Không hiểu rõ nghĩa của từ là một trong các nguyên nhân gây ra lỗi chính tả, đặc biệt là các từ Hán Việt. Trên báo chí, các bài phát biểu, tham luận, báo cáo nhan nhản từ Hán Việt bị viết sai, cái sai lặp lại nhiều lần, ở nhiều người không phải do ẩu mà do… tưởng mình viết đúng.
“Vô hình trung” là một trong những từ hay bị viết sai nhất. Nó thường bị biến thành “vô hình chung” hoặc đôi khi là “vô hình dung”. Để tránh lỗi sai này, bạn cần hiểu nghĩa từng thành tố của từ: “Vô hình trung” có nghĩa là “trong cái vô hình”. Từ này trong Từ điển Tiếng Việt được định nghĩa là: “Tuy không có chủ định, không cố ý nhưng tự nhiên lại là (tạo ra, gây ra việc nói đến). Ví dụ: "Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó".
Nhiều người không biết viết "vô hình trung" hay "vô hình chung" mới đúng.
Khi viết “vô hình chung”, có lẽ nhiều người gán cho nó ý nghĩa giống như từ “tựu chung”. Tuy nhiên, Từ điển Tiếng Việt hoàn toàn không có từ “vô hình chung” hay “vô hình dung”, viết như vậy là hoàn toàn vô nghĩa.
Một từ Hán Việt khác có tần suất xuất hiện dày đặc nhưng rất hay bị viết sai là “chẩn đoán”, thường bị biến thành “chuẩn đoán”, ngay cả khi người viết có trình độ học vấn cử nhân trở lên.
“Chẩn đoán” có nghĩa là xác định bệnh dựa trên thăm khám và kết quả xét nghiệm. Trong đó, “chẩn” có nghĩa là xem xét, khám bệnh (thời chưa có xét nghiệm, xem xét là cách chủ yếu để tìm ra bệnh), “đoán” là phán đoán, quyết đoán.
Nhiều người tưởng “chuẩn đoán” là đúng, giải thích rằng “chuẩn” tức là chính xác, chuẩn mực, yếu tố cần thiết khi khám bệnh. Tuy nhiên, tiếng Việt không hề có từ “chuẩn đoán”, viết như vậy là sai.
Những lỗi chính tả như trên thực sự gây khó chịu. Vì vậy, xin đừng dùng từ Hán Việt nếu bạn không hiểu nghĩa thực sự của nó.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.