Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch UBND đầu tiên của Hà Nội là ai?

(VTC News) -

Vị bác sĩ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Thị trưởng thành phố, sau đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính (nay là UBND) Hà Nội từ năm 1954 đến 1977 rồi nghỉ hưu.

1. Vị bác sĩ nào là Chủ tịch UBND đầu tiên của Hà Nội?


  • A

    Trần Duy Hưng

    Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ, bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912. Thông minh lại cần cù học tập, năm 30 tuổi, ông trở thành bác sĩ rồi cùng em gái mở bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm để chữa bệnh cứu người.
    Thời kỳ kháng chiến, bác sĩ Trần Duy Hưng tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động xã hội. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông làm Thị trưởng thành phố Hà Nội.
    Bất ngờ trước trọng trách lớn lao đó, bác sĩ Trần Duy Hưng bày tỏ: "Thưa Cụ, chức Chủ tịch xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm". Nghe vậy, Bác Hồ động viên: "Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen”. Bác sĩ Hưng làm Thị trưởng Hà Nội từ ngày 30/8/1945 đến 19/12/1946. 
    Đến năm 1954, ông đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10/1954, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, dẫn đầu đoàn quân tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban hành chính Thủ đô Hà Nội (nay là UBND TP).

  • B

    Phạm Hùng

  • C

    Nhữ Thế Bảo

  • D

    Nguyễn Hữu Thuyết

2. Ông có phải là vị Chủ tịch Hà Nội lâu nhất không?

  • A

    Sai

  • B

    Đúng

    Sau ngày 10/10/1954, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch thành phố và được tín nhiệm giữ cương vị này cho đến tháng 6/1977. 
    Ông là người đi đầu trong mọi phong trào, dẫn dắt thành phố đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc. Mọi hoạt động công thương nghiệp, chăn nuôi và ngay cả rau xanh luôn đi đầu cả nước. Hà Nội cũng là nơi đầu tiên có mô hình nhà lắp ghép rồi từ đó nhân ra các tỉnh.
    Ông cũng là người tận dụng triệt để hàng ngũ trí thức tư sản như Nghiêm Tử Trình, Trịnh Văn Bô trong công cuộc phát triển thành phố. Ông cũng là người dám đột phá với những chủ trương không dễ dàng vào thời đó.
    Điển hình như, Trần Duy Hưng chủ trương bán nhà phân phối cho cán bộ để thành phố vừa có tiền mà cán bộ có nhà của mình để tự họ sửa chữa cho to đẹp hơn. Khi hàng hóa khan hiếm trong chiến tranh chống Mỹ, ông để cho tư nhân sản xuất thủ công một số mặt hàng thiết yếu trở lại.
    Suốt trong thời gian ông làm chủ tịch, quy hoạch xây dựng tổng thể thành phố luôn được tôn trọng. Ông ôm ấp ý tưởng biến sông Hồng trở thành một thực thể của Hà Nội.
    Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét về ông: "Một con người của nhân dân Việt Nam, vì nhân dân Việt Nam; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo".

3. Bác sĩ Trần Duy Hưng quê ở đâu?

  • A

    Hoà Bình

  • B

    Hà Nội

    Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh tại phố Hàng Bông – Thợ Nhuộm. Quê ông ở làng Hòe Thị, xã Xuân Phương, nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ông học Đại học Y Đông Dương (tiền thân trường Đại học Y Hà Nội) cùng với bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Hữu Thuyết, Huỳnh Kham, Nhữ Thế Bảo, Ngô Trâm, Lê Đức Mạnh.
    Ông mất ngày 2/10/1988 tại Hà Nội, thọ 76 tuổi và an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.

  • C

    Hải Phòng

  • D

    Hưng Yên

4. Bác sĩ Trần Duy Hưng từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đúng hay sai?

  • A

    Đúng

    Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sĩ Hưng cùng gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi làm Thứ trưởng Bộ Y tế (tháng 4 năm 1947 - 1954).
    Trong thời gian ở ATK, nhất là thời gian đầu kháng chiến chống Pháp, ngoài công tác ở Bộ Nội vụ, ông là người được đích thân ông Nguyễn Lương Bằng giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

  • B

    Sai

5. Bác sĩ Hưng hay chơi nhạc cụ gì?

  • A

    Guitar

  • B

    Piano

  • C

    Violon

    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với cây đàn violon, ông cùng những người bạn đến chợ Canh (nay là chợ Hoè Thị) biểu diễn các bài hát thể hiện lòng yêu nước. Ông hay chơi các bản như Thiên Thai hoặc Dòng Danube xanh. 
    Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào yêu nước do Mặt trận Dân chủ và sau đó là Mặt trận Việt Minh phát động. Tốt nghiệp trường y, trở thành bác sĩ, ông cùng em gái mở một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm.
    Tại cơ sở chữa bệnh của mình, ông đã cứu giúp và chở che nhiều cán bộ Việt Minh giữa vòng vây bố ráp của kẻ thù. Lòng yêu nước của ông ngày càng sâu sắc rồi biến thành hành động khi ông tự nguyện để cơ sở khám chữa bệnh của mình làm cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

  • D

    Sáo

6. Đường Trần Duy Hưng thuộc quận nào của Hà Nội?

  • A

    Đống Đa

  • B

    Thanh Xuân

  • C

    Nam Từ Liêm

  • D

    Cầu Giấy

    Bác sĩ Trần Duy Hưng qua đời đầu mùa thu năm 1988. Tháng 1/1999, Hà Nội có một con đường mới mang tên ông khi thành phố mở rộng đoạn từ ngã tư Nguyễn Chí Thanh -  Láng nối đến ngã tư giao Phạm Văn Đồng - Khuất Duy Tiến để vào đại lộ Thăng Long.
    Đường Trần Duy Hưng dài khoảng 1,6km, rộng khoảng 50m, đường hai chiều, mỗi chiều có ít nhất 3 làn xe chạy. Đường Trần Duy Hưng là cửa ngõ để từ các đường vành đai đi sâu vào nội đô.

NHƯ LOAN

Tin mới