Virus corona chủng mới, hay còn gọi là SARS-CoV-2 có biến thể giống như virus HIV. Điều đó nghĩa là chủng virus này có khả năng liên kết với các tế bào của con người mạnh gấp 1.000 lần virus gây ra dịch SARS, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Trung Quốc và châu Âu tiết lộ.
Phát hiện này có thể giúp lý giải không chỉ về việc dịch bệnh viêm phổi cấp do SARS-CoV-2 gây nên đã lây lan như thế nào mà còn về nguồn gốc và cách đối phó hiệu quả nhất với chủng virus này.
Các nhà khoa học nhận định virus corona chủng mới có thể rất khác so với SARS. Ảnh: AP
Các nhà khoa học cho biết SARS xâm nhập vào cơ thể con người bằng cách liên kết với 1 protein gọi là ACE2 trên màng tế bào. Một số nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng virus corona chủng mới giống cấu trúc gien của SARS tới 80% nên sẽ có con đường lây nhiễm tương tự.
Tuy nhiên, protein ACE2 không tồn tại với số lượng lớn ở những người khỏe mạnh nên điều này phần nào giúp hạn chế quy mô bùng phát của dịch SARS vào năm 2002 - 2003 khi dịch bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 8.000 người trên toàn thế giới.
Những virus khác có khả năng lây nhiễm cao, chẳng hạn như HIV và Ebola thường tấn công vào một enzyme gọi là furin, hoạt động như chất kích hoạt protein trong cơ thể con người. Nhiều protein không hoạt động hoặc ở trạng thái “ngủ đông” khi chúng được tạo ra và sẽ bị "cắt" đi ở một vài điểm nào đó để kích hoạt các chức năng khác.
Khi nhìn vào trình tự gien của virus corona chủng mới, Giáo sư Ruan Jishou và đội ngũ của ông tại Đại học Nankai ở Thiên Tân đã phát hiện 1 đoạn gien biến thể không tồn tại trong SARS, nhưng lại tương tự với những biến thể được tìm thấy trong HIV và Ebola.
"Những phát hiện này đã cho thấy virus corona chủng mới có lẽ khác biệt đáng kể so với virus corona gây nên dịch SARS trong quá trình lây nhiễm", các nhà khoa học nhận định trong một bài báo công bố vào tháng này trên trang Chinarxiv.org - một nền tảng mà Học viện Khoa học Trung Quốc sử dụng để phát hành các tài liệu nghiên cứu khoa học trước khi chúng được những người trong ngành đánh giá.
Theo nghiên cứu này, biến thể trên có thể tạo ra một cấu trúc chẻ trong protein gai của virus corona chủng mới. Virus này sử dụng gai của các protein chìa ra để bám vào tế bào chủ nhưng thường protein này ở trạng thái không hoạt động. Nhiệm vụ của cấu trúc chẻ là đánh lừa protein furin của con người để nó cắt ra và kích hoạt protein gai cũng như tạo ra một "điểm tiếp xúc trực tiếp" giữa màng virus và màng tế bào.
So với con đường xâm nhập của SARS, phương pháp kết hợp này có thể hiệu quả hơn từ 100 - 1.000 lần, nghiên cứu cho biết.
Chỉ 2 tuần sau khi công bố, bài báo này đã được đọc nhiều nhất trên trang Chinarxiv.
Video: Covid-19 lây lan mạnh ở Hàn Quốc và thế giới
Trong một nghiên cứu tiếp theo, đội ngũ các nhà khoa học do giáo sư Li Hua từ Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc dẫn đầu cũng đã công nhận các phát hiện của giáo sư Ruan.
Biến thể này có thể không được tìm thấy trong SARS, MERS hoặc CoVRaTG13 dơi - một chủng virus corona có trong dơi được cho là nguồn gốc ban đầu của virus corona chủng mới khi giống nhau đến 96% về gien.
Điều này có thể là "lý do giải thích tại sao SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn các loại virus corona khác", ông Li viết trong bài báo được công bố trên Chinarxiv ngày 23/2.
Trong khi đó, một nghiên cứu của nhà khoa học Pháp Etiene Decroly tại Đại học Aix-Marseille xuất bản trên tạp chí khoa học Nghiên cứu chống virus ngày 10/2 cũng tìm thấy "cấu trúc chẻ giống furin" không có trong những loại virus corona tương tự.
Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Vi sinh học Bắc Kinh, Học viện Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết tất cả các nghiên cứu trên đều dựa trên trình tự gien.
"Việc virus này hoạt động có như suy đoán hay không sẽ cần thêm các bằng chứng khác thông qua thí nghiệm. Câu trả lời sẽ nói lên được virus này đã gây bệnh cho chúng ta như thế nào", nhà khoa học này cho biết.
Những hiểu biết của các nhà khoa học về virus corona chủng mới đã thay đổi đáng kể trong những tháng qua.
Ban đầu, virus này không được coi là một mối đe dọa lớn khi Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy sự lây nhiễm từ người sang người.
Nhưng những khẳng định này đã sớm không còn chính xác, khi mà tính tới ngày 26/2, đã có hơn 81.000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới (và đến sáng 27/2, con số này đã tăng lên 82.000 – ND).
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết các loại thuốc nhắm vào enzyme furin có khả năng ngăn cản SARS-CoV-2 nhân bản trong cơ thể con người. Những loại thuốc này bao gồm "một loạt các thuốc chữa HIV như Indinavir, Tenofovir Alafenamide, Tenofovir Disoproxil và Dolutegravir, cũng như các loại thuốc chữa viêm gan C như Boceprevir và Telaprevir", nghiên cứu của nhà khoa học Li cho biết.
Những kết quả này cũng thống nhất với các báo cáo của một số bác sĩ Trung Quốc khi tự sử dụng thuốc điều trị HIV sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng y học cụ thể để chứng minh cho những nhận định trên.
Các nhà khoa học hy vọng rằng việc phát hiện về mối liên hệ với enzyme furin có thể hé lộ về "lịch sử tiến hóa của virus corona chủng mới trước khi chúng xâm nhập vào cơ thể con người".