Tôi theo nghiệp cầm phấn hơn 20 năm, trải qua đủ cung bậc cảm xúc làm nghề, không ít lần bật khóc trong bất lực vì học trò hư, còn phụ huynh lại bênh chằm chặp. Dần dần tôi chua xót nhận ra, nghề giáo thời nay không còn được coi trọng nữa.
Camera, cú nhấp chuột… rút kiệt nhiệt huyết nhà giáo
Giáo viên bây giờ đi dạy chán nản và áp lực kinh khủng!
Chúng tôi vừa phải tập trung chuyên môn hoàn thành nhiệm vụ, lại vừa lo ngay ngáy phản ứng của học sinh, phụ huynh. Cái gì người ta cũng có thể quay chụp; chỉ cần một cú nhấp chuột thôi là hình ảnh, tên tuổi giáo viên tràn lan trên mạng xã hội. Dư luận chưa kịp phân định đúng sai, chưa hiểu rõ vấn đề đã tràn vào chửi rủa, mắng nhiếc.
Giáo viên ngày nay áp lực vì học trò hỗn hào cũng không được quát mắng nặng lời. (Ảnh minh họa: Thi Thi)
Những ngày gần đây, bức tranh học đường trầm buồn khi liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến ứng xử của giáo viên với học trò. Là giáo viên, tôi rất đau lòng khi đọc những thông tin đó.
Tôi nghĩ trường hợp này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể dùng đánh giá mọi hành vi uốn nắn của thầy cô đều là xấu. Song nhiều người nhân dịp này dùng những lời lẽ thóa mạ, chửi bới giáo viên, nhà trường, thậm chí là cả ngành Giáo dục.
Trong suốt 2 thập kỷ đi dạy, tôi từng nhiều lần ngậm đắng nuốt cay vì áp lực từ chiếc camera điện thoại.
Một lần nọ khi trống trường vừa vang lên, tôi đang dặn dò bài vở thì một học sinh chạy ùa ra ngoài.
Tôi yêu cầu học sinh này ngồi vào chỗ, nhưng em không nghe lời vì “đã hết giờ học, hôm nay em có việc bận, phải về vội”. Tôi cố giữ em lại nói chuyện sau giờ học với mong muốn rèn em vào khuôn khổ. Trong cuộc nói chuyện, có lúc tôi không giữ được bình tĩnh nên nói nặng lời, học sinh rấm rứt khóc lóc.
Trùng hợp thay, ai đó đã quay video và đăng lên mạng. Buổi tối hôm đó, dân mạng vào cả trang cá nhân người thân của tôi để chửi rủa. Phụ huynh chưa hiểu chuyện gì đã phản ứng tiêu cực, thậm chí còn tra vấn “cô phải làm gì đó quá đáng thì con tôi mới khóc”.
Hay cách đây vài năm, trong buổi sinh hoạt cuối tuần, tôi có phê bình học sinh vì em này vi phạm một lỗi quá nhiều lần. Có lẽ tối hôm đó, học sinh than thở với cha mẹ rằng ở lớp em bị cô giáo xúc phạm, bôi nhọ danh dự trước mặt các bạn khác. Sáng hôm sau, chưa cần phân biệt đúng sai, phụ huynh đến trường sừng sộ “hỏi tội” giáo viên chủ nhiệm là tôi.
Sự việc gây ầm ĩ ở cổng trường, tôi muối mặt với học sinh, đồng nghiệp, còn phụ huynh không chịu nghe giải thích. Phụ huynh nói tôi không có tư cách la mắng con họ, dù thực tế học sinh phạm lỗi. Họ thậm chí còn live stream trên trang cá nhân và liên tục kết tội tôi.
Thời khắc đó, cảm giác chua xót xâm chiếm, tôi cứ tưởng mình là tội đồ vừa gây ra điều gì đó long trời lở đất lắm.
Sau vụ việc, tôi bị nhà trường phê bình với lý do ứng xử lệch chuẩn mực sư phạm. Hiệu trưởng liên tục căn dặn, quán triệt giáo viên không được quát mắng học trò bởi nếu xảy ra sự cố, danh dự nhà trường bị ảnh hưởng.
Nhiều đồng nghiệp khuyên tôi cố “ngậm bồ hòn làm ngọt’ vì chỉ cần lớn tiếng là học sinh, phụ huynh sẵn sàng quay video, ghi âm rồi đăng tải lên mạng xã hội. Họ can tôi đừng đụng gì đến học trò nữa, chỉ cần giảng dạy hết bổn phận rồi tan tiết.
Ai đã làm cho giáo viên thu mình trước học trò?
Thời của tôi, học sinh nào cũng có tâm lý sợ thầy cô, còn bây giờ thì ngược lại – giáo viên sợ phụ huynh, sợ luôn cả học sinh.
Học trò hỗn hào, giáo viên không được quát mắng, phê bình nặng lời. Nếu ai thiếu kiềm chế, sử dụng bạo lực với học trò ấy sẽ bị kỷ luật, thậm chí là mất việc. Còn ở chiều ngược lại, học sinh vô lễ với thầy cô, cãi giáo viên như chém chả thì được bao biện vì các em chưa trưởng thành.
Sự tôn nghiêm chốn học đường đã không còn khi thầy cô bị trói buộc bởi hàng loạt quy định không được làm, chỉ có thể nhắc nhở học trò. Vì lẽ đó mà hiện nay chúng tôi gần như bị tước mọi quyền xử lý học sinh vi phạm.
Rõ ràng, mỗi trường hợp khác nhau, giáo viên nên được xử lý với các biện pháp khác nhau. Nếu lời nói nhẹ nhàng là đủ đưa học sinh vào khuôn khổ thì người ta đâu cần đặt ra những nội quy, quy định trong trường học?
Chính sự soi mói của phụ huynh, sự khắt khe thiếu công bằng của xã hội đã đẩy chúng tôi vào trạng thái bất lực trước bộ phận học sinh cá biệt nhưng không dám thẳng thắn uốn nắn. Khi rơi vào thất vọng quá nhiều lần, tôi chọn cách làm tròn bổn phận dạy chữ của mình, “mũ ni che tai” cho bình yên qua ngày.
Tôi nhớ mãi câu nói mà một đồng nghiệp trước khi về hưu nhắn lại: “Giờ muốn yên ổn làm nghề thì cô nên nhắm mắt làm ngơ, đừng quan tâm quá nhiều đến học sinh nữa”. Nghe thật chua xót và tủi hờn!
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.