Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vẫn còn nhiều đại học dành hơn một nửa chỉ tiêu xét học bạ THPT 2025

(VTC News) -

Mùa tuyển sinh 2025, trong khi nhiều trường đại học tiến tới bỏ xét tuyển học bạ, số khác vẫn dự kiến dành 60-65% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức này.

Tại trường Đại học Gia Định, TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông cho biết, năm nay nhà trường dự kiến dành 65% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển học bạ.

Căn cứ theo quy chế tuyển sinh dự thảo, trường Đại học Gia Định sẽ sử dụng kết quả học tập của các học kỳ trong hai năm lớp 11 và 12 để xét tuyển. Đồng thời, trường cũng sẽ áp dụng các tổ hợp mới, bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng học tập của thí sinh.

Ngoài ra, trường xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. HCM 2025.

Năm 2025, trường Đại học Cửu Long tuyển sinh theo 3 phương thức gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT, xét kết quả học tập từ bậc trung cấp trở lên.

Trong đó, phương thức xét học bạ chiếm 60% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Ở phương thức này, trường sử dụng điểm trung bình cả năm lớp 12 của tổ hợp 3 môn để xét tuyển theo quy định trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Như vậy, so với năm 2024, phương thức học bạ năm 2025 của nhà trường không còn sử dụng điểm trung bình của tất cả các môn ở học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12; điểm trung bình tổ hợp 3 môn của học kỳ 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 và điểm trung bình cả năm lớp 12 của tất cả các môn.

Vẫn còn nhiều đại học dành hơn một nửa chỉ tiêu xét học bạ THPT 2025. (Ảnh minh hoạ)

Trường Đại học Yersin Đà Lạt năm 2025 dự kiến tuyển 1.756 chỉ tiêu cho 17 ngành với 3 phương thức xét tuyển, gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT (55 - 60% tổng chỉ tiêu); xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM (5 - 10%); xét học bạ (35 - 40%).

Với phương thức xét học bạ, nhà trường dự kiến sử dụng tổng điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn hoặc điểm xét tốt nghiệp của thí sinh. Các tổ hợp môn sẽ dựa trên các môn Toán, Văn, tiếng Anh, đồng thời bổ sung thêm các tổ hợp môn có môn Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật để xét tuyển cho các khối ngành phù hợp.

Trong khi đó, trường Đại học Công Thương TP.HCM dự kiến dành tối đa 20% chỉ tiêu để xét điểm học bạ trong mùa tuyển sinh năm 2025, giảm 10% so với năm 2024.

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học tiếp tục sử dụng phương thức xét học bạ THPT để tuyển sinh nhưng chưa công bố chỉ tiêu cụ thể như: trường Đại học Lâm nghiệp, trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn...

Năm 2025, nhiều trường đại học lớn đồng loạt thông báo bỏ phương án xét tuyển bằng học bạ.

Trường Đại học Sư phạm TP.HCM thông báo không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025. Những năm trước, điểm học bạ THPT được trường này sử dụng để xét tuyển độc lập vào trường (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu).

Đại học Quốc gia TP.HCM xác định giảm còn 3 phương thức tuyển sinh đại học từ năm 2025. Với quyết định này, các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tiến tới bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển học bạ của học sinh tại hơn 100 trường THPT trên toàn quốc (theo danh sách cập nhật hàng năm) nhằm đảm bảo công bằng và giúp thí sinh đỡ bị rối.

Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Lý do nhà trường đưa ra là bởi qua nhiều năm, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.

Trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Luật TP.HCM cũng không xét tuyển bằng học bạ bởi lo ngại thiếu công bằng cho các thì sinh (vì quy chuẩn thi và tính điểm ở mỗi trường THPT là khác nhau). 

Kim Nhung

Tin mới