Hôm 27/9, nhà điều hành Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) nói rằng việc phá hủy đồng thời ba đường ống dẫn khí đốt ở biển Baltic là chưa từng có. Họ từ chối cung cấp ước tính về thời điểm các đường ống này có thể hoạt động trở lại.
“Việc phá hủy xảy ra cùng ngày, trên ba đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi của hệ thống Nord Stream là điều chưa từng xảy ra. Hiện vẫn chưa thể ước tính thời gian khôi phục cơ sở hạ tầng dẫn khí đốt”, công ty điều hành đường ống Nord Stream cho biết.
Nga dừng dòng chảy khí đốt đường ống Nord Stream 1 sang châu Âu với lý do kỹ thuật. (Ảnh: Reuters)
Đường ống Nord Stream 1 đã cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) đến cuối tháng 8. Sau đó Nga đóng dòng chảy đường ống này vì những khó khăn kỹ thuật do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các chuyên gia cho biết việc sửa chữa trên cả hai đường ống có thể mất tới vài năm. Phát ngôn viên Nord Stream - Ulrich Lissek, cảnh báo sẽ rất phức tạp để xác định lý do của việc rò rỉ khí trong bối cảnh Nga đối mặt với các “biện pháp trừng phạt và thiếu nhân sự cần thiết trên thực địa”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 27/9 cho biết, không loại trừ các đường ống bị phá hoại. Nhận định được đưa ra sau khi các nhà địa chấn học báo cáo các vụ nổ xung quanh đường ống Dòng chảy phương Bắc. Người đứng đầu EU Ursula Von der Leyen đe dọa sẽ có "phản ứng mạnh nhất có thể" đối với bất kỳ sự cố ý nào trong việc làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu.
Đám bong bóng nổi lên mặt nước báo hiệu một vụ rò rỉ. (Ảnh: Barron)
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen mô tả chúng là "những hành động cố ý", đồng thời nói thêm: "Chúng tôi không nói về một vụ tai nạn". Trong khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói rằng những vụ rò rỉ là một hành động phá hoại và "có thể đánh dấu bước leo thang tiếp theo của tình hình ở Ukraine".
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói "đã có những vụ nổ", nhưng ngoại trưởng nước này cho biết sẽ không "suy đoán về động cơ hoặc tác nhân" gây ra vụ việc.
Copenhagen dự kiến sự rò rỉ sẽ kéo dài "ít nhất một tuần" - cho đến khi hết khí methane thoát ra từ các đường ống dưới nước.
Cũng giống như Đan Mạch, chính phủ Thụy Điển cho biết họ không coi đây là một hành động gây hấn với nước này, vì các sự kiện diễn ra bên ngoài lãnh hải, trong vùng đặc quyền kinh tế.
Nhà địa chấn học Peter Schmidt của Đại học Uppsala nói với AFP rằng hai "vụ giải phóng năng lượng khổng lồ" đã được ghi nhận ngay trước khi khí rò rỉ gần vị trí của chúng ở ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch.
"Với năng lượng giải phóng lớn như thế này, không có gì khác ngoài một vụ nổ có thể gây ra nó", ông nói thêm.
Trước đó, Nga cho biết họ "cực kỳ lo ngại" về các vụ rò rỉ.
Khi được các phóng viên hỏi liệu đó có thể là một hành động phá hoại hay không, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào thời điểm hiện tại "không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào".
Tuy nhiên, Ukraine đã tố Moskva, nói rằng đây "chẳng qua là một cuộc tấn công khủng bố do Nga lên kế hoạch và một hành động gây hấn với EU".
Quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ không suy đoán nguyên nhân nhưng sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực điều tra của châu Âu.
Đường ống Nord Stream 1 và 2 là tâm điểm của căng thẳng địa chính trị trong những tháng gần đây khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, nghi là để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây sau cuộc xâm lược Ukraine.
Trong khi các đường ống - được vận hành bởi một tập đoàn do Gazprom Nga sở hữu phần lớn - hiện không hoạt động, cả hai đều vẫn chứa khí đốt.
Hôm 26/9, các nhà chức trách Đan Mạch đã phát hiện một vụ rò rỉ khí gần đảo Bornholm ở biển Baltic, đồng thời ra lệnh tạm thời ngưng hoạt động vận tải biển qua khu vực này.
Các bức ảnh do quân đội Đan Mạch chụp cho thấy những vùng bong bóng lớn trên mặt nước, xuất hiện từ ba lỗ rò rỉ ở các khu kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch ở phía bắc Ba Lan, có đường kính từ 200 đến 1.000 mét.
Phát hiện này được đưa ra ngay sau khi khí đốt từ đường ống Nord Stream 2 bị rò rỉ.
Trong khi đó, hôm 27/9, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển cũng thông báo rò rỉ khí từ đường ống Nord Stream 1 ở phía đông bắc đảo Bornholm ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch.
Tờ Tagesspiegel cho biết Đức sẽ mở một cuộc điều tra nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến việc giảm áp trong ba đường ống dẫn khí thuộc dự án Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Berlin cho rằng việc cả ba đường ống trong hệ thống bị giảm áp cùng lúc quá đáng ngờ và rất có thể đây là hành động phá hoại có chủ đích.