Thảm kịch COVID-19 của Ấn Độ
Từng cam kết sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực chống COVID-19 trên toàn cầu, lời hứa của Adar Poonawalla - CEO Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - đã tan thành mây khói. Ấn Độ - quốc gia bị nhấn chìm trong làn sóng COVID-19 thứ hai đang phải tạm ngừng xuất khẩu vaccine. Quyết định này khiến nhiều nước và các nhóm viện trợ phải chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm những liều vaccine khan hiếm ở những nơi khác.
Tại quê nhà, các chính trị và công chúng chỉ trích gay gắt Poonawalla và công ty của ông vì tăng giá vaccine giữa đại dịch. SII không thể gia tăng năng lực sản xuất ở thời điểm Ấn Độ cần vaccine như cần vàng.
Adar Poonawalla (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Twitter)
Trước khi đại dịch bùng phát hồi cuối tháng 3/2021, Ấn Độ bán hơn 54 triệu liều vaccine ra nước ngoài và hào phóng tặng hơn 10 triệu liều cho các nước đối tác. Là nhà cung cấp chính cho chương trình công bằng vaccine cho toàn thế giới – COVAX, Ấn Độ chính là niềm hy vọng của hầu hết quốc gia nghèo đói ở châu Phi.
Một tháng sau, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ đứng thứ hai sau Mỹ có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Số ca tử vong mỗi ngày tăng không ngừng, vượt ngưỡng 4.000 người hồi đầu tháng 5. Con số tử vong cũng đã vượt qua mốc 250.000 người.
Biến chủng ở Ấn Độ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo là nguy hiểm và có mức ảnh hưởng lên toàn cầu. Nhiều nước ở châu Á xuất hiện biến chủng B.1.617 của quốc gia Nam Á. Tại đó cũng hình thành các đợt sóng mới của đại dịch, làm thụt lùi quá trình chống lại loại virus nguy hiểm nhất trong lịch sử y tế thế giới.
Ấn Độ đã yêu cầu SII phải cung cấp toàn bộ số vaccine họ sản xuất được cho người dân trong nước. Đồng thời, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi cũng phải ngừng chính sách ngoại giao vaccine – vốn là chiến lược đã khiến quốc gia này tự hào trong suốt 3 tháng đầu năm 2021.
Cơn sóng thần COVID-19 ở Ấn Độ không những khiến chính họ gặp thảm hoạ mà còn làm trì hoãn chiến dịch tiêm chủng vaccine ở hơn 60 quốc gia khác, chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Phi.
Một cảnh sát bảo người dân quay về bên ngoài trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ. Nơi này phải đóng cửa (thông báo ghi ngày 3/5) vì nguồn vaccine quá thấp. (Ảnh: Reuters)
Kẻ 'bơi' trong vaccine, người đỏ mắt chờ mũi tiêm đầu
Từ vị thế công xưởng vaccine, Ấn Độ phải cầu cứu Mỹ cung cấp 60 triệu liều vaccine AstraZeneca dư thừa của Mỹ. Nhà Trắng sau đó tuyên bố sẽ chuyển quyền đặt hàng 20 triệu liều vaccine AstraZeneca cho quốc gia Nam Á.
Theo báo cáo công bố hồi tháng 2, tổ chức phi lợi nhuận ONE Campaign cho biết, các quốc gia giàu có đang tích trữ số vaccine ngừa COVID-19 nhiều hơn 1 tỷ liều so với nhu cầu thực tế.
Nghiên cứu của Đại học Duke chỉ ra rằng nhóm quốc gia có thu nhập cao chiếm 16% dân số thế giới hiện ôm trọn hơn 50% nguồn cung vaccine ngắn hạn. Các chuyên gia ước tính 80% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp sẽ không được tiêm chủng cho tới cuối năm 2021.
Canada từng bị chỉ trích kịch liệt khi là thành viên duy nhất của nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới - G7 nhận vaccine chống COVID-19 từ sáng kiến phân phối vaccine cho các nước nghèo. Canada hiện mua đủ vaccine để tiêm cho năm lần dân số.
Cuối tháng 3, Liên minh châu Âu gây xôn xao với cảnh báo cấm xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 với lượng nhất định để đảm bảo nguồn cung vaccine cho khối này. Trước đó, EU cũng gây tranh cãi khi tán thành quyết định của quốc gia thành viên Italia về việc chặn xuất khẩu lô vaccine COVID-19 AstraZeneca sang Australia.
Ở Anh, hơn 50 triệu dân được tiêm vaccine, trong đó có 15,5 triệu người được tiêm đủ hai liều. Anh đặt mua trước 30 triệu liều vaccine của J&J. Nhưng kể cả khi hợp đồng này trục trặc hoặc J&J không được cấp phép, xứ sương mù vẫn có đủ 157 triệu liều vaccine để tiêm cho toàn bộ hơn 66 triệu dân.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Ursula von der Leyen hồi tháng 3 nói về việc cần thiết phải đẩy mạnh quá trình tiêm chủng của EU và "mỗi ngày đều quý giá". (Ảnh: Zuma Press)
Có một bức tranh hoàn toàn khác ở châu Phi.
Tại Haiti, quốc gia nghèo với hơn 11 triệu dân ở Tây bán cầu, người dân chưa hề được tiếp cận một loại vaccine COVID-19 nào. Haiti dự kiến sẽ nhận được 756.000 liều vaccine AstraZeneca thông qua COVAX, nhưng các quan chức chính phủ cho biết họ không có cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo quản và lo sợ phải vứt bỏ số vaccine quý giá này.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới gần 10 quốc gia, hầu hết nằm ở châu Phi, vẫn đang chờ đợi những mũi vaccine đầu tiên. Một số nước “xếp cuối hàng” cùng Chad là Burkina Faso, Burundi, Eritrea và Tanzania.
Dù số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở những khu vực này tương đối thấp, các quan chức y tế thế giới cảnh báo rằng số liệu thực có thể cao hơn do các quốc gia ở châu Phi đang chờ đợi vaccine đều có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu, khả năng xét nghiệm thấp.
“Sự chậm trễ và thiếu hụt nguồn vaccine đang khiến các quốc gia châu Phi tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19, chỉ có 1% số vaccine trên toàn thế giới đã được chuyển đến châu lục này”, WHO cảnh báo.
Sự đối lập giữa các quốc gia giàu có phương Tây và các nước nghèo đói châu Phi phản ánh phần nào câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc vaccine. Chủ nghĩa này đang cản trở nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu tiêm phòng cho hơn 60% dân số thế giới để đạt miễn dịch cộng đồng.
Tỷ lệ người dân tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 trên thế giới (có thể chưa bao gồm đầy đủ những người đã tiêm hai liều), tính đến 12/5, màu xám là những nơi chưa có dữ liệu. Nguồn: Our World in Data.
Bất cập từ cơ chế COVAX
Để tránh tình trạng tích trữ vaccine, các tổ chức y tế toàn cầu khuyến khích các nước mua vaccine thông qua sáng kiến COVAX - liên minh toàn cầu được thành lập để chia sẻ liều lượng vaccine với các nước nghèo hơn.
Nhưng trong số gần 190 quốc gia tham gia COVAX, có khoảng 30 quốc gia có thu nhập cao đã đàm phán các thỏa thuận trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine để bảo đảm liều lượng vaccine cho công dân nước mình. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang phát triển vẫn phải chờ "dài cổ” và không biết khi nào vaccine mới được phân phối tới nước mình.
"Đây là thảm họa đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình", Lawrence Gostin - Giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết.
COVAX hiện mới phân phối được 43 triệu trong mục tiêu hai tỷ liều vào năm nay.
Lô vaccine COVID-19 do COVAX Facility phân phối được chuyển đến Ghana. (Ảnh: AP)
“Hệ thống COVAX đã thất bại. Một nhóm nhỏ các quốc gia có tất cả các loại vaccine và một lượng lớn các nước không có bất kỳ quyền tiếp cận nào", Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei nói.
Ông Giammattei cho rằng COVAX đã thất bại trong việc phân phối vaccine tới lục địa đen và Mỹ Latinh. Theo nhà lãnh đạo Guatemala, nước ông đặt mua ba triệu liều AstraZeneca qua COVAX, nhưng tới nay mới chỉ nhận được 81.000 liều. Con số ít ỏi này buộc Guatemala tìm tới vaccine của Nga và Ấn Độ.
Một số quốc gia châu Phi khác lên án "chế độ phân biệt chủng tộc về vaccine".
"Chúng tôi - một quốc gia nhỏ đã trả tiền đặt cọc nhưng vẫn chưa nhận được loại vaccine nào", Tổng thống Namibia Hage Geingob nói hồi tháng 4.
Tính tới giữa tháng 4, mới chỉ có 128 người trong tổng số 2,5 triệu dân Namibia được tiêm đủ hai liều vaccine.
Những ngày này, một số bang Mỹ phải đình chỉ tiêm các điểm tiêm chủng vì quá ít người lui tới. Sau cơn sốt vaccine ban đầu, nhiều người Mỹ bắt đầu kén cá chọn canh, ngại tiêm vaccine, hủy lịch hẹn đặt trước.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ở Ghana. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó ở Honduras, Victor Guevara - một luật sư 72 tuổi vẫn đang đỏ mắt chờ đợi liều vaccine đầu tiên.
"Chúng tôi đang sống trong tình trạng không có khả năng tự vệ ở mọi cấp độ", Guevara nói, thắc mắc vì sao Mỹ không chia sẻ nhiều hơn khi nguồn cung ở nước này đã vượt quá cầu.
"Chúng tôi không nhận được bất cứ liều vaccine nào từ Mỹ. Không một liều nào", ông Timothy Harris - Thủ tướng St. Kitts và Nevis tỏ ra thất vọng với việc Mỹ ngại chia sẻ vaccine.
Đáp lại lời kêu gọi, Mỹ và nhiều nước vẫn đang cam kết sẽ đảm bảo công bằng vaccine. Nhưng nhiều người lo ngại rằng đây mãi vẫn sẽ là khẩu hiệu và "chủ nghĩa dân tộc vaccine" sẽ khó biến mất nếu dịch bệnh vẫn hoành hành.
Chỉ tập trung ở Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc
Cuộc chạy đua tiêm chủng chống lại đại dịch COVID-19 kéo theo cuộc chạy đua điều chế và sản xuất vaccine đang diễn ra trên toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất, phân phối, đầu tư cùng tham gia vào mạng lưới cung ứng và hậu cần phức tạp để đảm bảo đưa hàng tỷ liều vaccine đến người dân trong thời gian sớm nhất.
Dây chuyền sản xuất vaccine COVID-19 cho COVAX ở Pune, một thành phố nằm ở bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, ngày 24/2. (Ảnh: Dhiraj Singh/UNICEF)
Vaccine Moderna do công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ sản xuất được phê duyệt để sử dụng công khai ở Mỹ vào tháng 12/2020, và quá trình phê duyệt ở các nơi khác diễn ra sau đó.
Moderna cho biết họ sản xuất "phần lớn" vaccine của mình ở Cambridge, Massachusetts, nơi đặt trụ sở công ty. Họ có kế hoạch sản xuất tối thiểu 600 triệu liều trong năm nay, với mục tiêu sản xuất lên đến 1 tỷ liều vào cuối năm.
Vaccine Oxford-AstraZeneca do nhà sản xuất thuốc Thụy Điển-Anh hợp tác với Đại học Oxford, Anh phát triển đã được chấp thuận sử dụng ở Anh, Ấn Độ, Argentina. WHO cũng đã chấp thuận sử dụng vaccine này trong trường hợp khẩn cấp. Họ dự kiến sẽ sản xuất khoảng 3 tỷ liều vào năm 2021.
Để sản xuất vaccine toàn cầu đòi hỏi phải thiết lập "chuỗi cung ứng khu vực bao gồm hơn 20 đối tác cung ứng tại hơn 15 quốc gia", Phó Chủ tịch Cấp cao về Hoạt động Sinh học Toàn cầu của AstraZeneca, Per Alfredsson cho biết.
Nguồn cung cấp vaccine này ở châu Âu ban đầu đến từ Đức và Bỉ. Ngoài ra, vaccine cũng được Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới sản xuất. Nhiều cơ sở sản xuất vaccine khác trên thế giới cũng đã và đang hợp tác sản xuất loại vaccine này.
Vaccine COVID-19 đầu tiên được phép sử dụng ở EU - BioNTech-Pfizer, do công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức và tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ phát triển - đã được chấp thuận sử dụng ở Mỹ, Anh, Ả Rập Xê-út cũng như ít nhất 19 quốc gia khác.
Vaccine này đang được sản xuất tại các cơ sở BioNtech và Pfizer ở Đức và Bỉ cũng như ở một số nước khác, theo tuyên bố của Pfizer.
Cùng nhau, Pfizer và BioNtech sẽ sản xuất 1,3 tỷ liều để sử dụng toàn cầu vào năm 2021.
Được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Gamaleya và Bộ Y tế Liên bang Nga, việc sản xuất vaccine Sputnik-V của Nga do Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tài trợ. Theo RDIF, việc này sẽ được thực hiện bởi các công ty đối tác của họ ở Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Vaccine Sinopharm của Trung Quốc được phát triển và sản xuất trong nước, dự kiến mở rộng quy mô sản xuất lên 3 tỷ liều mỗi năm từ tháng 3 năm nay. Các nhà máy và cơ sở sản xuất được đặt ở khắp các thành phố ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Vũ Hán, Trường Xuân, Thượng Hải, Lan Châu và Thành Đô. Một công ty ở UAE cũng đã thông báo thỏa thuận sản xuất vaccine Trung Quốc hồi tháng 3.
CoronaVac, một vaccine khác phát triển tại Trung Quốc của công ty Sinovac, chủ yếu được sản xuất trong nước. Công ty mới đây công bố hoàn thành dây chuyền sản xuất thứ ba giúp nâng cao năng suất lên 2 tỷ liều mỗi năm vào tháng 6.
Khoảng trống trên bản đồ vaccine
Nhu cầu vaccine quá lớn, khiến cho số nhà sản xuất vaccine ít ỏi trên thế giới bị hụt hơi.
Một số loại vaccine và cơ sở sản xuất hoặc thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. (Nguồn: Investment Monitor)
“Cung cấp vaccine cho một quốc gia, họ sẽ chỉ đủ vaccine cho một ngày. Dạy họ cách sản xuất vaccine và họ sẽ đủ vaccine cả đời”, đó là những gì ông Peter Singer, cố vấn đặc biệt cho Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, viết trên Twitter.
Ông Singer là một trong nhiều nhân vật cấp cao về y tế kêu gọi “thay đổi hệ thống” về sản xuất vaccine, cụ thể hơn, là làm thế nào để việc sản xuất vaccine được lan tỏa rộng rãi và thực hiện tốt hơn ở khắp nơi trên thế giới. Ông cho rằng việc các quốc gia và khu vực ngày càng tự chủ trong vấn đề này sẽ giúp cộng đồng chiến đấu tốt hơn với các dịch bệnh trong tương lai.
Sự mất cân bằng đáng kể, trong thực tế, có tồn tại. Có thể nhìn thấy trên bản đồ rằng việc sản xuất vaccine COVID-19 tập trung cao ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ - với 90% số liều sẽ được sản xuất tại đây. Những nơi còn lại trên thế giới, đặc biệt là phần lớn châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh, ít góp mặt hơn trong bức tranh. Châu Phi và Tây Á đặc biệt không thấy xuất hiện mấy trong quá trình này, cũng giống như sự vắng mặt của họ ở nhiều lĩnh vực đầu tư khác của thế giới.
Tuy nhiên, chính COVID-19 cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, và từ đó "toàn cầu hóa" sản xuất vaccine. Theo bản đồ của Investment Monitor, một số lượng lớn các nhà phát triển vaccine - cụ thể là các nhà phát triển của "phương Tây" - đang sản xuất sản phẩm của họ ở nước ngoài.