Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh (HS) các lớp 3, 7, 10 sẽ học theo sách giáo khoa (SGK) mới, tùy theo lựa chọn của mỗi địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường học tại TP.HCM vẫn chưa đủ SGK theo nhu cầu phụ huynh. Trong khi đó, việc tìm mua SGK tại các địa chỉ khác cũng vô cùng khó khăn.
Đi khắp nơi tìm sách
Có con năm nay vào lớp 7, chị Lê Hạnh - một phụ huynh tại quận 4, TP.HCM - cho biết đến giờ, con chị vẫn chưa mua được SGK cho năm học mới. "Dù tôi đã đăng ký với nhà trường nhưng hiện vẫn chưa nghe nói khi nào có SGK. Sốt ruột muốn tìm hiểu sách mới thế nào, gia đình tôi đi khắp các nhà sách tìm mua cho con nhưng đều không có" - chị Hạnh lo ngại.
Mong ngóng SGK là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh. Anh Hoàng Nam - phụ huynh tại TP Thủ Đức, TP.HCM - cho hay ngay khi con anh vừa có trong danh sách trúng tuyển vào lớp 6, cả gia đình đều lo lắng tìm mua SGK. Tuy nhiên, SGK lớp 6 dù đã năm thứ 2 triển khai nhưng cũng rất khó khăn để tìm mua trọn bộ. "May mắn là trong khu chung cư, có hội phụ huynh trao đổi, tặng lại sách cũ nên gia đình tôi tranh thủ thời gian con nghỉ hè để giúp bé làm quen với sách" - anh Nam bày tỏ.
Tại TP HCM, các lớp 3, 7, 10 dựa theo những đầu SGK được UBND thành phố phê duyệt. Các cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào đó lựa chọn những đầu sách giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, từ thực tế có nhiều đầu sách cùng được phê duyệt của các NXB khác nhau, theo hiệu trưởng một trường tiểu học, cơ sở nào chọn càng nhiều bộ sách khác nhau thì việc cung cấp SGK cho phụ huynh càng khó khăn.
Bà Huỳnh Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM), thông tin dựa theo đăng ký của phụ huynh, nhà trường đã chuyển danh sách về cho đơn vị cung cấp SGK. "Dự kiến giữa tháng 8 sẽ có đủ sách cung cấp cho HS. Chúng tôi cũng tư vấn cho phụ huynh rằng dù sốt ruột nhưng nên tìm hiểu kỹ những địa chỉ cung cấp SGK uy tín, bảo đảm. Không nên mua SGK trôi nổi, không rõ nguồn gốc vì thực tế có nhiều sách na ná nhau, không phải ai cũng tìm hiểu kỹ càng" - bà Lan cho biết.
Có thể mua sách online
Lý giải về việc vì sao năm học nào SGK cũng trong tình trạng khan hiếm, hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1, TP.HCM cho rằng tâm lý phụ huynh thường muốn mua vài bộ sách cùng lúc để dự phòng. Dù đã đăng ký ở trường, nhiều người vẫn chưa an tâm mà muốn mua thêm.
"Năm học này, SGK lớp 10 khan hiếm còn có nguyên nhân phụ thuộc việc xây dựng tổ hợp môn học của từng trường, từng địa phương, số lượng HS đăng ký tổ hợp môn tự chọn ở các trường. Điều này khiến các NXB cũng dè dặt khi in ấn, phát hành SGK. Các nhà sách cũng không dám chủ quan nhập nhiều SGK vì lo tồn đọng" - vị này giải thích.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM, căn cứ quyết định của UBND thành phố về phê duyệt danh mục SGK và kết quả đề xuất lựa chọn của nhà trường, các đơn vị thông báo danh mục SGK sử dụng trong năm học 2022-2023. Các trường cũng mua sắm đầy đủ SGK theo danh mục phê duyệt của Bộ GD-ĐT cho thư viện; thống kê số lượng SGK cần thiết theo nhu cầu của HS để phối hợp với tất cả NXB, bảo đảm có đầy đủ và kịp thời SGK cho năm học mới.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM cho biết nếu cần mua SGK lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới, phụ huynh HS có thể đến 4 cửa hàng thuộc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học tại thành phố. "NXB Giáo dục Việt Nam bảo đảm cung ứng đủ SGK cho HS. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể mua sách online tại địa chỉ phuongnamretail.vn để bảo đảm nguồn sách chính thức, rõ ràng" - vị này khẳng định.
Triển khai chương trình mới: Không gây áp lực cho học sinh
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, chương trình mới (năm 2018) được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn và hoạt động giáo dục. Nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với HS.
Việc xây dựng các phương án và tổ chức triển khai chọn môn học tự chọn phải đáp ứng nhu cầu của HS, bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Trường hợp đặc biệt, HS có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo với sở.
Ngoài ra, các trường tăng cường kiểm tra nội bộ, đổi mới quản lý; giảm hồ sơ, sổ sách; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tạo môi trường làm việc sáng tạo cho giáo viên. Tiếp tục thực hiện đổi mới đánh giá HS, nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá theo hướng chuyển đổi mục tiêu dạy học "tiếp cận kiến thức" sang "tiếp cận hình thành năng lực".