Theo báo cáo, trích dẫn dữ liệu từ hiệp hội các nhà vận hành châu Âu, vào ngày 29/9, khoảng 32 triệu mét khối khí đốt được cung cấp cho EU thông qua đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ), điểm Strandzha 2-Malkoclar ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Bulgaria. Con số này ít hơn khoảng 25% so với cuối tháng 8, khi đường ống cung cấp khoảng 43 triệu mét khối khí mỗi ngày.
(Ảnh minh họa: Getty).
Trước đó, hôm 29/9, nhà điều hành Nga của đường ống TurkStream, South Stream Transport, cho biết, Hà Lan rút giấy phép xuất khẩu khí đốt của họ do gói trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga - trong đó cấm xuất khẩu và cung cấp đường ống cho Nga sử dụng. Khi thông báo về quyết định thu hồi giấy phép trước thời hạn, các nhà chức trách Hà Lan cũng đề cập đến lệnh cấm cung cấp hàng hóa và dịch vụ, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và bảo trì đường ống trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga và trên thềm lục địa của nước này.
Tuy nhiên, South Stream Transport sau đó lưu ý rằng các lệnh trừng phạt không áp đặt các hạn chế rõ ràng với việc vận chuyển khí đốt qua đường ống. Công ty đang xin gia hạn giấy phép xuất khẩu. Đại diện nhà điều hành nói rằng khí đốt được giao đến châu Âu qua TurkStream sẽ hỗ trợ an ninh năng lượng của khu vực và đường ống có khả năng được miễn trừ các lệnh trừng phạt vì lý do này.
TurkStream là đường ống hai dòng với công suất 31,5 tỷ mét khối khí mỗi năm. Hệ thống vận chuyển khí đốt Nga qua biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ, và từ đó đến các nước phía nam và đông nam châu Âu. Nord Stream 1 hiện ngừng hoạt động do sự cố rò rỉ, vì vậy TurkStream là hệ thống truyền dẫn khí duy nhất còn lại đưa khí đốt đến châu Âu bên cạnh đường vận chuyển chạy qua Ukraine.
Hôm 30/9, phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitry Peskov thông tin, việc rút giấy phép của TurkStream sẽ không ảnh hưởng hoạt động của đường ống và nguồn cung cấp khí đốt sẽ tiếp tục.