Hàng tháng, bác sĩ Võ Hoàng Thu - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt-Pháp vẫn đều đặn đến thắp hương tại khu miếu nhỏ nằm bên trái cổng vào bệnh viện, dưới gốc cây đa lớn. Ở đó là đồng nghiệp của chị - những người hy sinh trong cuộc chiến chống dịch SARS 2003 - căn bệnh khiến cả thế giới kinh hoàng cách đây 17 năm – xảy ra trong thời bình.
17 năm trước, bác sĩ Thu hơn 30 tuổi, làm việc tại khoa Khám bệnh, trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm SARS. Thời đó, SARS với chị hay bất cứ ai đều là khái niệm rất mơ hồ. Không ai biết SARS là gì, cho đến khi nhiều người bệnh trong đó có cả nhân viên y tế qua đời thì họ mới mường tượng ra sự nguy hiểm của căn bệnh có thể cướp đi mạng sống của bất cứ ai và bất cứ khi nào.
Chị vẫn nhớ những khuôn mặt lo lắng, sợ hãi của bệnh nhân và người nhà. Họ hoảng loạn bởi căn bệnh chưa có thuốc chữa, chưa có vaccine phòng bệnh. Đứng trước cửa phòng bệnh, chị đưa tấm phim lên theo dõi rồi cố gắng nói to, đủ để bệnh nhân nghe thấy: “Hôm nay tốt rồi, đỡ hơn rồi nhé, không phải lo, sắp khỏi rồi”. Thật ra đó là lời nói dối để trấn an bệnh nhân và người nhà của chị.
Thi thoảng chị Thu cũng phải thực hiện xét nghiệm và chụp chiếu liên tục. Đêm nào nằm cũng sờ tay lên trán xem mình có bị sốt không. Sau khoảng từ 5 đến 7 ngày, nếu không có dấu hiệu gì thì mới dám thở phào vì mình vẫn “còn sống”.
Đó cũng là quãng thời gian chị triền miên không ngủ. Muốn ngủ, chị phải sử dụng thuốc. Mỗi ngày chị nhận được không biết bao nhiêu cuộc gọi hỏi về tình hình bệnh. Có lúc, ngoảnh trước quay sau, điện thoại có tới vài chục cuộc gọi nhỡ. Cả Hà Nội dường như chỉ có sự quan tâm duy nhất - đại dịch SASR. Đường phố vắng vẻ hơn, nhưng hễ cứ gặp nhau là họ lại nói về chủ đề SARS.
Một hôm khi ngang qua phòng mổ, bác sĩ Thu bắt gặp dáng vẻ vội vã của một cô y tá trẻ. Chị tiến lại gần, đặt tay lên vai hỏi: “Em không sợ à?”. Cô bé đáp lại hồn nhiên: “Không. Em không sợ. Nếu em có chết thì cũng phải chết cùng các chị”.
Câu nói của cô gái mới ngoài 20 tuổi ám ảnh chị đến bây giờ. Nó như tiếp thêm nghị lực chị chống chọi lại căn bệnh quái ác. "Em không được nhiễm SARS", bác sĩ Thu dặn dò cô gái.
Thời điểm đó, các đồng nghiệp của chị tiếp xúc với bệnh nhân cứ ốm dần, có người không may qua đời. Do vậy, khi nói một người bị nhiễm SARS, thì hầu như ai cũng nghĩ người đó bị “án tử” lơ lửng trên đầu.
Các y bác sĩ của bệnh viện bị lây SARS từ một “vị khách không mời mà tới”. Đó là chiều 26/2/2003, Bệnh viện Việt Pháp tiếp nhận bệnh nhân tên Johnny Cheng (SN 1954, quốc tịch Mỹ) đến từ Hong Kong với biểu hiện, sốt cao, mệt nhiều. Sau này khi bệnh tình của bệnh nhân nặng, gia đình đưa ông về nước.
Lúc này tại Trung Quốc, Hong Kong và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang truyền thông nhiều về dịch bệnh nguy hiểm lây lan với tốc độ chóng mặt - SARS. Nghi ngờ đây cũng là trường hợp như vậy, các y bác sĩ thông báo ngay cho Tổ chức Y tế thế giới và Đại sứ quán Mỹ.
WHO cử bác sĩ Carlo Urbani đến làm việc tại Bệnh viện Việt Pháp. Không mất nhiều thời gian, ông Carlo nhận ra bệnh viện là một nơi tiềm ẩn của dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm - viêm phổi cấp. Bệnh có tính chất lây lan rất nhanh, và chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.
Bệnh viện Việt Pháp liên tục tổ chức những cuộc họp khẩn cấp, hội chẩn liên khoa, liên viện, để đưa ra những nhiệm vụ phòng chống bệnh.
Bác sĩ Carlo Urbani đề nghị Bệnh viện Việt Pháp thông báo cho Bộ Y tế Việt Nam để đưa ra các phương án phòng bệnh. Sau khoảng 5 ngày, bệnh viện nhanh chóng tổ chức cuộc họp khẩn cấp gồm nhiều chuyên gia quốc tế, Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai. Hội đồng nhận định đây là bệnh dịch đường hô hấp lây truyền rất nhanh, có thể có ca bệnh nặng và người thiệt mạng.
Bộ Y tế thành lập Ủy ban Chống dịch Quốc gia, giao nhiệm vụ cho tất cả các bệnh viện tập trung toàn lực phòng chống lại virus, tránh sự lây lan, hạn chế tối đa thiệt hại về người.
Một ngày cuối tháng 2/2003, y tá Lượng bị nhiễm SARS có chung biểu hiện bệnh như bệnh nhân Cheng. Sau khi xem xét, hội chẩn, hội đồng đều đưa ra kết luận, chị và 17 bệnh nhân khác đều có biểu hiện khác so với cúm, cảm và những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường.
Chị Lượng và những người bệnh khác đều sốt rất cao, mệt nhiều, đau nhức cơ thể, khó thở, suy hô hấp, tổn thương phổi và lây lan. Chị qua đời vì SARS ngày 15/3, cũng là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam thiệt mạng vì căn bệnh này. Sau đó lần lượt nhiều bệnh nhân khác cũng qua đời. Có cô gái trẻ trên Phương chỉ vài ngày nhiễm virus bắt đầu thấy khó thở, sốt cao, dù đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra kết quả.
Cuối cùng, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương (trước là Bệnh viện Bạch Mai), kết quả phim chụp cho thấy cô có tổn thương phổi, suy hô hấp. Sau Phương, dần dần nhiều nhóm bệnh nhân từ nhẹ tới nặng lần lượt đến khám đều có kết quả nhiễm bệnh. Ngày nào cũng có vài ba bệnh nhân được đưa tới viện.
Ngày 4/3, 6 nhân viên y tế có tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân đầu tiên phải nhập viện vì sốt cao. Sau đó số người nhiễm tiếp tục tăng lên và trường hợp mắc là bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện đang trực tiếp điều trị chăm sóc bệnh nhân.
Bác sĩ Võ Hoàng Thu cho biết, thời gian đầu khi phát hiện bệnh, phương pháp chữa trị hầu hết là điều trị triệu chứng. Sốt thì dùng hạ sốt, truyền dịch, thiếu oxy cho thở oxy, sốt cao có biến đổi thì dùng kháng sinh. Về sau, Tổ chức Y tế thế giới có gửi cho bệnh viện thuốc Tamiflu. Khi đó các bệnh nhân được sử dụng thuốc này, còn các nhân viên y tế thì dùng liều dự phòng.
Khi phát hiện ra bệnh SARS, phương án phòng bệnh trước mắt là cách ly các bệnh nhân đang bị nhiễm bệnh, chuyển người mới mắc sang một số bệnh viện khác, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai để nhờ sự trợ giúp. Các bệnh nhân được phân khu, bệnh nhân nặng một khu, bệnh nhân nhẹ một khu, các bệnh nhân chưa mắc ở một khu.
“Chúng tôi, cả y bác sĩ và những bệnh nhân đều phải ở trong bệnh viện, cách ly hoàn toàn, không được ra ngoài. Bệnh viện cũng ngừng tiếp nhận bệnh nhân. Bên trong, bên ngoài như hai thế giới khác biệt”, bác sĩ Thu nói.
Ngày 12/3, Tổ chức Y tế Thế giới ra báo động toàn cầu về đại dịch SARS. Bộ Y tế Việt Nam sau đó yêu cầu bệnh viện ngừng tiếp nhận bệnh nhân bên ngoài đến khám. Ngày 10/4, Bệnh viện Việt Pháp ra thông báo đóng cửa, cách ly với bên ngoài để phục vụ công tác chữa bệnh và nghiên cứu về virus lạ.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương như "căn cứ thứ hai" tham gia cuộc chiến chống SARS. Bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập các khu cách ly, tiếp nhận bệnh nhân nặng từ Việt - Pháp sang để hồi sức cấp cứu.
Nhớ lại thời điểm đó, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (nay là Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sau khi tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên, công tác phòng chống dịch bệnh được đẩy lên đỉnh điểm. Cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương được chia làm 3 kíp trực. Mỗi kíp ngoài bác sĩ Hà sẽ có thêm 2 bác sĩ, 5 điều dưỡng và 2 hộ lý trực liên tục.
“Lúc đó, do lo sợ nên nhiều người nhà bệnh nhân không ai dám đến bệnh viện để chăm sóc. Chính chúng tôi cho bệnh nhân ăn và tắm gội”, BS Hà nói.
Liên tiếp trong hai ngày 2/3 và 3/3/2003, một số nhân viên của Bệnh viện Việt Pháp có triệu chứng bệnh tương tự như với ông Cheng.
Y tá Nguyễn Thị Mến - người bị nhiễm SARS - không thể nào quên những tháng vượt qua ‘cửa tử’ ấy.
Thời điểm chăm sóc bệnh nhân Johnny Cheng, mọi người vẫn nghĩ đó là cúm bình thường, nên không ai phòng hộ. Người chăm sóc trực tiếp cho ông Cheng là y tá Nguyễn Thị Lượng và Phạm Thị Uyên.
Chị Mến nhớ đêm 1/3/2003, đêm bệnh nhân có dấu hiệu bệnh nặng nhất - vừa ho vừa nôn ra đờm lẫn máu. Y tá Uyên bảo mở cửa đầu hồi cho thoáng.
Khoa Sản của Bệnh viện Việt Pháp lúc đó chung hành lang với khu bệnh nhân nằm điều trị. Nên có lẽ chị vô tình hít phải virus SARS và nhiễm bệnh.
Ngày 8/3, chị lịm dần, lúc tỉnh lúc mê, lờ mờ nhìn thấy có bác sĩ Pháp sang hỗ trợ - qua "mũi cao của người Tây". Y tá Lượng, y tá Sinh nằm viện với triệu chứng tương tự. Y tá Uyên cũng mệt mỏi, sau sốt lên 40 độ C.
Chị Mến chỉ nghĩ chỉ bị cúm. Mà cúm thì vài tuần là khỏi, không ai nghĩ chúng tôi sẽ chết. Thế rồi, chị sốt cao và đau đớn, rồi lịm dần không biết gì.
Chồng chị Mến khi ấy kể lại, từ sau ngày 9/3 anh không còn biết tin gì về chị. Có người còn bảo chị đã chết nên nhiều cuộc thoại gọi chia buồn với gia đình.
Cán bộ phòng dịch tới nhà phun khử trùng, cả hàng xóm cách ly, sơ tán gia đình chị. Con chị không được đến trường, hàng xóm sơ tán, bạn bè xa lánh. "Người ta sợ gia đình tôi như một thứ dịch bệnh đáng sợ”.
Lúc ra viện, chị Mến ngồi xe lăn. Nghe các con kể về những tháng ngày mẹ nằm viện. Chị ứa nước mắt thương con và có quyết tâm phải đi được.
Ban giám đốc bệnh viện Việt Pháp tặng hoa, chúc mừng những nhân viên y tế.
Để chữa được bệnh, chị Mến tìm bác sĩ tai mũi họng, rồi bác sĩ chữa chân. Tất cả đều không tiết lộ nếu không chính bác sĩ điều trị cho chị cũng bị xa lánh. Sau thời gian bấm huyệt, tiêm thuốc chân chị vẫn đau, các bác sĩ bệnh viện liên hệ với một giáo sư Pháp điều trị chân cho chị Mến.
Ba tháng sau các ngón chân động đậy được, nhưng khả năng phục hồi không được như xưa. Chị Mến bắt đầu đi làm trở lại khi bệnh viện vừa gây dựng lại. Hiện bàn chân của chị Mến mất cảm giác. Chị đành sống chung với nó.
Nhưng ít ra chị Mến còn "được sống", bởi rất nhiều đồng nghiệp của chị đã hy sinh khi chưa được gặp gia đình. Trong một lần đến thăm những người đã mất, chị Mến gặp con gái của y tá Uyên, đó là người con duy nhất của chị Uyên. Khi bị bệnh, chị Uyên bị cách ly, chẳng được gặp chồng con. Cuộc gọi cuối cùng chị gọi cho con gái vào 8/3/2003 để bảo con mua hoa tặng cô giáo.
Hay như nam bác sĩ Phương - người khiến bác sĩ Võ Hoàng Thu không thể nào cầm được nước mắt khi nhắc đến. Phương là bác sản phụ khoa còn rất trẻ, từ Hải Phòng lên Hà Nội học cao học, làm thêm tại bệnh viện.
Cũng như nhiều y tá khác, Phương hoàn toàn không tiếp xúc với bệnh nhân nội khoa, hay hô hấp. Nhưng không may trong giai đoạn bệnh nhân Cheng nặng nhất, do mệt, khó thở nên yêu cầu mở cửa phòng. Vì thế virus lúc đó bị phát tán hết ra ngoài hành lang. Đó là đêm 1/3, rạng sáng 2/3.
Không chỉ bác sĩ Phương, gần như tất cả mọi người bao gồm các nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân - từng đi ngang qua hành lang buồng bệnh của bệnh nhân người Hồng Kông - đều bị nhiễm bệnh.
Tình trạng bác sĩ Phương tiến triển nặng thêm, anh bị hôn mê, phải thở bằng máy và không còn nhận thức được nữa. Anh ra đi trong sự tiếc thương cùng nỗi ám ảnh của bạn bè, đồng nghiệp khi tuổi đời còn quá trẻ.
Video: Bác sĩ Thu xúc động khi nhớ lại đại dịch SARS cách đây 17 năm
Sau này, khi dịch bệnh bắt đầu có chiều hướng lây lan nhanh, chứng kiến nhiều đồng nghiệp qua đời, một số nhân viên của Bệnh viện Việt Pháp bỏ việc. Đó cũng là tâm lý dễ hiểu khi mọi thứ lúc đó đều trở nên hoảng loạn.
Còn với những người trực tiếp chiến đấu với bệnh tật như bác sĩ Thu, thì bỏ lúc này đồng nghĩa với việc bỏ mặc đồng nghiệp, bỏ mặc các bệnh nhân. "Những người đồng nghiệp của tôi có người đã ngã xuống và có người đang chiến đấu. Tại sao tôi lại bỏ cuộc, bỏ lại những người đồng đội của tôi”, bác sĩ Thu nói.
Thời gian đó, bác sĩ Thu bị cách ly không được về nhà, chị tâm niệm "là bác sĩ trách nhiệm lớn nhất là chữa trị cho người bệnh, càng vào cuộc chiến càng phải chiến đấu".
Có lần gia đình có việc đột xuất. Thay vì về nhà, chị phải hẹn con ra một nơi khác. Hai mẹ con đeo khẩu trang, áo phòng hộ và găng tay. Dù gặp nhưng cả hai đều không thể nhìn mặt nhau.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Việt Pháp là nơi đầu tiên phát hiện ca bệnh SARS và có cảnh báo sớm cho WHO về tình hình dịch bệnh lớn nguy cơ lây lan trên toàn cầu.
Thời điểm đó, nhờ phát hiện bệnh sớm, kịp thời cách ly và đưa ra những phương án phòng bệnh nên bệnh viện phần nào thành công trong việc chống lại bệnh tật và Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên được công nhận là khống chế thành công dịch SARS.
Cả đợt dịch, Việt Nam có 60 người mắc phải, còn các nước khác dịch lây lan nhanh chóng.
Tương tự như Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thời điểm đó cũng tiếp nhận hơn 30 ca bệnh nhiễm SARS và may mắn không có ai thiệt mạng.
“Chúng ta có cách làm với SARS rất khác so với nhiều nước trên thế giới", bác sĩ Hà nói. Lúc đó, các nước đều khuyến cáo đóng kín cửa, không để virus phát tán. Nhưng sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, bác sĩ Việt Nam làm ngược lại. Họ mở hết cửa toàn bộ tầng 2,3 của tòa nhà 6 tầng ra cho thoáng mát. Có lẽ, vì vậy mà Việt Nam khống chế được dịch bệnh.
SARS cũng giống nhiều bệnh khác, nguy cơ nhiễm bệnh phụ thuộc vào thể trạng cũng như lượng virus người đó bị lây nhiễm. Nếu mở cửa rộng, virus từ đó sẽ giảm bớt được số lượng, nên không thể gây bệnh.
Tổng giám đốc WHO đánh giá về thành công của Việt Nam tại Hội đồng Y tế thế giới lần thứ 56 rằng: “Kinh nghiệm phòng chống SARS ở Việt Nam cho thấy rằng sự cam kết chính trị ngay lập tức ở cấp cao nhất đóng một vai trò quyết định. Việt Nam chứng minh cho thế giới là một nước đang phát triển khi bị dịch bệnh nguy hiểm tấn công, thông tin công khai, minh bạch với sự hỗ trợ đầy đủ từ các tổ chức y tế thế giới….”.
Sáng 25/4/2013, tại buổi mít-tinh kỷ niệm 10 năm Việt Nam phòng chống dịch SARS thành công, bà Nguyễn Thị Doan, khi ấy là Phó Chủ tịch nước cho rằng, việc Việt Nam thành công trong phòng chống dịch SARS là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của ngành y tế nước ta, khẳng định với bạn bè thế giới rằng Việt Nam là một nước luôn có trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế.
Việt Nam không ngần ngại chia sẻ những thông tin về tình hình dịch bệnh với các quốc gia khác và cũng nhờ đó, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Tổ chức Y tế Thế giới cùng bạn bè quốc tế…
Dịch SARS hành hoành ở Việt Nam suốt 45 ngày. Hơn một tháng đó, tổng cộng 65 người nhiễm bệnh, trong đó có tới 44 y bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp. 44 người, có người may mắn vượt qua được đại dịch, nhưng có người ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.
Câu chuyện về bác sĩ Phương hay y tá Lượng sẽ còn mãi. 17 năm trôi qua, bác sĩ Thu luôn cảm thấy bản thân may mắn khi sống đến ngày hôm nay. Và với chị Mến, cận kề cái chết chị mới thấy cuộc sống của mình đáng quý thế nào. Ở tuổi 62, chị vẫn đi làm và hàng ngày tự đến bệnh viện bằng xe đạp.