Tôi năm nay đã 40 tuổi, là con út trong gia đình có 4 anh em trai. Ba anh trai lấy vợ ở quê và sống gần cha mẹ. Chỉ có tôi là con út, lên thành phố học đại học rồi định cư luôn ở đây. Hai vợ chồng tôi hiện nay cũng có công việc đàng hoàng, có hai con cả trai cả gái. Không sống gần bố mẹ nên tôi thường xuyên biếu ông bà quà bánh, tiền bạc mỗi dịp lễ Tết. Thế nhưng, quà cáp, tiền bạc thì ông bà đều tìm cách cho lại các con tôi.
Ba năm trước, bố tôi qua đời vì tuổi già. Vì thế, mẹ tôi vì đau buồn mà suy sụp, sức khỏe ngày càng yếu dần. Tôi có ngỏ lời mời mẹ lên thành phố sống cùng vợ chồng tôi nhưng mẹ từ chối, vì bà đã quen nếp sống dưới quê. Huống hồ, bà vẫn còn làm ruộng, lại mở một cửa hàng tạp hóa để buôn bán qua ngày nên bảo tôi không phải lo.
Vợ tôi đòi chia đều tiền nuôi mẹ chồng với các anh ở quê. (Ảnh minh họa)
Nhưng tôi làm sao không lo cho được. Thấy mẹ yếu bệnh, các anh em bàn nhau góp tiền nuôi mẹ, để bà đỡ phải đi làm. Anh cả đề xuất mỗi tháng các con gửi biếu bà 9 triệu đồng. Vì tôi khá giả nhất nên mọi người bảo rằng gia đình tôi sẽ góp một nửa là 4 triệu rưỡi, còn 3 anh em còn lại chia nhau góp mỗi người 1 triệu rưỡi.
Tôi đồng ý với điều này, nhưng vợ tôi lại không cho là vậy. Cô ấy bảo, phải chia đều mới là công bằng, vì dù sao tôi cũng là con út, không có trách nhiệm hương khói như các anh. Cô ấy bảo gia đình tôi tuy là khá so với dưới quê, nhưng trên thành phố cũng phải kiếm tiền vất vả như bao người, cũng không dư giả như họ nghĩ.
Nghe vậy, không khí gia đình trầm hẳn. Có phải là vợ tôi sòng phẳng một cách không cần thiết không? Cô ấy làm như vậy chỉ khiến các anh nghĩ rằng mình chi ly, hẹp hòi, có đáng không?