Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều trẻ bị cúm A dễ nhầm với viêm amidan, phân biệt thế nào?

(VTC News) -

Nhiều cha mẹ dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm mũi họng thông thường với cúm A.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chưa đầy một tháng, bệnh viện chỉ định gần 100 bệnh nhi mắc cúm A nhập viện theo dõi. Một số trường hợp bệnh nhi sau khi mắc cúm 3-5 ngày thì biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương. Trẻ có biểu hiện lơ mơ, li bì, co giật… Phụ huynh thường nhầm lẫn với các bệnh viêm mũi họng thông thường khác nên chủ quan.

Con trai sốt hai ba ngày nay, đau họng không muốn ăn, chị Nguyễn Liên Hương, Hoàng Mai, Hà Nội đưa con đến một phòng khám tư. Bác sĩ soi họng, mũi cho rằng bé bị viêm amidan vì amidan to lên. Tuy nhiên, khi uống thuốc bệnh không có dấu hiệu đỡ mà bé ngày càng mệt, li bì hơn. Chị cho bé vào bệnh viện xét nghiệm thì dương tính với cúm A.

Bé Lê A. K. con gái chị Nguyễn Thị Hoà – Nam Trung Yên, Hà Nội cũng sốt cao, đau họng. Chị Hoà nghĩ con bị viêm amidan nên chủ quan. Khi tình trạng của bé sốt cao, kèm co giật, chị mới cho con vào cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn. Tại đây, bác sĩ cho biết bé bị cúm chứ không phải viêm amidan.

PGS An khám cho bệnh nhi. 

PGS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc BV Đa khoa An Việt cho biết, số trẻ vào khám vì cúm A tăng. Cha mẹ cho con đến khám đều nghĩ trẻ bị viêm mũi họng thông thường nhưng xét nghiệm là tác nhân cúm. Triệu chứng ban đầu khi nhiễm cúm A tương tự như bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do tác nhân khác, đó là sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng… 

Ngoài các triệu chứng ban đầu, bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ. Với trẻ em còn mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, các trường hợp nặng có thể khó thở và biến chứng khác.

Với triệu chứng viêm amidan, trẻ khô họng, hơi thở có mùi do các vi khuẩn tích tụ và các dịch mủ tồn đọng trong hố amidan gây tắc nghẽn, thường đi kèm với một số triệu chứng như hơi thở có mùi, khô họng, ngứa họng, cảm giác họng có dị vật.

Một số trẻ còn khó khăn trong việc nuốt, giọng nói không rõ ràng, hệ hô hấp không thông thoát hoặc ngáy khi ngủ. Nếu như amidan phì đại quá mức có thể gây ra việc rối loạn cộng hưởng hơi thở, tiếng nói và việc nuốt.

Amidan và vòm miệng cuống lưỡi xuất hiện hiện tượng xuất huyết, trong hốc miệng thấy chấm mủ trắng, hoặc vàng. Bệnh nhân có hạch bạch huyết trong cổ, đặc biệt là hạch bạch huyết ở thành sau hàm dưới đỏ, sưng to và đau. Lượng tế bào bạch huyết tăng đáng kể.

Các phản ứng khác như sốt, khó tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi, sút cân, đau đầu và một số triệu chứng khác. Hầu hết trẻ bị viêm amidan phát hiện sớm có thể điều trị dễ dàng bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu tình trạng bệnh nặng hơn, triệu chứng rõ ràng và nguy hiểm thì bác sĩ sẽ xem xét can thiệp y tế hỗ trợ, có thể phải cắt amidan.

BS An cho biết đa số những trẻ mắc cúm A sẽ được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú, nhưng vài trường hợp biểu hiện biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện để điều trị.

Biến chứng viêm phổi thường gặp ở trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính. Cúm A cũng có thể biến chứng gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu.

PGS An khuyến cáo khi thấy trẻ sốt tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra do tác nhân viêm amidan hay do cúm khi dịch cúm đang bùng phát như hiện nay.

Ngọc Hà

Tin mới