Ngày 21/7, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi làm việc với đại diện các trường đại học trong nước và quốc tế, bàn về những giải pháp nhằm thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện cả nước có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo, chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý.
Tuy nhiên, sau khi kiểm định chất lượng các chương trình liên kết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho dừng lại gần 200 chương trình liên kết. Yêu cầu đặt ra tới đây là các trường mở chương trình nào phải tốt chương trình đó, vì xã hội yêu cầu ngày càng cao, các trường đại học phải chú ý chất lượng thật”.
Cùng với đó, do đại dịch COVID-19, hoạt động các trường đại học ở nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều trường buộc phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ đến du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Trong khi đó, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, điều này tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học trong nước mở cửa đón nhận sinh viên.
"Đây là dịp tốt cho các cơ sở đào tạo đại học tiếp nhận sinh viên Việt Nam đang du học tại nước ngoài về trong nước tiếp tục học tập. Đồng thời là cơ hội để tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
Các trường cần xác định mục tiêu dài hạn là nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc đẩy mạnh cung cấp các chương trình đào tạo và môi trường học tập quốc tế để các học sinh Việt Nam có thể du học tại chỗ”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị các trường phải tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để các em được học tập trong điều kiện và chương trình tốt nhất - đây còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam.
Các trường tiếp tục củng cố đã có và mở rộng những chương trình chưa có. Đặc biệt ở những nơi du học sinh Việt Nam còn đang lúng túng khó khăn thì các em sẽ yên tâm khi về nước được học chương trình tương tự như đang học tại các nước.
Đây không chỉ là giải pháp về học thuật, kinh tế, mà còn đặc biệt nhân văn trong giai đoạn hiện nay và cũng là chính sách đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT, cho biết hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo chất lượng (đã được kiểm định quốc tế) đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác.
Tính đến ngày 20/7/2020, cả nước có tổng số 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, ở bậc đại học có 195 chương trình, thạc sĩ có 150 chương trình và tiến sĩ có 7 chương trình.
Các trường đại học liên kết với Pháp có 91 chương trình; Vương quốc Anh có 71 chương trình; Hoa Kỳ có 38 chương trình; Australia có 27 chương trình; Đức có 20 chương trình; Đài Loan có 19 chương trình; Trung Quốc có 10 chương trình; Hàn Quốc có 8 chương trình ...