi tiêu quốc phòng. Theo đó, hiện GDP của Azerbaijan vượt mốc 47 tỷ USD, trong khi GDP của Armenia không đạt mức 13,5 tỷ USD. Do đó, Baku có thể phân bổ hơn 2,8 tỷ USD cho quốc phòng, trong khi Yerevan chỉ có ngân sách quân sự vào khoảng 1,38 tỷ USD.
Tuy nhiên số lượng binh sỹ và ngân sách quốc phòng không tạo ra lợi thế hoàn toàn. Trong những thập kỷ gần đây, Cộng hòa Nagorno-Karabakh (NKR) tự xưng, với sự giúp đỡ của Armenia, không ngừng chuẩn bị lực lượng nhằm đẩy lùi cuộc tấn công của Azerbaijan, đồng thời xây dựng một hệ thống phòng thủ khá hiệu quả.
Việc đột phá phòng thủ kiên cố này có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng cho phe tấn công, đồng thời gây lãng phí lợi thế về số lượng binh sỹ và trang bị.
Do đó, hiện quân đội Azerbaijan không có ưu thế vượt trội và mang tính quyết định so với lực lượng quân sự của Armenia và NKR.
Trong trường hợp này, lợi thế của Baku trước đối phương và triển vọng phát triển của chiến dịch quân sự giành chiến thắng nhanh chóng trở nên khó khăn.
Máy bay chiến đấu Su-30SM của Armenia.
Chiến tranh hay hòa bình?
Cuộc đối đầu vũ trang ở khu vực Nagorno-Karabakh bắt đầu từ ngày 27/9, và trong 3 ngày qua các bên đều phải chịu những tổn thất đáng kể.
Bất chấp mọi ý định và hành động, không bên nào trong cuộc xung đột này có thể giành chiến thắng nhanh chóng và quyết định. Ngược lại, trận chiến này sẽ kéo theo nhiều rủi ro hoặc có sự tham gia các nước thứ ba và tạo ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Sự cân bằng lực lượng hiện có giữa Azerbaijan, Armenia và Cộng hòa Nagorno-Karabakh sẽ khiến giao tranh tiếp tục diễn ra và sẽ không thể thay đổi hoàn toàn tình hình trước đây.
Theo đó, giải pháp tối ưu là các bên ngừng bắn và quay trở lại tiến trình hòa bình. Có thể điều này sẽ không giúp các bên nhanh chóng thu được kết quả mong muốn, nhưng sẽ ngăn chặn những tổn thất mới.
Trong trường hợp có bên thứ ba tham gia vào cuộc chiến, khi đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sẵn sàng hỗ trợ Azerbaijan. Về phía Armenia, theo nhiều ước tính khác nhau, Iran và Nga có thể tham chiến (mặc dù khả năng này vẫn chưa được giới chức xác nhận).
Sự tham gia của bất kỳ quốc gia nước ngoài nào vào cuộc chiến có thể thay đổi cán cân quyền lực và mang lại cho một trong các bên xung đột những lợi thế quan trọng, song sẽ đẩy khu vực rơi vào cuộc chiến tổng lực và toàn diện.