Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ 3: Lương không phải 'niềm đau duy nhất', nhiều áp lực bủa vây khiến thầy cô phải bỏ nghề

(VTC News) -

Không chỉ lương thấp, các thầy cô còn phải chịu nhiều áp lực về sổ sách, dạy dỗ học sinh, đổi mới chương trình... khiến nhiều người phải dứt áo ra đi.

Sổ sách, thi cử bủa vây 

Không chỉ câu chuyện về lương thấp, mỗi năm giáo viên THCS như cô La Thanh Thảo (35 tuổi, Long Biên, Hà Nội) còn đối mặt với hàng chục kỳ thi lớn nhỏ, từ lĩnh vực chuyên môn đến cuộc thi không chuyên như thi tìm hiểu pháp luật, giao thông, công đoàn... Vừa trực tiếp tham gia, giáo viên vừa phải hướng dẫn học sinh làm bài thi để nộp.

Ngoài chuyên môn, giáo viên chịu nhiều áp lực vô hình từ sổ sách, quy định, các cuộc thi mỗi năm. (Ảnh minh hoạ)

Nỗi sợ hãi lớn nhất với cô Thảo trong 12 năm đứng lớp là thi giáo viên dạy giỏi, thanh kiểm tra mỗi năm một lần. Cô nhớ mãi năm 2018, được nhà trường cử tham gia thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố, là một trong ba đại diện của trường, cô chuẩn bị kỹ ngay từ vòng thi quận, tầm sư học đạo các thầy cô kinh nghiệm chinh chiến các năm trước.

"Đi thi không chỉ cho bản thân mà còn là bộ mặt của nhà trường. Nhớ hai tháng chuẩn bị thi, tôi sụt mất 4 cân vì lo lắng và phải chuẩn bị rất nhiều từ nội dung, phương pháp, cấu trúc kế hoạch bài giảng...", cô kể lại.

Nhiều năm qua, câu chuyện hồ sơ sổ sách của giáo viên được phản ánh nhiều, nhưng đến nay tình trạng này không giảm, thậm chí còn nặng nề hơn, nhất là khi ngành giáo dục triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Riêng việc nhận xét kết quả học tập của học sinh vào giai đoạn cuối mỗi học kỳ cũng khiến giáo viên áp lực. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cuối năm cô Thảo còn phải nhận xét hạnh kiểm cho học trò của lớp. Như vậy, chỉ tính việc đánh giá ở học kỳ I này, cô phải nhận xét (2 lần) cho gần 1.000 học sinh (cả trên sổ điểm cá nhân viết tay và nhập trên phần mềm điện tử).

Một năm học có 9 tháng, tháng ác mộng nhất với giáo viên THCS, đặc biệt các thầy cô chủ nhiệm là học kỳ 2 năm lớp 9. Họ chịu áp lực từ kết quả học bạ cuối năm, việc thi cử của học sinh, nhất là kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Cô Thảo và nhiều đồng nghiệp cũng vậy. Cô gánh trên vai nhiệm vụ làm sao để tất cả học sinh trong lớp đều vượt qua kỳ thi ấy, đỗ nguyện vọng một, đảm bảo tỷ lệ đỗ cao cho toàn trường. Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 là tiêu chí quan trọng để xếp hạng chất lượng giáo dục của nhà trường. Bản thân cô nếu không đạt chỉ tiêu được giao thì sẽ bị nhà trường, đồng nghiệp đánh giá về năng lực nghề nghiệp.

Những tháng cuối chạy nước rút, cô Thảo thường xuyên vắng mặt ở nhà, chồng con gửi ông bà hai bên chăm sóc. Ngày nào cô cũng ở trường dạy thêm đến 7 - 8 giờ mới tan lớp, đó là chưa kể nhiều thầy cô tiếc việc nhận thêm lớp bồi dưỡng luyện đề ca 8 -10 giờ tối.

Về đến nhà, cô chỉ muốn nằm luôn ra sàn mà thở, lưng mỏi nhừ, tay đau nhức vì viết phấn bảng dạy liên tục từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Không ít lần cô muốn bỏ nghề để chọn con đường khác, chồng và gia đình thấy cô vất vả cũng khuyên nên lựa chọn lại.

Áp lực đổi mới chương trình

Là một trong hơn 9.000 nhà giáo nghỉ việc năm học vừa qua, cô Trần Hoài Phương (39 tuổi, cựu giáo viên tiểu học ở Thái Nguyên) nói lương chỉ là một phần, lý do lớn nhất khiến cô nghỉ việc là áp lực đổi mới, chương trìnnh dạy.

Đây là năm thứ 4 triển khai chuyển dần các lớp học từ chương trình giáo dục phổ thông cũ sang phổ thông mới. Sự thay đổi không chỉ về nội dung, kiến thức, phương pháp mà mục tiêu giáo dục cũng hoàn toàn khác.

Để bắt nhịp được với tinh thần chương trình phổ thông mới, các thầy cô ngoài thời gian đi dạy trên trường cũng căng mình tham gia đủ lớp tập huấn về chuyên môn, chương trình. Cứ mỗi thay đổi, cải cách là giáo viên mất hàng tháng trời tập huấn, thực hành triển khai để hiểu và làm đúng.

Đổi mới chương trình khiến giáo viên áp lực khi phải gánh thêm nhiệm vụ không đúng chuyên môn. (Ảnh minh hoạ)

Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn và kinh nghiệm 16 năm đi dạy học bậc tiểu học, nên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Phương được ban giám hiệu chọn mặt gửi vàng, phân công đảm nhiệm dạy thêm những môn học tích hợp Lịch sử - Địa lý. Thi thoảng cô được phân công "vá lịch" dạy một số nội dung liên quan đến giáo dục địa phương.

"Mỗi lần nhận nhiệm vụ, tôi lại căng mình, bỏ ăn, bỏ uống, vừa tập huấn vừa tự nghiên cứu sách, soạn giáo án. Với tôi, chuyện sụt 2 - 3kg sau mỗi lần phân công chuyên môn là bình thường trong 4 năm qua", nữ giáo viên nói.

Ở trường cô Phương, nhiều giáo viên tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục được phân công dạy các môn Tự nhiên và Xã hội; Hoạt động trải nghiệm; Giáo dục công dân… để không phát sinh tiền thừa giờ cho giáo viên chủ nhiệm, và cũng không để giáo viên chuyên nào thiếu giờ dạy. Nguyên nhân do thiếu giáo viên trầm trọng nên các thầy cô khác phải chia nhau gồng gánh, "ai được phân công dạy môn nào thì tập huấn môn đó là có thể lên lớp dạy như thường". 

Cựu giáo viên 39 tuổi nhận ra rằng, một khi dạy không đúng chuyên môn, không chỉ giáo viên vất vả mà học sinh cũng vất vả theo. Thầy cô dạy không phải chuyên ngành của họ thì khó cho kết quả tốt, dẫn đến học sinh tiếp thu bài cũng khó khăn. Tất nhiên, chất lượng dạy và học cũng bị ảnh hưởng.

'Trò hư tại... thầy'

Cô Nguyễn Thị Tuyết (32 tuổi) giáo viên mầm non cơ sở tư thục quận 5, TP.HCM nói nghề giáo thời nay vừa khổ, vừa nghèo. Người thầy bị xã hội và cha mẹ học sinh đặt trên vai nhiệm vụ nặng nề, đó là giáo dục học sinh, con em của họ thành những người tài giỏi, trí đức. 

Nữ giáo viên quê gốc Tiền Giang học sư phạm tại TP.HCM, tốt nghiệp ra trường không xin được vào hệ thống công lập, nên cô làm việc ở trường mầm non tư thục. "Con cái của các gia đình đều là cành vàng lá ngọc, giáo viên không hơn không kém một bảo mẫu. Sáng 7 giờ đón trẻ, chiều 6 giờ gia đình đón, camera giám sát gắn quanh trường, lớp", cô Tuyết nói.

Trẻ nhỏ 3-5 tuổi hiếu động, rất nghịch, chỉ một động tác không khéo, gây hiểu lầm là giáo viên sẽ nhận hậu quả khôn lường. Tuần trước, cô chứng kiến đồng nghiệp bị phụ huynh mắng thậm tệ khi họ thấy giáo viên chỉ tay, trừng mắt với trẻ khi chúng đánh bạn khác và về nhà phát hiện vết bầm ở mông trẻ.

Mặc lời giải thích từ giáo viên, phụ huynh chụp ảnh đăng facebook, gửi cho hiệu trưởng để chỉ trích với lời lẽ sắc lẹm "quân giết người", "phù thuỷ đánh trẻ", rồi vị phụ huynh tự kết luận cô giáo kia đã đánh con họ.

Cô giáo trẻ bật khóc và hoảng loạn trước những lời miệt thị, lăng mạ của phụ huynh và cộng đồng mạng. Dù sau đó, cô được minh oan, đứa trẻ bầm mông do nô đùa với bạn ở sân tự ngã, có camera ghi lại nhưng vẫn chịu đả kích lớn. Cô phải xin nghỉ việc 1 tháng để ổn định tâm lý.

"Chưa khi nào tôi nghĩ nghề giáo lại rẻ mạt đến thế, lúc nào cũng chỉ sợ phụ huynh hiểu lầm là chúng tôi thường đánh, quát, doạ nạt con trẻ. Vì điều đó mà tôi với đồng nghiệp nhiều hôm thấy trẻ có hành vi không tốt nhưng cũng đành 'kệ cho nghịch, quát lại mang vạ vào thân'", cô giáo trẻ chia sẻ.

Từng là nạn nhân bị phụ huynh bêu xấu, cô Nguyễn Minh Nghĩa, trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (TP.HCM) nhìn nhận "nghề giáo viên thời nay gặp quá nhiều nguy hiểm". Không có bất cứ nghề nào như nghề giáo khi mỗi ngày đến lớp lại mang theo tâm trạng lo sợ. Họ sợ phụ huynh có thể vào trường và có hành động bạo lực bất cứ khi nào. "Mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi cái nhìn méo mó về người thầy", cô nói.

Giáo viên mong được sống với nghề, không phải chịu những áp lực không đáng có. (Ảnh minh hoạ)

Giáo viên phải chịu đủ áp lực từ cơ chế quản lý nhà nước, trong dạy và học đến các mối quan hệ khác. Có thầy cô gắn bó với nghề bao năm, đạt rất nhiều danh hiệu nhưng chỉ vì không có chỉ tiêu tuyển dụng, một ngày đẹp trời họ bị cắt hợp đồng, trở thành thất nghiệp.

Làm sao để 'cởi trói' cho giáo viên?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – đoàn Hải Dương, ngoài lý do lương thấp, những áp lực trong dạy học, môi trường làm việc không tạo được động lực khiến giáo viên từ bỏ nghề.

Bà thẳng thắn, chúng ta nói rất nhiều đến việc làm thế nào để thu hút nhân tài ở các lĩnh vực khác nhau nhưng dường như lại quên chưa chú ý đến ngành sư phạm. Mới chỉ 2 -3 địa phương thông báo chiêu mộ nhân tài với mức lương khủng, tuyển thẳng biên chế, còn lại phần lớn địa phương chưa có thêm ưu đãi gì với đội ngũ giáo viên. Thậm chí, tiêu chuẩn để xác định đội ngũ giáo viên giỏi cũng chưa cụ thể, mới đánh giá qua việc hằng năm tổ chức thi dạy giỏi hay các cuộc họp, hội thảo. 

Để giải quyết tình trạng giáo viên ồ ạt bỏ nghề, bà Nga nêu quan điểm cần giải pháp tổng thể hơn là tập trung giải quyết vướng mắc đơn lẻ nào đó. Giải pháp tiền lương hay thu hút, ưu đãi nhân tài chỉ là một trong số các giải pháp, còn giải pháp tổng thể thì cần nghiên cứu kỹ hơn.

Thứ nhất, việc đổi mới giáo dục, chương trình phổ thông mới, sách giáo khoa. Những đổi mới rất cần thiết nhưng ngành giáo dục đang đổi mới liên tục, quá nhiều và quá thường xuyên. Điều này tạo áp lực lớn cho giáo viên. Chúng ta cần sự ổn định trong giai đoạn nhất định 5 - 10 năm trở lên.

Ngay việc dạy học, đánh giá, thi cử thế nào cũng cần ổn định. Thay đổi nhiều sẽ gây xáo trộn không tốt đến học sinh và tạo nên áp lực không đáng có với giáo viên. Hôm nay quy định này, ngày mai chúng ta lại quy định khác, mỗi lần thay đổi quy định là một lần áp lực dội vào giáo viên.

Thứ hai, vấn đề nâng cao giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường. Cách ứng xử văn hóa giữa phụ huynh, học sinh với giáo viên cũng rất cần quan tâm. Có những vụ mức độ nhỏ giữa giáo viên và học sinh trong lớp nhưng phụ huynh lại vào cuộc, phản ứng khá cực đoan, thái quá, khiến thầy cô cũng bị áp lực.

Nhiều giáo viên than, bây giờ không biết lên lớp dạy học sinh thế nào. Ngày xưa các cụ nói “yêu cho roi cho vọt”, bây giờ giáo viên không dám trách mắng nặng nề, bởi sợ sẽ khiến bậc phụ huynh nổi nóng. Trong khi ở nhà, các phụ huynh sử dụng rất nhiều các biện pháp khác nhau.

Kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng của học sinh cũng lại đổ hết lên đầu giáo viên. Họ phải chịu trách nhiệm trước điều đấy nên cũng thấy rất áp lực.

Nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương kiến nghị, Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần sớm giải quyết được sự ngột ngạt trong môi trường giáo dục hiện nay để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, giúp họ cảm thấy thoải mái và yêu nghề. Chúng ta cần phải tạo ra môi trường làm việc thuận lợi và an toàn cho giáo viên. Từ xưa đến nay, ngành giáo dục luôn nêu cao khẩu hiệu “Mỗi ngày đến lớp là một ngày vui” đối với học sinh, thì cũng nên nghĩ đến việc làm sao mỗi ngày đến trường cũng là một ngày vui đối với giáo viên.

Hà Cường

Tin mới