Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao khó bỏ giá trần vé máy bay?

(VTC News) -

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra những lý do khiến đề xuất bỏ giá trần vé máy bay khó được thông qua.

Doanh nghiệp hàng không lại một lần nữa đề xuất thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó yêu cầu bỏ mức trần. Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nội địa với đường bay có 3 hãng trở lên khai thác. Tuy vậy, không ít chuyên gia lại nhận định, việc bỏ giá trần vé máy bay hiện nay chưa thể thực hiện ngay được, khi mà hàng không là lĩnh vực đặc thù, ít doanh nghiệp tham gia nên rất cần Nhà nước phải quản lý và định giá trần.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích, khi còn doanh nghiệp hàng không thống lĩnh thị trường thì không nên bỏ giá trần vé máy bay. Việc áp giá sàn hiện nay là một biện pháp để tránh trường hợp các hãng bay bắt tay nâng giá ở một số tuyến đường bay mà các doanh nghiệp này nắm thị phần chi phối.

"Việc áp dụng giá trần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường hàng không Việt Nam còn có hãng giữ vai trò thống lĩnh một số đường bay, nếu không có giá trần thì rất khó kiểm soát giá vé, nhất là trong những dịp cao điểm như lễ, Tết", ông Thịnh nói.

Hãng bay và một số chuyên gia đề xuất bỏ quy định về giá trần vé máy bay. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) thẳng thắn cho rằng đề xuất bỏ giá trần vé máy bay là chưa hợp lý, khó được thông qua vì vi phạm Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh.

"Thị trường hàng không Việt Nam hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh nên Nhà nước phải quy định giá trần để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Long nói.

Theo quy định pháp luật về cạnh tranh, nếu hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên, hoặc ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan thì được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Thị trường hàng không Việt Nam hiện có 6 hãng đang khai thác là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Tuy nhiên, Vasco và Pacific Airlines là thành viên của Vietnam Airlines, trong khi Vietravel mới gia nhập thị trường. Hiện ba hãng lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways chiếm khoảng 80% thị phần. Trong đó riêng đường bay Hà Nội - TP.HCM, Vietnam Airlines và Vietjet cũng đã chiếm trên 50% thị phần.

Trước câu hỏi việc giá trần thấp có hạn chế nâng cấp dịch vụ của doanh nghiệp, ông Long cho rằng khi Nhà nước định giá trần là đã tính toán hết các khả năng, dựa trên chi phí hợp lý của doanh nghiệp. Trường hợp nếu quy định giá trần thấp hơn giá thị trường, các hãng bay có quyền khiếu nại trên cơ sở tính toán theo chi phí sao cho đảm bảo chi phí và có lãi.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, nêu quan điểm, đề xuất bỏ trần giá vé máy bay là phù hợp thị trường cạnh tranh, tuy nhiên thực hiện phải có lộ trình, tránh biến động đột ngột, ảnh hưởng tới khách hàng.

“Tinh thần bỏ trần giá vé máy bay là hợp lý, nhưng nên làm từng bước. Các hãng sẽ cạnh tranh với nhau, ai giá rẻ, dịch vụ tốt thì người dân lựa chọn. Chỉ có cạnh tranh thực sự, hành khách mới được hưởng dịch vụ và giá cả hợp lý”, chuyên gia cho biết.

Về phía khách hàng, trên các diễn đàn về hàng không, nhiều hành khách bày tỏ lo ngại giá vé máy bay đắt hơn khi không có mức trần, nhất là vào dịp lễ, Tết. Anh Toán Phạm (42 tuổi, Hà Nội), một người thường xuyên bay Hà Nội – TP.HCM cho rằng việc bỏ giá trần có thể khiến giá vé tăng mạnh.

“Khi không còn khung giá, tức là giá vé sẽ do hãng hàng không tự quyết. Như vậy vào các dịp cao điểm Tết hoặc mua sát ngày bay ở những chặng như chặng Hà Nội – TP.HCM chắc chắn giá vé sẽ tăng cao gấp nhiều lần bây giờ”, anh Toán Phạm nói.

Tương tự, chị Hiền Hoàng (40 tuổi, Thái Bình) cho biết mấy năm nay gia đình chị hay về quê ăn Tết. Bỏ giá trần tôi lo giá vé sẽ tăng gấp nhiều lần. Với người lao động làm công ăn lương sẽ khó có cơ hội được về quê ăn Tết bằng đường hàng không.

Tại tọa đàm về khơi thông cơ chế, tiếp sức cho hàng không chiều 24/2, các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air cho rằng cần thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó, tăng và tiến tới bỏ mức trần để hỗ trợ cho doanh nghiệp ở giai đoạn khó khăn.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, việc duy trì giá trần vé máy bay ở Việt Nam “vô lý khủng khiếp". Do đó cần bỏ càng sớm càng tốt. Vẫn theo ông Nam, trên thế giới hiện nay không có nước nào quản lý giá vé máy bay bằng giá trần. Ngay như Thái Lan, Indonesia cũng không quản lý giá trần vé máy bay mà cạnh tranh tự do hoàn toàn và do thị trường quyết định.

Việc quy định giá trần sẽ làm mất đi cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không trong các giai đoạn cao điểm hè và Tết. Do vậy, nếu bỏ giá trần đi thì các hãng hàng không có cơ hội cải thiện doanh thu, lợi nhuận một cách hợp lý trong giai đoạn đó.

Hòa Bình

Tin mới