Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao sách giáo khoa tiếng Anh Đề án Ngoại ngữ quốc gia mất hút?

Mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia là ban hành chương trình và một bộ sách giáo khoa nhưng sau 14 năm vẫn không có gì.

Đề án dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (Đề án Ngoại ngữ Quốc gia) thực hiện được 14 năm, đến nay, Bộ GD&ĐT quyết định không xuất bản sách giáo khoa tiếng Anh của Đề án với lý do Quốc hội đã có Nghị quyết không yêu cầu Bộ GD&ĐT phải viết một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh từ lớp 1 đến lớp 12.

Kinh phí gần 10.000 tỷ đồng

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia được đầu tư kinh phí là gần 10.000 tỷ đồng. Đề án được phê duyệt năm 2008. Năm 2011, tại Hội thảo quốc tế về sách giáo khoa cho thế kỷ 21, ông Hoàng Văn Vân, tổng chủ biên sách giáo khoa tiếng Anh biên soạn làm tài liệu dạy học cho Đề án Ngoại ngữ Quốc gia cho biết, Đề án đã hoàn thành hai bộ sách giáo khoa tiếng Anh lớp 3 và 4. Năm 2014, Đề án đã xây dựng dự thảo bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh.

Khi dự thảo “Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau 2015” được công bố, dư luận nhận thấy không có tên môn ngoại ngữ. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT phụ trách biên soạn chương trình khi đó cho hay, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia cũng nằm trong đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau 2015. Khi thiết kế chương trình mới cũng phải dành thời lượng cho việc học ngoại ngữ theo đúng quy định của Đề án Ngoại ngữ.

Như vậy, môn ngoại ngữ được cho là đi trước một bước. Sau khi thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới thì sẽ không thay sách giáo khoa ngoại ngữ nữa mà chỉ điều chỉnh sách giáo khoa thí điểm đang thực hiện khi đó.

Năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định số 2080 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề Ngoại ngữ Quốc gia giai đoạn 2017 - 2025. Điểm mới của đề án so với giai đoạn 2008 - 2020 là mở rộng đối tượng được tiếp cận, học tập ngoại ngữ.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc ban hành chương trình và học liệu làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mầm non, chương trình môn ngoại ngữ tự chọn lớp 1 - 2 cũng được hoàn thành trong năm này.

Chờ câu trả lời

Năm 2019, sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới đi vào thực tế. Trong số 6 bản mẫu sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt trong đợt thẩm định đầu tiên, chỉ duy nhất bản của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tổng chủ biên là người Việt Nam.

Tuy nhiên, bản sách giáo khoa này lập tức nhận được sự chú ý khi có luồng dư luận cho rằng đây vốn là sách giáo khoa của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia. Vì Tổng chủ biên của cuốn sách giáo khoa tiếng Anh này là ông Hoàng Văn Vân, đồng thời cũng là tổng chủ biên sách giáo khoa tiếng Anh biên soạn làm tài liệu dạy học cho Đề án Ngoại ngữ Quốc gia.

Thậm chí tại Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức năm đó, ông Vân khẳng định mẫu sách giáo khoa tiếng Anh này là của Bộ GD&ĐT vì Bộ giao cho Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và đội ngũ tác giả 3 cấp học phổ thông thiết kế và biên soạn.

Nhưng ngay sau đó, Bộ GD&ĐT khẳng định Bộ không tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa mới như tinh thần NQ88/QH quy định, mà xã hội hóa hoàn toàn việc biên soạn sách giáo khoa và đã có 5 bộ sách giáo khoa được thẩm định đạt yêu cầu do các Nhà xuất bản chịu trách nhiệm xuất bản bằng nguồn xã hội hóa.

Bà Mai Thị Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, cũng khẳng định, Đề án chỉ viết sách giáo khoa từ lớp 3 đến lớp 12. Theo chương trình giáo dục 2018, lớp 1, lớp 2, tiếng Anh là môn tự chọn.

Đến nay, ngoài lớp 1, lớp 2, Bộ GD&ĐT đã thực hiện đổi sách giáo khoa đến các lớp 3, 6, 7, 10, nhưng sách giáo khoa tiếng Anh của Đề án vẫn không thấy đâu. Trong khi đó, giá sách giáo khoa mới cao gấp 2 - 3 lần so với sách theo chương trình cũ và giá sách tiếng Anh của bất cứ bộ sách nào cũng ở mức cao nhất so với các sách giáo khoa còn lại khiến người dân nặng gánh chi phí hằng năm.

Bộ GD&ĐT nói rằng, Nghị quyết 122/2020/QH14 của Quốc hội quy định: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó” nên Bộ GD&ĐT không triển khai thêm hoạt động liên quan đến sách giáo khoa. Hiện đã có ít nhất 3 bộ sách giáo khoa đầy đủ các môn.

Trước câu hỏi kinh phí của Đề án Ngoại ngữ đã chi để viết bộ tài liệu môn ngoại ngữ dạy thí điểm trong suốt thời gian qua đến nay không chỉnh sửa thành sách giáo khoa sẽ thế nào? Các tài liệu này sẽ được dùng vào mục đích gì hay “xếp ngăn bàn” thì Bộ GD&ĐT không trả lời.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới