Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xuất siêu kỷ lục, ký RCEP và UKVFTA: Sự kiện nổi bật ngành Công Thương 2020

(VTC News) -

Xuất siêu đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát là một trong những sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2020.

Bộ Công Thương vừa công bố 10 sự kiện tiêu biểu ngành Công Thương 2020. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, đặc biệt đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, thì việc xuất siêu đạt mức cao kỷ lục được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 2020.

Xuất siêu Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2020. (Ảnh: VOV)

Theo số liệu ước liên bộ, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.

Việc phục hồi hoạt động sản xuất sớm đã mang lại lợi thế cho Việt Nam trong việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu.

Trong 2020, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD và 31 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Năm 2020, có khoảng 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD.

Một trong những động lực thúc đẩy xuất khẩu trong năm qua là việc loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết mới và đi vào thực thi.

Bộ Công Thương đánh giá, hội nhập quốc tế là một điểm nhấn quan trọng của ngành trong năm 2020. Chỉ trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 FTA, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cắt giảm thuế quan, sâu rộng liên tục, các Hiệp định thương mại với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai, đã mở ra một triển vọng tương lai theo hướng có lợi cho Việt Nam khi tham gia vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.

Thống kê cho thấy, 5 tháng sau khi EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong đố cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Với CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%.

Đặc biệt trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác tích cực tìm kiếm giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc để kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP sau 8 năm đồng thời hết sức nỗ lực hoàn tất rà soát pháp lý nội dung của Hiệp định.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục trong nước cho việc ký kết Hiệp định RCEP cũng như tổ chức thành công Lễ ký kết của Hiệp định vào tháng 11 năm 2020.

Như vậy, có thể nói, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, công tác đàm phán, ký kết các FTA tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, năm 2020 là năm hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực, chính thức ký kết RCEP.

Đặc biệt là tối 29/12 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương Quốc Anh (UKVFTA tối 29/12/2020). UKVFTA cùng với các Hiệp định khác sẽ tiếp tục góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Các sự kiện tiêu biểu của ngành Công Thương được xếp hạng:

1.Bứt phá trong công tác hội nhập: Nhiều sáng kiến của ngành Công Thương trong Năm Chủ tịch ASEAN đã được triển khai có hiệu quả; Ký kết, đàm phán và triển khai thành công các Hiệp định thương mại (FTA) quan trọng.

2. Xuất khẩu vượt khó bất chấp đại dịch, duy trì tăng trưởng dương; Xuất siêu đạt mức cao kỷ lục, duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp của cán cân thương mại Việt Nam.

3. Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, được triển khai toàn diện, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới.

4. Công tác quản lý thị trường có nhiều đột phá sau khi tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường, phát hiện triệt phá nhiều vụ vi phạm lớn.

5. Công nghiệp chế biến chế tạo vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước.

6. Công tác thăm dò và khai thác dầu khí đạt kết quả tích cực: Dòng khí thương mại đầu tiên đã “cập bờ” từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt; Phát hiện dầu khí trữ lượng lớn tại mỏ Kèn Bầu.

7. Thị trường trong nước được củng cố và giữ vững, là điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội”.

8. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại (XTTM), thực hiện mô hình xúc tiến thương mại mới kết hợp giữa trực truyến và trực tiếp (hybrid), giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận từ xa các đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch.9. Thương mại điện tử chuyển mình, phát huy hiệu quả, tạo xung lực mới cho tăng trưởng.

10. Công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử không ngừng được đổi mới, hành động quyết liệt, thực chất và đi vào chiều sâu.

Hòa Bình

Tin mới