Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành hàng không nói riêng tiếp tục đối diện với tương lai ảm đạm chưa từng có do mức sụt giảm kỷ lục về nhu cầu đi lại bằng máy bay.
Lợi nhuận lao dốc, tương lai ảm đạm
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã VNA) cho thấy hãng hàng không quốc gia lỗ gộp tới gần 3.874 tỷ đồng trong ba tháng 4,5 và 6.
VNA có thể kết thúc năm kinh doanh 2020 với khoản lỗ lên tới 15.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cho biết ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến doanh thu hành khách nội địa của riêng công ty mẹ giảm tới 57,7% so với quý II/2019. Nghiêm trọng hơn, doanh thu hành khách quốc tế giảm đến 96,6%, doanh thu thuê chuyến giảm 89%. Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines lỗ hơn 6.500 tỷ đồng, công ty mẹ lỗ 6.534 tỷ đồng.
Vẫn theo báo cáo, nửa đầu năm nay, lưu chuyển tiền thuần của Vietnam Airlines là âm 356 tỷ đồng, trong đó lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 5.400 tỷ đồng. Để trang trải dòng tiền, hãng đã tăng cường thu hồi các khoản cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác, đồng thời thanh lý, nhượng bán tài sản cố định…
Tương tự Vietnam Airlines, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet, mã VJC) công bố kết quả kinh doanh Công ty mẹ quý II/2020 với khoản lỗ sau thuế hơn 1.122 tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng đầu năm lỗ hơn 2.111 tỷ đồng.
Theo Vietjet, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp lên ngành hàng không toàn cầu và là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm về nhu cầu đi lại giữa các quốc gia trên thế giới, Việt Nam không phải ngoại lệ. “Là hãng hàng không chi phí thấp với khả năng tối ưu hóa chi phí hoạt động nhưng Vietjet vẫn phải duy trì chi phí cố định để chuẩn bị nguồn lực khi thị trường quay lại, nên lợi nhuận vận tải hàng không lỗ 1.122 tỷ đồng trong quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 2.111 tỷ đồng”, báo cáo giải trình của Vietjet nêu.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính quý II song hãng bay của tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Bamboo Airways – được dự báo cũng sẽ trải qua một quý khó khăn. 3 tháng đầu năm, dịch COVID -19 buộc hãng phải giảm tần suất bay dẫn tới khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, năm nay các hãng bay trong nước thiệt hại khoảng 105.000 tỷ đồng (trong đó thiệt hại khoảng 90.000 tỷ đồng doanh thu, lỗ 15.000 tỷ đồng). Các hãng hàng không đang cần Chính phủ hỗ trợ gói cho các hãng vay 25.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất trong 3 năm.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, các doanh nghiệp hàng không trong nước có thể gặp khó khăn hơn nữa, thậm chí mất cao điểm hè do dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng. Ông Thắng cho hay, hiện 11 đường bay từ các cảng hàng không trong nước đi/đến Đà Nẵng với tổng số xấp xỉ 100 chuyến/chiều/ngày đã phải dừng hoàn toàn từ 28/7.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không, so với trước khi dịch bùng phát trở lại, số chuyến bay khai thác nói chung đã giảm khoảng 12%, lượng khách giảm khoảng hơn 30%. Ghi nhận trong ngày 30/7, các hãng hàng không chỉ khai khác 656 chuyến bay, chở hơn 93.500 hành khách. Tỷ lệ lấp đầy trên mỗi chuyến bay của hàng không Việt giai đoạn vừa qua chỉ đạt khoảng 70%. “Khả năng phục hồi nhanh chóng, mạnh mẽ của thị trường hàng không như đợt đầu là rất khó”, ông Thắng cho biết.
Cần cấp bách giải cứu các hãng hàng không
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính), nhận định dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, lan nhanh ra nhiều địa phương khác trong cả nước có thể giáng thêm đòn chí tử vào các doanh nghiệp vận hàng không vốn đang chật vật.
Cục hàng không (CAAV) trước đó đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ ban hành chính sách cấp bách để hỗ trợ khẩn cấp doanh nghiệp hàng không.
“Dừng các chuyến bay đi, đến Đà Nẵng chắc chắn gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bản thân các hãng hàng không vốn đã rất khó khăn sau đợt cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc trước đó, giờ dịch bùng phát trở lại sẽ là đòn giáng nặng vào doanh thu do đường bay bị tạm dừng, khách du lịch hạn chế đi lại”, ông Long nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM, nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại có thể đẩy các hãng hàng không rơi vào khó khăn dài hạn. Trong khi đó các hãng hàng không Việt Nam vẫn phải gồng gánh từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng để duy trì hoạt động như tiền thuê, mua máy bay, tiền thuê sân đỗ, lãi suất ngân hàng... “Các hãng đang phải đối mặt với tình trạng âm dòng tiền, phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Do đó, các hãng hàng không cần được hỗ trợ để có đủ nguồn lực cho việc phục hồi và phát triển sau đại dịch”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.
Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nhà nước cần cấp bách hỗ trợ ngành hàng không vì vai trò quan trọng và tác động lan tỏa của nó với nền kinh tế. Cụ thể, hàng không là một phần rất quan trọng của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Trong khi giao thông lại là mạch máu của nền kinh tế. Mạch máu tắc nghẽn, nền kinh tế sẽ “đột quỵ”. Hàng không hồi phục và khỏe khoắn sẽ kéo theo nhiều ngành nghề, dịch vụ phát triển theo.
TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn do COVID-19, trong đó có thể có gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho các hãng hàng không.
“Đây là những doanh nghiệp quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách và đặc biệt là có sức lan tỏa sâu rộng trong nền kinh tế. Tại sao phải hỗ trợ cho các ông lớn này? Bởi họ phục hồi, phát triển sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế, hỗ trợ hàng loạt doanh nghiệp khác tham gia chuỗi giá trị”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Trí Long, hỗ trợ cho các doanh nghiêp lớn có triển vọng hồi phục, bật dậy sau dịch như hãng hàng không sẽ không những không làm lãng phí vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ mà còn tích cực đóng góp trở lại cho ngân sách, giải quyết việc làm và khôi phục, phát triển kinh tế như nhiệm vụ cấp bách mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
“Đơn cử như Vietnam Airlines và Vietjet năm 2019 nộp ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng thuế, phí và giải quyết việc làm cho 27.000 người. Nếu họ khó khăn, thua lỗ mà không được hỗ trợ phù hợp thì thuế, phí họ nộp sẽ giảm, lao động mất việc, nhiều ngành như du lịch, dịch vụ, đầu tư… sẽ bị ảnh hưởng. Nếu họ hòa vốn hoặc có lãi thì Chính phủ có bù vài trăm đến một ngàn tỷ đồng lãi suất cho họ thì vẫn là khoản hỗ trợ, đầu tư hiệu quả”, ông Long phân tích.
Cũng theo ông Long, việc cấp bách bây giờ là cần đẩy nhanh việc hỗ trợ các hãng hàng không, đặc biệt là gói 25.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất như tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không. Việc hỗ trợ cần bảo đảm công bằng, phù hợp nhu cầu và vai trò của từng hãng.
Năm 2024 ngành hàng không mới có thể phục hồi
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) mới đây đã đưa ra dự báo đến năm 2024 ngành hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019. Như vậy, tiến trình phục hồi của ngành hàng không kéo dài thêm một năm so với dự báo trước đây của IATA. Nguyên nhân chủ yếu là do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến chính phủ các nước cấm bay quốc tế và hạn chế bay quốc nội. Các nhà phân tích hàng đầu đều dự báo rằng sẽ mất ít nhất 3-4 năm để ngành có thể khôi phục về mức phát triển của năm 2019. Vào năm 2021, doanh thu có thể sẽ quay lại mức của năm 2016. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA), khoản lỗ và thiệt hại doanh thu do COVID-19 của các hãng hàng không thế giới lên tới 503 tỷ USD. Đến cuối tháng 5/2020, chính phủ các nước đã hỗ trợ hãng hàng không 123 tỷ USD, bằng 23% tổng thiệt hại của các hãng.
Việc để tàu bay nằm sân trong thời gian dài sẽ là một thách thức lớn với các hãng hàng không trong giai đoạn chống dịch chờ ngày hồi phục. Theo Simple Flying, các hãng hàng không lớn như Delta hay Jet Blue đều tốn hàng chục triệu đô mỗi ngày để trang trải chi phí cho các hoạt động thiết yếu như bảo trì hay cho thuê tàu bay, trong khi hầu hết các chuyến bay đều không được hoạt động hoặc chở rất ít hành khách.