Phản ứng trước lời thừa nhận của Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar rằng Kiev đã thực hiện cuộc tấn công vào cầu Crimea vào mùa thu năm 2022, Bộ Ngoại giao Nga nói Ukraine là "chế độ khủng bố".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cho biết: “Giờ đây, Kiev đang bắt tay vào kế hoạch gây thiệt hại có hệ thống cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia".
Lửa cháy ngùn ngụt trên cầu Crimea vào ngày 8/10/2022. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh mối đe dọa lớn về một cuộc phá hoại tại nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia từ Ukraine trong bối cảnh lực lượng nước này tiến hành phản công.
Chính quyền Ukraine không chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công cây cầu dài 19 km - dài nhất châu Âu nối bán đảo Crimea và vùng Krasnodar của Nga. Tuy nhiên, mới đây, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết Kiev đã thực hiện cuộc tấn công cầu Crimean vào năm ngoái.
“273 ngày kể từ khi chúng tôi giáng đòn đầu tiên vào cầu Crimea để làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Nga”, bà Maliar đăng tải trên Telegram ngày 8/7.
Tháng 10 năm ngoái, vụ nổ lớn xảy ra trên cầu Crimea khiến hai nhịp cầu bị sập xuống biển. Lửa từ vụ nổ lan sang đoàn tàu chạy ở làn đường sắt bên cạnh gây ra đám cháy lớn. Ít nhất ba người thiệt mạng trong vụ nổ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ nổ cầu Crimea là cuộc tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự của Nga. Một tuần sau vụ tấn công, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố Tổng cục Tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau vụ nổ.
Sau vụ tấn công, nhà chức trách Nga đã công bố loạt biện pháp khắc phục thiệt hại và đảm bảo ổn định giao thông giữa Crimea và Vùng lãnh thổ Krasnodar. Ông Putin ký sắc lệnh tăng cường an ninh cho giao thông đi qua eo biển Kerch, cũng như cơ sở hạ tầng điện và năng lượng trong khu vực.