Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Tài chính cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong các FTA

(VTC News) -

Việc mở cửa thị trường đối với hàng hóa nhập khẩu, mức độ cam kết thuế nhập khẩu trong các FTA được xây dựng và thực hiện theo lộ trình cam kết với các đối tác FTA.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết việc mở cửa thị trường đối với hàng hóa nhập khẩu, mức độ cam kết thuế nhập khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được xây dựng và thực hiện theo lộ trình cam kết với các đối tác FTA, thường là các đối tác có trao đổi thương mại lớn với Việt Nam và có đầu tư lớn.

"Lộ trình cam kết thuế được thực hiện từng bước, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh có thời gian để thích ứng và chuẩn bị. Trên cơ sở đó các cam kết tại các FTA, ngành Tài chính đã xây dụng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong các FTA", ông Dũng nói.

Xuất nhập khẩu tăng mạnh qua các năm

Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 13 FTA, bao gồm: ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Australia - New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chile, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã kết thúc đàm phán và đang hoàn tất các thủ tục để ký kết; song song với đó là 3 FTA đang trong giai đoạn đàm phán (Việt Nam - Israel, Việt Nam - EFTA, và Việt Nam - Anh).

Với nỗ lực hội nhập trên cả phương diện song phương và đa phương, mở cửa thị trường hàng hóa trong các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Để tận dụng những cơ hội này, thời gian qua Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng.

Thành công trong đàm phán, ký kết các FTA, tham gia các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Từ năm 2015 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đều tăng trưởng nhanh, đặc biệt năm 2017 đạt mức tăng trưởng 21,8% xuất khẩu và 21,9% về nhập khẩu. Cán cân thương mại hàng hóa đều đạt mức thặng dư và tăng trưởng hàng năm. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu đạt mức trên 517 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức 10,87 tỷ USD.

Đáng chú ý trong năm 2019, tức là 3 năm sau khi Hiệp định CPTPP được ký kết, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên tham gia CPTPP đã tăng đột biến 111,1%, cao hơn rất nhiều so với các năm trước và là năm có tốc độ tăng cao nhất trong giai đoạn 2015-2019.

Trong năm 2020, mặc dù chịu các tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng xuất nhập khẩu vẫn ghi nhận những nét tích cực. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/11/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 463,11 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 241,26 tỷ USD, tăng 4,9% và nhập khẩu đạt 221,85 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%.

Giải bài toán nguồn thu ngân sách

Việc tham gia hội nhập sâu rộng, bên cạnh những kết quả tích cực trong xuất nhập khẩu nêu trên, cũng đi kèm những thách thức không nhỏ, trong đó, một trong những vấn đề đặt ra là xu hướng giảm thu ngân sách do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan.

Đơn cử như với 2 FTA “thế hệ mới” được ký trong năm 2019 là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là những FTA có mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sâu rộng và lộ trình ngắn hơn so với đa số các FTA nước ta đã ký kết và tham gia trước đó.

Đối với CPTPP, các nước tham gia cam kết xóa bỏ từ 97% - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam theo lộ trình 10 năm. Đáng chú ý, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm.

Trong khi đó, với EVFTA, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam cũng sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU vào Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực và sẽ tăng lên 91,8% số dòng thuế sau 7 năm…

Ở khía cạnh khác, về cân đối ngân sách nói chung, những năm gần đây, ngành Tài chính đã có những giải pháp tái cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, gia tăng nguồn thu nội địa một cách hợp lý, mở rộng cơ sở tính thuế để bù đắp vào thiếu hụt do giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu.

Theo đó, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2010 bình quân đạt 55,2%, giai đoạn 2016 -2018 bình quân đạt 74,8%, dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 84%.

“Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính đang và sẽ tiếp tục tăng cường hoàn thiện công tác pháp luật thể chế, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngân sách Nhà nước nhằm hạn chế tác động của việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong các FTA của Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa cơ quan thuế, cơ quan hải quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, giảm số giờ làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, kiểm soát hiệu quả xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi” , ông Đinh Tiến Dũng cho biết.

Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng các báo cáo đánh giá tác động tổng thể của các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA cũng như các báo cáo Hội nhập mang tính định kỳ, báo cáo của các đoàn giám sát Quốc hội về việc thực thi FTA cũng như các báo cáo mang tính chất sự việc như các báo cáo căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các biện pháp hạn chế thương mại và các vấn đề thương mại, chính sách phát sinh trong WTO.

Ngoài ra, trong khuôn khổ các Hợp tác tài chính, Bộ Tài chính cũng đã chủ động báo cáo Chính phủ các phương án hợp tác hiệu quả trong khu vực ASEAN.

Nam Phong

Tin mới