Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hàng không chưa qua ‘sóng thần’ lại gặp bão lớn

(VTC News) -

Chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành sẽ giáng thêm đòn nặng nề lên ngành hàng không.

Dưới tác động của COVID-19 lên nền kinh tế Việt Nam, hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do các lệnh phong tỏa và cách ly.

Sự cố Đà Nẵng giập tắt cứu cánh của hãng hàng không

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), Vietjet, Bamboo đồng loạt thông báo tạm dừng khai thác toàn bộ chuyến bay đến, đi từ Đà Nẵng từ ngày 29/7 đến hết ngày 11/8/2020 theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải do địa phương này xuất hiện các ca bệnh COVID-19. Lịch khai thác chuyến bay đến, đi từ Đà Nẵng sau ngày 11/8/2020 sẽ được hãng cập nhật thường xuyên theo tình hình thực tế dịch bệnh và yêu cầu của nhà chức trách.

Vietnam Airlines lỗ 7.474 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Trả lời VTC News ngày 30/7, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, lan nhanh ra nhiều địa phương khác trong cả nước có thể giáng thêm đòn chí tử vào các doanh nghiệp vận hàng không vốn đang chật vật.

“Dừng các chuyến bay đi, đến Đà Nẵng chắc chắn gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bản thân các hãng hàng không vốn đã rất khó khăn sau đợt cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc trước đó, giờ dịch bùng phát trở lại sẽ là đòn giáng nặng vào doanh thu do đường bay bị tạm dừng, khách du lịch hạn chế đi lại”, ông Long nói.

Hiện nay, Đà Nẵng là đường bay quan trọng thứ hai sau đường bay 2 chiều HN – TP HCM. Sau thời gian dài giãn cách xã hội, đây là giai đoạn học sinh nghỉ Hè, là thời điểm cứu cánh của các hãng hàng không. Trong khi khách đổ xô về Đà Nẵng được thời gian ngắn thì dịch bùng phát. Thị trường quan trọng nhất của hàng không và du lịch ở miền Trung buộc phải đóng cửa. Tia hy vọng cuối đường hầm về việc bù đắp được phần nào doanh thu và dòng tiền đang thiếu trầm trọng để hoạt động của hãng hàng không đã vụt tắt.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết việc dừng các chuyến bay đi, đến Đà Nẵng khiến hãng chịu thiệt hại không nhỏ về doanh thu do các chuyến bay bị hủy và hỗ trợ hoàn vé cho khách.

Tương tự, theo đại diện Bamboo Airways, kết quả kinh doanh của hãng bị giảm đáng kể do Đà Nẵng là địa phương phát triển du lịch khá tốt. Nhất là trong bối cảnh hãng vừa mở thêm 3 đường bay kết nối với Đà Nẵng.

Vietjet khéo chống đỡ với dịch COVID-19 nhưng cũng không tránh khỏi thiệt hại.

Khó khăn dài hạn

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP.HCM, nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại có thể đẩy các hãng hàng không rơi vào khó khăn dài hạn.

Dừng toàn bộ chuyến bay nội địa tại Đà Nẵng chắc chắn ảnh hưởng doanh thu các hãng bay. Nhưng tác động của các biện pháp phòng dịch đến hàng không sẽ nặng nề và dài hạn hơn khi toàn bộ mạng bay quốc tế dừng hoạt động, các đường bay trong nước cũng chỉ được khai thác với tần suất hạn chế”, ông Tống nhận định.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Vietnam Airlines lỗ 7.474 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Riêng quý I/2020 hãng bay này đã lỗ hơn 2.600 tỷ đồng - cao hơn lợi nhuận sau thuế của họ cả năm 2019. Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines chỉ đạt khoảng 18.900 tỷ đồng, giảm hơn 6.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ giảm là chủ yếu (khoảng 29,4%) tương đương 5.601 tỷ đồng.

Cùng cảnh ngộ, doanh thu quý I của Vietjet Air giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 7.222 tỷ đồng. Hãng bay này lỗ 989 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Vietjet Air ghi nhận lợi nhuận quý âm kể từ khi niêm yết đầu năm 2017. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn dự kiến trước đó của chính ban lãnh đạo Vietjet.

Tương tự, hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways cũng lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng giãn cách xã hội như một đòn giáng chí mạng tiếp theo vào các hãng hàng không. Trước đó, VNA báo cáo sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản từ tháng 8 nhưng với sự cố Đà Nẵng, sức ép thanh khoản của VNA còn nặng nề, cấp thiết hơn. 

Tuy không nặng nề như VNA nhưng theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không, các hãng khác cũng đang rất khát vốn lưu động. Hiệp hội này tính toán các hãng hàng không Việt Nam cần được vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong 3 năm.

Tuy nhiên việc hỗ trợ các hãng hàng không hiện nay đang diễn ra rất chậm và vướng một số quy định.   

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định rằng hàng không là nhân tố đầu tiên để phục hồi kinh tế. Theo ông, "trong điều kiện thế giới và trong nước chịu những đại dịch bất thường, không thể áp dụng cứng nhắc các quy định mà phải giải quyết theo cơ chế linh hoạt nhất", ông Cung nói.

Hòa Bình

Tin mới