Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xuất hiện 'mảng trắng như vôi' ở họng, người lớn bất ngờ khi mắc bệnh của trẻ

(VTC News) -

Đau họng, sốt cao nhiều người nhầm lẫn với cúm A hoặc viêm họng thông thường mà ít ai nghĩ mình bị viêm amidan.

Chị Vũ Nhật H. (41 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) vào viện khám vì đau họng, sốt cao tới 40 độ C. Ban đầu chị nghĩ bị cúm A nên mua thuốc kháng virus trị cúm về uống, nhưng tình trạng bệnh không giảm, đau họng đau lan lên cả vùng xoang. Soi gương chị thấy trong họng xuất hiện các mảng trắng như vôi, hạch cổ sưng to. Bác sĩ cho biết chị bị viêm amidan cấp tính, amidan có mủ. Chị H. giật mình vì nghĩ bệnh này chỉ ở trẻ nhỏ.

Không riêng chị H., anh Đỗ Quốc Duy (Long Biên, Hà Nội) cũng khổ sở vì viêm amidan tái đi, tái lại. Đợt đi du lịch năm ngoái về, anh bị cảm lạnh, từ đó đến nay, vùng amidan liên tục bị sưng viêm, mưng mủ. Anh đến bệnh viện khám lấy thuốc. Anh Duy chia sẻ, viêm amidan khiến anh kém tự tin, nhất là giọng nói hơi khó nghe và hôi miệng. Mỗi lần giao tiếp với bạn bè, khách hàng anh rất tự ti.

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt Hà Nội, amidan là cơ quan hình thành từ khi mới sinh ra và hoạt động mạnh mẽ nhất trong những năm đầu đời, sau đó thoái hóa dần khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì và trưởng thành. Vì vậy, nhiều người lầm tưởng viêm amidan là căn bệnh chỉ gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu sống ở môi trường ô nhiễm hoặc hệ miễn dịch kém, nhiễm virus thì amidan sẽ bị kích hoạt và sưng viêm mãn tính ngay cả ở tuổi trưởng thành.

 PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân. 

Nguyên nhân amidan ở người lớn bị kích hoạt là do virus cúm, virus cảm lạnh, virus Herpes simplex, virus Epstein-Barr, Cytomegalovirus, Adenovirus. Người sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng gặp thay đổi thời tiết đột ngột cũng khiến tình trạng amidan viêm nhiều hơn. Khi virus ồ ạt xâm nhập và tấn công mũi họng, amidan phải chống lại, vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng bị viêm sưng, đỏ. Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan. 

Để điều trị amidan ở người lớn, BS An cho biết tuỳ vào nguyên nhân nếu do virus bệnh nhân cần nghỉ ngơi, bác sĩ có thể cho thêm thuốc kháng viêm. Bệnh nhân viêm amidan do vi khuẩn có thể uống kháng sinh.

Viêm amidan khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Bệnh thường xuyên tái phát và phải điều trị liên tục. Những người mắc bệnh cấp tính thường tự khỏi bệnh sau 1 - 2 tuần, nhưng với người thường xuyên tái phát bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật cắt amidan.

Theo một nghiên cứu của Phần Lan, sau 5 tháng chỉ 39% những người bị cắt amidan có cơn đau họng cấp tính, còn người không cắt amidan thì lên tới 80%. Ngoài ra, người trưởng thành được cắt amidan cũng báo cáo rằng họ giảm tải được số lần đi khám cũng như nghỉ học/nghỉ làm vì chứng viêm họng. Vì vậy, nếu người lớn bị viêm amidan tái đi tái lại thì nên cần trao đổi với bác sĩ về cách điều trị phù hợp.

Người bệnh bị viêm amidan cần vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống trong lành. Ở các thời điểm dịch bệnh về đường hô hấp, giao mùa càng chú trọng việc phòng bệnh. Nếu mắc các bệnh như viêm mũi, viêm xoang, bệnh về răng miệng,… thì nên điều trị bệnh triệt để. 

Ngọc Hà

Tin mới