Nhân trần là vị thuốc được nhân dân ta ưa dùng để giải nhiệt vào mùa nắng nóng. Vậy uống nước nhân trần có tốt không?
Uống nước nhân trần có tốt không?
Trong Y học cổ truyền, cây nhân trần còn có tên gọi là hoắc hương núi, họ hoa Mõm chó. Thân cây nhỏ, màu tím, có lông trắng mịn.
Nhân trần vị hơi đắng, tính hơi hàn, công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lợi mật, được dùng để chữa các chứng hoàng đản, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp.
Theo sách thuốc cổ, nhân trần vị hơi đắng, tính hơi hàn; vào được bốn đường kinh tỳ, vị, can và đởm; có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật thoái hoàng được dùng để chữa các chứng hoàng đản, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp. Ví như để trị hoàng đản kinh nghiệm dân gian dùng nhân trần 15g sắc uống; để chữa viêm da lở loét dùng nhân trần với lượng thích hợp sắc đặc lấy nước ngâm rửa tổn thương; để trị chứng da viêm nề và ngứa nhiều dùng nhân trần 30g, lá sen 15g, hai thứ sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3g với nước đun sôi để nguội có pha một chút mật ong...
Uống nước nhân trần có tốt không là băn khoăn của nhiều người.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, nhân trần tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật; bảo vệ tế bào gan và phòng chống tích cực tình trạng gan nhiễm mỡ; làm hạ huyết áp, điều chỉnh rối loạn lipid máu, cải thiện lưu lượng tuần hoàn nuôi tim và não.
Trên lâm sàng hiện đại, người ta đã nghiên cứu và sử dụng nhân trần để điều trị một số chứng bệnh như viêm gan truyền nhiễm cấp tính thể vàng da, vàng da tan huyết do trực khuẩn thương hàn ở trẻ sơ sinh, giun chui ống mật, hội chứng rối loạn lipid máu, thiểu năng mạch vành tim, eczema dai dẳng ở trẻ em, viêm loét miệng, nấm da...
Nói là “trà” nhưng thực chất là dùng nhân trần đơn thuần hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác hãm trong nước sôi theo kiểu pha trà để uống nhằm mục đích phòng và chữa bệnh.
Những điều cần lưu ý khi uống nhân trần
Nhân trần tuy tốt cho sức khỏe nhưng bạn cần lưu ý những điều dưới đây để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không nên pha chung nhân trần với cam thảo
Nhân trần vốn có tính hàn, vị cay đắng tác dụng đào thải. Còn cam thảo bổ khí, thanh nhiệt, giải độc, chủ trị các chứng tỳ vị hư nhược, ho suyễn, hầu họng sưng đau, giải độc thuốc, thức ăn, chống suy nhược.
Mặc dù cả hai thứ đều có những công dụng tốt nhưng nếu phối hợp lại với nhau thì thành không tốt, bởi cam thảo có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải. Vì vậy, thói quen uống nhân trần cho thêm cam thảo, sẽ tiềm ẩn nguy hại bởi tương tác thuốc, nhất là tăng huyết áp.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai, nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì tuyệt đối không dùng nước nhân trần, cam thảo bởi uống nhiều sẽ làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể, dẫn đến người mẹ bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.
Không nên uống nhân trần hàng ngày
Theo nguyên tắc điều trị, khi mật không tiết ra (mật viêm, tắc mật…) thì mới cần lợi mật, khi gan có vấn đề thì mới phải nhuận gan. Nếu không có bệnh lại uống hàng ngày nghĩa là bắt gan, mật không có nhu cầu tiết cũng phải tiết, dẫn tới phải làm việc nhiều hơn nên dễ tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh.
Nhân trần lợi tiểu nên dẫn đến thải nhiều, nếu lượng nước cùng các chất dinh dưỡng bị đào thải thường xuyên, sẽ dẫn đến mất nước nghiêm trọng gây thiếu nước cho cơ thể, làm mệt mỏi thiếu tập trung.
Trên đây là những thông tin giải đáp về câu hỏi "Uống nước nhân trần có tốt không?". Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn.