Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Xét xử vụ AIC: Những bị cáo trốn truy nã bị đề nghị mức án nào?

(VTC News) -

VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án với 8 bị cáo đang bỏ trốn cho các tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Chiều 24/12, VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo trong vụ án xảy ra tại AIC và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Trong số 36 bị cáo bị truy tố, 8 bị cáo bỏ trốn đang bị truy nã. Bộ Công an đã phát lệnh truy nã những người này và kêu gọi họ ra đầu thú. VKS đề nghị mức án với các bị cáo này.

Cụ thể, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) bị đề nghị mức án 30 năm tù cho 2 tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Cùng 2 tội danh này, bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị đề nghị từ 25-27 năm tù.

Các bị cáo trong vụ án đang bị truy nã.

Bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) từ 3-4 năm tù. Bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh, bị cáo Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) 4-5 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Mopha) 5-6 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thị Sen (nguyên Giám đốc Công ty Thiết bị Y tế và Môi trường) 4-5 năm tù. Bị cáo Đỗ Văn Sơn (nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế) 7-8 năm tù. Các bị cáo này bị truy tố cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong phần xét hỏi, luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Thế Vinh cho biết, thân chủ đang ở Mỹ. Từ nước ngoài, Vinh trình bày bản thân đang phải điều trị bệnh, bị cáo còn phải chăm một con nhỏ bị ốm nên không thể về nước dự phiên tòa. Chuyển lời của Vinh tới HĐXX, luật sư cho biết bị cáo này sẽ hợp tác với tòa để làm rõ vụ án.

Trước đó, luật sư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết công bố bản tự bào chữa của Thuyết từ Mỹ gửi về. Bị cáo Thuyết cho biết, bản thân không bỏ trốn và không hề biết mình liên quan vụ án. Bị cáo chỉ biết đến vấn đề này thông qua báo chí và luật sư.

Bị cáo thông tin lý do xuất cảnh sang Mỹ vì có 2 con nhỏ đang học ở đây. Vợ chồng bị cáo đã ly hôn nên ông Thuyết là người giám hộ chính và theo luật của Mỹ khi có con nhỏ đi học phải có người giám hộ.

Về thời gian giải quyết vụ án, bị cáo Thuyết cho hay khi nhận được thông tin từ báo chí và luật sư thì hồ sơ đã được tòa án thụ lý và đưa ra xét xử, vì vậy bị cáo không kịp sắp xếp công việc gia đình và những việc khác để về tham dự phiên tòa.

"Thông tin về vụ án quá gấp nên không thể về dự phiên tòa dù bị cáo mong muốn được về để trình bày", luật sư nói và cho biết bị cáo Thuyết đồng ý để luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi.

Bị cáo Thuyết cũng gửi tiền về cho gia đình để nhờ nộp lại cho Công ty Thành An khoản tiền thu lợi bất chính gần 2 tỷ đồng.

VKSND TP Hà Nội cũng đề nghị mức án đối với dàn cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để ra sai phạm trong vụ án. Trong đó, bị cáo Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) bị đề nghị mức án từ 10-11 năm tù; bị cáo Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) bị đề nghị từ 9-10 năm tù về cùng tội “Nhận hối lộ”.

Cựu Giám đốc bệnh viện Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ bị đề nghị 10-11 năm với tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 9-10 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Bị cáo Bồ Thị Ngọc Thu bị đề nghị 4-5 năm tù về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đại diện VKS đánh giá, vụ án này là minh họa điển hình cho lợi ích nhóm và nhóm lợi ích. Đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền vì lợi ích vật chất, đã thực hiện trái quy định pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Hơn nữa, vụ án còn xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và các cá nhân là lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh Đồng Nai, làm cho một bộ phận cán bộ công chức bị thoái hóa, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Minh Tuệ

Tin mới