Vingroup, Vietjet, Vietnam Airlines, PNJ, FPT… là những “ông lớn” có dấu hiệu chuyển hướng thành công
Đổ tiền vào bất động sản công nghiệp
Theo Bộ phận nghiên cứu của SSI (SSI Research), thời gian qua, FDI - nhà đầu tư chính vào khu công nghiệp đã có những tín hiệu khởi sắc, tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm 4 tháng đầu năm đạt 9,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. FDI “chảy mạnh” đã, đang và sẽ kích thích bất động sản công nghiệp bất chấp đại dịch COVID-19.
Dự án Vinhomes Ocean Park Gia Lâm của Vingroup.
Trong quý I/2020, theo dữ liệu Collier International, so sánh tỷ lệ lấp đầy và giá thuê các khu công nghiệp ở các nước Đông Nam Á, cho thấy Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình thấp hơn 45% - 50% so với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Nhận thấy cơ hội lớn nhất gọi tên bất động sản khu công nghiệp, Vingroup nhanh chóng “đổ tiền” vào lĩnh vực “nóng” này. Vinhomes IZ, công ty con phụ trách mảng này được tăng vốn “phi mã” từ 70 tỷ lên 6.000 tỷ đồng. Đầu tháng 4, Vinhomes IZ đề xuất đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp HOÀ BÌNH Thủy Nguyên (Hải Phòng) trên diện tích 319 ha, với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng.
Trong Đaị hội cổ đông mới diễn ra, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup khẳng định Vingroup xác định bất động sản công nghiệp sẽ là mảng kinh doanh chính và quan trọng trong tương lai bởi lĩnh vực này mang lại dòng tiền thường xuyên. Mảng này được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu (tương đương 14.000-15.000 tỷ đồng). Con số này chỉ đứng sau quy mô doanh thu mảng kinh doanh bất động sản và mảng bán lẻ đã thoái vốn. Lãnh đạo Vingroup giải thích quyết định đầu tư là tận dụng cơ hội từ điều kiện vĩ mô và xu hướng FDI.
Tuy nhiên, FDI không phải lý do duy nhất khiến Vingroup quyết “dấn thân” vào bất động sản công nghiệp. Bản thân Vingroup với hàng loạt doanh nghiệp sản xuất cũng có nhu cầu rất lớn. Bà Nguyễn Diệu Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes cho biết, những khách hàng mục tiêu ban đầu của mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ là các đơn vị trong chuỗi cung ứng linh kiện ô tô, mục đích nhằm tạo ra một hệ sinh thái xung quanh VinFast cả về yếu tố sản xuất và địa lý.
Vingroup sau khi xây dựng nhà máy đã kéo những tên tuổi lớn trong ngành phụ trợ như ZF, Lear, Faurecia, Antolin, Aapico, LG Chem, VinFast - An phát, Nexmo, Namyang về khu tổ hợp VinFast ở Hải Phòng.
Hàng không không chỉ chở người
Khi đại dịch bùng phát, Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội từ tháng 4. Điều đó đồng nghĩa với việc di chuyển bằng máy bay gần như là con số 0. Cùng với đó, nhiều nước trên thế giới thực hiện chính sách “đóng cửa” nên hàng không thế giới nói chung và hàng không Việt Nam nói riêng “đóng băng”. Tình hình trở nên căng thẳng đến mức nhiều nhân sự ngành này bị cắt giảm giờ làm và thu nhập. Thậm chí, “anh cả” hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines đã phải nhắc đến chuyện “sống còn”. Vietjet cũng không ngoại lệ.
Hàng không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19.
Thế nhưng, trong báo cáo thường niên được công bố hồi tháng 5/2020, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet khẳng định Vietjet “đã vượt qua đại dịch một cách ngoạn mục và đang trong quá trình xây dựng chiến lược mới sẵn sàng cất cánh bay cao hơn”. Điều này có được là do công ty có tiềm lực tài chính dồi dào và sự vững vàng của đội ngũ.
Bà Phương Thảo khẳng định Vietjet đang nhìn thấy những cơ hội rất rộng mở sau đại dịch. Có thể với doanh nghiệp khác, việc gượng dậy phải mất nhiều thời gian, nhưng với mô hình hàng không chi phí thấp như Vietjet, các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định hàng không chi phí thấp là hình mẫu lý tưởng của khả năng vượt qua những cuộc khủng hoảng. Và cách Vietjet vượt khủng hoảng chính là “bẻ lái” kinh doanh kịp thời.
Theo bà Thảo, khi đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, Vietjet triển khai hàng loạt giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ SkyBoss, dịch vụ phụ trợ, thẻ bay Power Pass.
Không chỉ Vietjet nhìn thấy “khe cửa hẹp” này. Ngay từ khi dịch bùng phát, vận chuyển hành khách “đóng băng”, Vietnam Airlines đã thực hiện hàng chục chuyến bay chuyên chở hàng hóa từ hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Malaysia và Bangkok. Đây là những chuyến bay chở hàng thuần túy đầu tiên của Vietnam Airlines, không có hành khách, không có tiếp viên.
Du lịch, bán lẻ dịch chuyển mạnh mẽ
Cùng với hàng không, du lịch là một trong những ngành chịu tổn thương đầu tiên và chịu tổn thương nặng nề nhất do đại dịch COVID-19. Còn quá sớm để nói đến sự phục hồi của ngành du lịch. Thế nhưng, các doanh nghiệp, muốn phục hồi, trước hết phải tìm cách sống sót. Và ngành du lịch Việt đã tìm cách sống sót cho mình. Đó chính là tour du lịch ngắn ngày đi kèm giảm giá kịch sàn.
Trước đây, trong các kỳ nghỉ hè, học sinh được nghỉ học, các gia đình thường có xu hướng du lịch nước ngoài hoặc du lịch trong nước với thời gian dài. Còn hiện tại, do lo ngại dịch bệnh, du khách chỉ lựa chọn tour ngắn ngày. Một phần để đảm bảo sức khỏe, một phần không có nhiều lựa chọn vì nhiều quốc gia vẫn đang trong tình trạng “đóng cửa” do COVID-19.
Nắm bắt được tâm lý đó của người dân, các công ty lữ hành ồ ạt tung ra tour ngắn ngày. Và để kích cầu mạnh mẽ hơn, các tour ngắn ngày này trở nên hấp dẫn hơn với mức giá giảm kịch sàn.
Bán lẻ cũng là ngành buộc phải dịch chuyển mạnh mẽ trong cách tiếp cận khách hàng giữa đại dịch COVID-19. Ngay khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, các “ông lớn” ngành bán lẻ như PNJ, Thế giới di động, FPT đồng loạt thực hiện bán hàng online. Dù hình thức này không duy trì được đà tăng trưởng nhưng ít nhất, nó vẫn tạo doanh thu cho công ty, từ đó tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Cơ hội “thay máu” nền kinh tế
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đang buộc các doanh nghiệp phải vận động để “sống chung với lũ”. Tuy nhiên, với một số ông lớn, cú “bẻ lái” này không chỉ là thích ứng, có khi nó lại chính là cơ hội vàng, mang lại cơ hội lớn.
Theo TS. Trần Đình Thiên, dịch bệnh COVID-19 là cơ hội tốt để Việt Nam tạo ra “nguồn sống mới”, “thay máu” cho nền kinh tế. Và việc giải cứu nền kinh tế nên tập trung vào các doanh nghiệp còn nguồn lực để vực dậy và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh vẫn là nền kinh tế cũ.
Tuy vậy, TS.Thiên cho rằng, việc giải cứu nền kinh tế phải tập trung vào các doanh nghiệp còn nguồn lực vực dậy, dành nguồn lực cứu trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. “Nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh vẫn là nền kinh tế cũ (li ti, nhỏ và vừa) nếu cứu các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng ta sẽ có nguồn lực mới, nền kinh tế mới. Dịch COVID-19 là lý do để thay máu nền kinh tế tốt nhất", TS. Trần Đình Thiên chia sẻ.
Theo quan điểm của vị chuyên gia này, việc giải cứu nền kinh tế phải tập trung vào các doanh nghiệp còn có khả năng vực dậy. Một phần nguồn lực khác thì cần dành để cứu trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp vì nếu cứu các doanh nghiệp này nên kinh tế sẽ được “thay máu”.
“Kinh tế Việt Nam có thể đứng dậy sau dịch để bay lên hay không? Làm sao để doanh nghiệp khôi phục lại? Khả năng đứng dậy của doanh nghiệp như thế nào để nền kinh tế đứng dậy? Tập trung cứu các doanh nghiệp đang rất yếu để hồi sinh hay làm điều gì khác thường hơn, tạo ra một lực lượng doanh nghiệp mới thay máu cho nền kinh tế?”, ông Thiên đặt vấn đề.
Theo chuyên gia TS Võ Trí Thành, COVID-19 đem lại một cơ hội quý báu cho doanh nghiệp Việt. Khi thế giới đã nhận thức ra về mối nguy hiểm về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, nhà đầu tư trên khắp thế giới sẽ tìm kiếm các địa điểm sản xuất ở ngoài Trung Quốc. Đây là cơ hội bằng vàng cho Việt Nam, vấn đề là chúng ta làm sao xây dựng được năng lực hiệu quả để thu hút những chuyển dịch đó của chuỗi cung ứng.
“Nếu các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn này, họ sẽ có nhiều hơn các đơn đặt hàng lớn cho các sản phẩm công nghệ cao và trung bình. Và đây là dịp để họ chuyển đổi, tái cơ cấu, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, giúp tạo giá trị cao”, ông Thành nói.