Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kể từ năm 1994 đến nay, Trung ương mới tổng kết tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ

Các hội nghị giữa nhiệm kỳ những khóa gần đây chỉ đánh giá chung và nhấn mạnh một số nội dung chứ không đặt vấn đề tổng kết sâu sắc, đầy đủ như lần này.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII (Hội nghị Trung ương 7) chính thức khai mạc tại Hà Nội ngày 15/5 và kéo dài đến ngày 17/5.

Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đây là một Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; để từ đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kể từ Hội nghị Trung ương 7 khóa VII (1994) đến nay, Trung ương mới tiến hành tổng kết vào giữa nhiệm kỳ, cả về lý luận và thực tiễn. Các hội nghị giữa nhiệm kỳ những khóa gần đây chỉ đánh giá chung và nhấn mạnh một số nội dung chứ không đặt vấn đề tổng kết sâu sắc, đầy đủ như lần này.

Do thách thức cả trong nước và quốc tế, tác động của suy thoái kinh tế, sự bất ổn về chính trị… đặt ra những vấn đề về an ninh, quốc phòng rất quan trọng. Rồi thách thức ở trong nước như dịch bệnh, những vấn đề mới nổi lên về kinh tế- xã hội… nên chúng ta cần phải tiến hành tổng kết. Từ tổng kết đó để đưa ra các quyết sách mới cả về kinh tế- chính trị- xã hội, đối nội, đối ngoại”, PGS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh. 

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Cùng chung nhận định, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho biết, thực tiễn trong hai năm rưỡi qua có rất nhiều diễn biến mới, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, phức tạp, nặng nề hơn.

Những kết quả đã đạt được cũng như hạn chế trong hoạt động lãnh đạo của Đảng cũng cần được xem xét như một dạng sơ kết giữa nhiệm kỳ, để đánh giá xem trong thời quan qua chúng ta đã thực hiện được các chỉ tiêu, kế hoạch, chương trình theo Nghị quyết Đại hội XIII với các kết quả cụ thể như thế nào, đặc biệt là xem xét những vấn đề mới phát sinh trong tình hình mới, để từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ.

Trước đó, ngày 8/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, thảo luận kỹ lưỡng và cho nhiều ý kiến chỉ đạo xác đáng để hoàn thiện Báo cáo trình Trung ương lần này. 

Báo cáo đã đề cập một cách khách quan, toàn diện bối cảnh tình hình thế giới, trong nước từ Đại hội XIII đến nay với những diễn biến nhanh chóng, bất thường và có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với dự báo cũng như so với cùng thời điểm các nhiệm kỳ trước; chỉ rõ những ưu điểm nổi bật, những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu, và phân tích nguyên nhân, rút ra một số bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; và đặc biệt là việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc. 

Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khoá XIII.

Việc lấy phiếu tín nhiệm giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa"

Một nội dung nữa cũng được dư luận quan tâm tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII là việc lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo Quy định mới của Đảng - Quy định 96 (thay thế Quy định 262) để đánh giá sự lãnh đạo sao cho khách quan, trung thực để trên cơ sở đó lấy phiếu tín nhiệm trong các cơ quan Nhà nước.  

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XI vào tháng 1/2015 và Hội nghị Trung ương 9 khóa XII vào tháng 12/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

PGS.TS Phạm Tất Thắng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, lấy phiếu tín nhiệm là một trong những nội dung quan trọng của công tác cán bộ, là một kênh quan trọng để đánh giá cán bộ, nhất là đối với lãnh đạo quản lý cấp cao. Qua đó góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa” tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Một trong những điểm mới trong Quy định 96 là những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức, hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Theo ông Phạm Tất Thắng, quy định này có tính đồng bộ, liên thông với các quy định khác của Đảng về vấn đề từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Qua đánh giá này, mỗi cán bộ lãnh đạo trong diện lấy phiếu tín nhiệm sẽ tự nhìn nhận bản thân mình để thấy được những điểm gì là thế mạnh, điểm gì còn hạn chế, đặc biệt là sự tín nhiệm, uy tín của bản thân trong Ban Chấp hành Trung ương – cũng là đại diện uy tín trong Đảng. Qua đó, các cán bộ lãnh đạo sẽ tự điều chỉnh những gì còn hạn chế, đồng thời tiếp tục phát huy những mặt tích cực, cũng như tìm những biện pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho biết.

Toàn cảnh Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII.

Theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là sự nhìn nhận, đánh giá của các cán bộ Trung ương đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sự nhìn nhận, đánh giá này phải hết sức khách quan, công tâm, minh bạch, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm. 

Cũng phải lường tình huống và kiên quyết đấu tranh tránh tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để có hành vi, việc làm sai trái, không thể hiện đúng chính kiến, đánh giá, nhận xét khách quan, công tâm đối với đồng chí mình”, ông Phạm Tất Thắng đồng thời nhắc lại lời của Tổng Bí thư “kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ”.

Kim Anh (VOV.VN)

Tin mới