Đây không phải lần đầu Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với những vị trí này. Tuy nhiên, Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa ban hành có nhiều điểm mới.
Với quy định này, việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ có ý nghĩa tham khảo, góp phần vào đánh giá cán bộ mà được sử dụng trực tiếp vào công tác đánh giá, bố trí, điều động và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Đây cũng là cơ sở kiểm điểm giữa nhiệm kỳ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Ở khóa XI và XII, Ban Chấp hành Trung ương thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Theo dõi việc lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nhiệm kỳ trước, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm ở 2 khóa vừa qua là tốt, phản ánh khách quan, chính xác. Đến nay, Bộ Chính trị vẫn lấy theo 3 mức là "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp".
Tin tưởng vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, ông Nguyễn Đức Hà nói: "Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, rõ ràng trách nhiệm cao hơn hẳn. Anh đã là Ủy viên trung ương, suy nghĩ, quan điểm của anh phải khác. Tuy là một kênh thông tin nhưng lại là kênh thông tin rất quan trọng giúp cho việc đánh giá".
Điểm quan trọng của Quy định 96 đó là thông qua bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, nếu không đạt được yêu cầu tín nhiệm cần thiết sẽ miễn nhiệm. Với “những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ phải miễn nhiệm chức vụ đang giữ và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm”.
Là thành viên góp ý vào Đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương lần này, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đánh giá: “Nếu trước đây coi việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một tài liệu tham khảo, góp phần vào việc đánh giá cán bộ, thì Quy định 96 đã khẳng định phiếu tín nhiệm là cơ sở để đánh giá cán bộ, là cơ sở để bố trí điều động và thực hiện chính sách cán bộ. Như vậy vị trí, vai trò, ý nghĩa của lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 là ở mức cao hơn, quyết liệt hơn so với quy định lần trước”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Quy định 96 bổ sung thêm tiêu chí về sự gương mẫu của không chỉ cán bộ lãnh đạo quản lý đó mà cả vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm. Đây là tiêu chí quan trọng để có tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý.
Ông Nguyễn Viết Thiết, thành viên Câu lạc bộ Thăng Long bày tỏ: "Nếu anh không gương mẫu trong gia đình thì vợ con sẽ làm sai trái; lợi dụng chức vụ, quyền hạn của chồng, của cha để làm những việc có lợi cho họ. Như vậy là vi phạm luật pháp. Thành thử ra, Quy định 96 rất cần".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hạc, nguyên Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng cho rằng: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, để lãnh đạo tốt hơn, đúng đắn hơn thì bản thân anh phải đúng đắn. Thứ hai những người trong gia đình cũng phải rèn luyện tốt, chứ không phải lợi dụng chức quyền để làm việc không đúng đắn. Như thế uy tín lãnh đạo mới tốt hơn”.
Lấy phiếu tín nhiệm ghi nhận, đánh giá năng lực cố gắng của những người được phiếu tín nhiệm cao, đồng thời với những cán bộ thực hiện công việc được giao chưa thật tốt, phiếu tín nhiệm chưa cao có điều kiện suy ngẫm để “tự soi, tự sửa”.
Nhân dân kỳ vọng các Uỷ viên Trung ương Đảng phát huy tinh thần, trách nhiệm, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm. Góp phần xây dựng củng cố chất lượng đội ngũ cán bộ và làm cho đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.