Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vừa hoạt động trở lại, khách sạn phố cổ Hà Nội ngậm ngùi đóng cửa

(VTC News) -

Mở cửa trở lại chưa được bao lâu, nhiều khách sạn tại phố cổ Hà Nội lại phải đóng cửa do dịch COVID-19 tái phát khiến khách vắng vẻ.

Khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường ngày thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và lan rộng, lượng du khách giảm nhanh chóng, việc kinh doanh ngày càng ảm đạm, buộc các cửa hàng, khách sạn liên tục đóng cửa.

Tình trạng này lại tái diễn từ một vài tuần nay, khi đại dịch quay trở lại.

Nhiều khách sạn giảm giá, hoạt động cầm chừng.

Theo thông báo, khách sạn Gia Thịnh (số 19 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc) sẽ tạm dừng hoạt động kinh doanh từ ngày 1/8. Đây là lần thứ hai khách sạn này phải đóng cửa, chỉ sau ít ngày gắng gượng mở cửa trở lại.

Theo ông chủ khách sạn, do dịch bệnh, không có khách tới lưu trú nên khách sạn phải đóng cửa từ ngày 1/8 và dự kiến kéo dài đến hết năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục lao động ở đây sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp ít nhất từ nay cho đến hết năm.

Giống như khách sạn Gia Thịnh, rất nhiều khách sạn khác trong khu phố cổ như: Rosa Bella Hotel Cầu Gỗ và Lương Ngọc Quyến; O'Gallery Classy (Cầu Gỗ); Bousella (Nguyễn Siêu)…cũng chưa biết thời điểm có thể mở lại.

Trong khi đó, không ít khách sạn nhỏ lẻ do chi phí thuê mặt bằng quá cao, thời gian hợp đồng vẫn còn nên buộc phải duy trì hoạt động dù không có khách thuê. Có thể kể đến trường hợp của khách sạn Hà Nội HM Boutique (số 3 Hàng Dầu). Theo chủ khách sạn này, để vượt qua giai đoạn khó khăn, khách sạn đã giảm 60% giá phòng, đồng thời cắt giảm từ 20 nhân viên xuống còn 4 người, giảm tối đa chi phí. Đồng thời huy động tất cả thành viên trong gia đình tham gia dọn phòng, lễ tân…

Hay khách sạn Rising Dragon (Hàng Bè, Hà Nội) có 23 phòng nhưng chỉ 6 phòng phục vụ khách thuê. Công suất phòng hiện tại đạt khoảng 25%, thấp nhất từ trước đến nay.

Có khách sạn đóng cửa từ tháng 3 và vẫn chưa hẹn ngày mở cửa trở lại.

Mặc dù giá phòng dao động chỉ từ 200.000-400.000 đồng/phòng/đêm để cố níu chân khách nhưng do đặc thù khách sạn khu vực phố cổ phục vụ tới 90% du khách quốc tế, việc giảm giá này cũng không hiệu quả.

Tại phố Mã Mây, nhiều khách sạn chỉ đang hoạt động cầm chừng, công suất phòng luôn dưới 20%. Nhiều khách sạn còn phải rời đi, chủ nhà gỡ biển, xóa luôn tên thương hiệu.

Không cầm cự được, nhiều khách sạn phải rao bán. Một khách sạn tại Hàng Bè đề biển bán với giá 69 tỷ đồng.

Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội 6 tháng đầu năm của Savills chỉ ra cách ly xã hội cùng với việc đóng cửa du lịch quốc tế đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của thị trường khách sạn trong quý II. Công suất khách sạn 3-5 sao chỉ đạt 21%, giá phòng trung bình giảm 14% theo quý và giảm 24% theo năm, xuống còn 85 USD/phòng/đêm.

 Không trụ được, có khách sạn phải rao bán.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills, cho biết, nguồn cung thị trường khách sạn trong quý II khoảng 9.950 phòng, với 16 khách sạn 5 sao, 19 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao.

Tuy nhiên, hai khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao, chủ yếu ở khu vực quận Hoàn Kiếm tiếp tục đóng cửa. Bên cạnh đó, nhiều khách sạn đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư đang cân nhắc việc có nên khánh thành hay không.

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trước đại dịch COVID-19, địa bàn quận có 672 cơ sở lưu trú bao gồm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, homestay hoạt động. Tính đến hết tháng 6/2020 chỉ còn 405 cơ sở hoạt động, 267 cơ sở tạm nghỉ kinh doanh.

Tuy hiện chưa có con số chính thức nhưng tác động đợt 2 của COVID-19 đến hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng cũng được dự báo chắc chắn rất khốc liệt.

Ngọc Vy

Tin mới