Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thầy cô bị rình quay clip đưa lên mạng, nền giáo dục hay xã hội đang bất ổn?

(VTC News) -

Săm soi giáo viên, hở ra là quay clip tung lên mạng để đám đông lao vào xúc phạm, cách hành xử bất ổn này khiến nhiều thầy cô không chịu nổi áp lực, phải bỏ nghề.

Ống kính camera đã thể hiện được vai trò giám sát xã hội khi phát hiện cái xấu, cái dở để phê phán và đấu tranh loại bỏ, bao gồm cả những hiện tượng tiêu cực trong ngành Giáo dục. Không ít clip được chia sẻ về hành vi lệch chuẩn, thậm chí sai trái của một số giáo viên đã buộc các trường, các cơ quan quản lý phải nhìn nhận và chấn chỉnh, trả lại sự chuẩn mực của môi trường sư phạm.

Nhưng xét ở nhiều khía cạnh, trong nhiều trường hợp, cách sử dụng các thiết bị công nghệ để giám sát lại thể hiện sự bất ổn trong hành xử với giáo viên. Đó là khi người ta “giám sát” với tâm thế săm soi, bắt lỗi, sử dụng camera hay thiết bị ghi âm như một lời đe nẹt công khai hoặc ngấm ngầm, khiến nhiều thầy cô phải làm việc trong tình trạng căng thẳng và dễ tổn thương.

Dễ thấy nhất là ở các trường mầm non – nơi giáo viên vất vả nhất, thu nhập bèo bọt nhất nhưng cũng dễ trở thành nạn nhân của bạo lực mạng nhất. Những vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ em từng được phát hiện càng khiến dư luận, nhất là người có con nhỏ, trở nên nhạy cảm với bất kỳ hành vi nào của các cô giáo hay sự thay đổi nào của đứa trẻ.

Một vết bầm trên cơ thể em bé, một hình ảnh được cắt cúp nào đó được “tố” trên mạng xã hội cũng đủ gây “sôi trào” và khi mọi chuyện chưa được làm rõ, nhiều lời thóa mạ, xúc phạm đã đổ ụp lên đầu giáo viên.

Một cô giáo dạy mầm non tư thục ở TP.HCM từng chia sẻ với VTC News về nỗi niềm “làm việc không hơn không kém một bảo mẫu” mỗi ngày 12 tiếng dưới sự giám sát của camera gắn quanh trường, lớp. Một đồng nghiệp của cô bị phụ huynh mắng thậm tệ vì qua camera, họ thấy giáo viên này chỉ tay, trừng mắt với con mình khi bé đánh bạn, và do họ phát hiện vết bầm ở mông con lúc về nhà.

Dù cô giáo giải thích học sinh bầm mông do đùa với bạn ở sân và tự ngã, phụ huynh này vẫn kết luận con mình bị cô đánh, chụp ảnh đăng Facebook và gây ức ép với hiệu trưởng, gọi cô bằng những từ như "quân giết người", "phù thuỷ đánh trẻ"…

Cô giáo trẻ hoảng loạn trước những lời lăng mạ của phụ huynh và cộng đồng mạng. Dù sau đó được minh oan cũng bằng hình ảnh trích xuất camera, cô phải xin nghỉ việc một tháng để ổn định tâm lý.

Với những cấp học cao hơn, giáo viên không chỉ chịu sự săm soi của phụ huynh qua hệ thống camera lắp ở trường lớp mà còn chịu áp lực từ những chiếc điện thoại của học sinh. Nhiều giáo viên tâm sự, họ thấy chua chát khi phải cảnh giác với cả học trò của mình, cẩn thận trong từng lời nói và cử chỉ vì nhiều em rình quay clip và ghi âm lời của thầy cô, hở ra là đưa lên mạng.

Những người làm nghề giáo không chỉ vất vả mà còn đang chịu rất nhiều áp lực. (Ảnh minh họa: Vietnamnews)

Ai mà nắm tay được cả ngày, ai mà không có những lúc thất thố? Những clip bị cắt cúp rất dễ làm sai lệch câu chuyện, và trước khi được làm rõ thì giáo viên đã bị tổn thương nặng nề bởi những lời thóa mạ cay nghiệt trên mạng xã hội. Đâu chỉ có bạo lực mạng, chuyện phụ huynh lao đến lớp hành hung thầy cô giáo đã xảy ra ở nhiều nơi.

"Nghề giáo viên thời nay gặp quá nhiều nguy hiểm. Không có bất cứ nghề nào như nghề giáo khi mỗi ngày đến lớp lại mang theo tâm trạng lo sợ. Họ sợ phụ huynh có thể vào trường và có hành động bạo lực bất cứ khi nào. Mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi cái nhìn méo mó về người thầy", đó là tâm sự của một cô giáo tiểu học ở TP.HCM từng bị phụ huynh bêu xấu, cũng là nỗi niềm của vô số giáo viên khác hiện nay.

Bạn có tin rằng số giáo viên bị bạo hành oan ức cả trên mạng lẫn ngoài đời do những clip xuất hiện trên Facebook đông hơn nhiều lần so với số trường hợp tiêu cực được phát hiện? Mà cho dù ít hơn, chúng ta cũng cần xem lại cái sai nằm ở đâu.

Chiếc camera không có lỗi. Vấn đề nằm ở thái độ và tâm thế khi sử dụng nó, ở cách hành xử khi clip được chia sẻ công khai. Những bình luận vùi dập của cộng đồng mạng khi chưa kịp hiểu đầu đuôi sự việc đã khiến nhiều thầy cô “tắt lửa” với nghề, sợ hãi đến ám ảnh.

Biết bao người suốt ngày lớn tiếng chê bai, chỉ trích “giáo dục xuống cấp”, “cải lùi chứ không phải cải tiến” và thậm chí thóa mạ công khai trên mạng xã hội mà không thấy rằng cách hành xử bất ổn, thậm chí thiếu đi nền tảng văn hoá cơ bản của đông đảo cộng đồng mạng, trong đó có bản thân họ, là một trong những yếu tố gây áp lực nặng nề khiến hàng loạt giáo viên không chịu nổi, phải bỏ việc.

Quá bất ổn khi nhiều phụ huynh đòi hỏi thầy cô phải xứng đáng với nghề cao quý, phải chịu trách nhiệm về sự phát triển toàn diện của con mình cả về tri thức, kỹ năng lẫn nhân phẩm, nhưng lại săm soi, phán xét, buộc tội họ như những người làm thuê thuần túy.

Giáo dục phát triển tốt sao được khi giáo viên bị biến thành người yếu thế, dễ bị bắt nạt? Sao có thể đòi hỏi cải tiến giáo dục khi chính cách hành xử với giáo viên đang bị “cải lùi”?

Nhiều giáo viên tâm sự, họ bỏ nghề không chỉ vì lương thấp, mà còn do những áp lực bủa vây đến từ cơ chế quản lý, từ vô số công việc có tên, không tên và đặc biệt là từ các mối quan hệ, từ xã hội… Nếu chúng ta muốn có nhiều thầy cô tốt để dạy dỗ con em mình, trước hết đừng làm họ nản lòng bởi những cách hành xử bất ổn đến từ sự thiếu tôn trọng!

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Nguyên Ninh

Tin mới