Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc và hợp tác ASEAN - Trung Quốc

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại-Đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 20 thể hiện sự coi trọng đối với quan hệ hữu nghị.

Nhận lời mời của Chính phủ nước CHDCND Trung Hoa, từ ngày 16-17/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sẽ dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại-Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Thủ tướng lên đường đến Trung Quốc dự 2 sự kiện quan trọng về thương mại đầu tư. (Ảnh: Nhật Bắc)

CAEXPO và CABIS lần thứ 20 năm nay có chủ đề “Cùng xây dựng ngôi nhà chung, cộng đồng chung vận mệnh hướng đến tương lai – Thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường phát triển chất lượng cao và xây dựng Trung tâm tăng trưởng kinh tế”, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN.

Gian hàng quốc gia Việt Nam tại CAEXPO 19.

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ tiếp tục có quy mô lớn nhất ASEAN với khoảng 120 doanh nghiệp, cùng 250 gian hàng trên diện tích 5.000m2, gồm nhiều mặt phong phú và đa dạng thuộc các lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, giày dép, gia dụng và may mặc, đồ gỗ và đồ thủ công mỹ nghệ.

Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS được Trung Quốc và ASEAN đồng tổ chức hàng năm tại Nam Ninh, Quảng Tây, là một trong 10 hội chợ triển lãm hàng đầu của Trung Quốc.

Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 19. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trong 19 kỳ hội chợ, Việt Nam luôn có lãnh đạo Chính phủ tham dự và là nước có số lượng gian hàng, doanh nghiệp tham gia nhiều nhất trong ASEAN.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự CAEXPO và CABIS lần thứ 20 thể hiện sự coi trọng của cả hai nước đối với quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, quan hệ hợp tác ASEAN-Trung Quốc và quan hệ giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Sự tham dự của Chính phủ Việt Nam còn thể hiện sự tin cậy chính trị cao độ, tinh thần “đồng chí, anh em”; khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; coi trọng quan hệ với Trung Quốc, hợp tác nhiều mặt, đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, nhất là thương mại hàng hóa biên giới, hoạt động kinh tế cửa khẩu thông suốt, giao lưu địa phương, nhân dân… đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.

Dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự lễ khai mạc hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS lần thứ 20, thăm các gian hàng của Việt Nam; hội kiến Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Cường, tiếp xúc song phương với trưởng đoàn các nước, tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc và tham gia một số hoạt động đối ngoại khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26. 

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26 diễn ra hôm 6/9 tại Jakarta, Indonesia, các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc vui mừng ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục mới 722 tỷ USD. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN liên tục trong 14 năm.

Hoan nghênh tiến triển đàm phán nâng cấp Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ tiếp cận thị trường, đồng thời mở rộng hợp tác về chuyển đổi số, kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh và bền vững...

Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ tương hỗ giữa Trung Quốc phát triển và Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực. Đây là nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện phát triển vững mạnh. Thủ tướng mong muốn, Trung Quốc-ASEAN không chỉ là đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của nhau, mà còn là một trong những đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất của nhau vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng đề nghị, là những đối tác thương mại hàng đầu của nhau, ASEAN và Trung Quốc cần phối hợp chặt chẽ, chung tay đưa khu vực trở thành tâm điểm tăng trưởng kinh tế. Cần tận dụng ưu thế gần gũi địa lý, nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, duy trì giao thương thông suốt, đẩy mạnh kết nối, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng, mở rộng hợp tác phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

Trung Quốc nhập khẩu nhiều sầu riêng từ Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Về hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Trung, hai bên còn có nhiều điều kiện tốt để tiếp tục tăng cường. 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt 89,1 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã lấy lại đà tăng, nhập siêu giảm đáng kể.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam) trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 1,95 tỷ USD vào Việt Nam, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong giai đoạn này, Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Trung Quốc bao trùm trên nhiều lĩnh vực như dệt may, chế tạo máy, điện tử và năng lượng mới.

Thanh Hà (VOV.VN)

Tin mới