Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc 'thừa nước đục thả câu', lợi dụng đại dịch độc chiếm Biển Đông

(VTC News) -

Nhà sử học cho rằng, Trung Quốc luôn "thừa nước đục thả câu", lợi dụng lúc thiên hạ chú tâm vào chống đại dịch toàn cầu để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông

Thừa nước đục thả câu

Ngày 20/4, trước việc Chính phủ Trung Quốc ngày 18/4/2020 tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “khu Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam), các chuyên gia, nhà sử học khẳng định Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho rằng, hành động lần này cho thấy một Trung Quốc luôn "thừa nước đục thả câu" để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Thay mặt giới sử học Đà Nẵng, tôi cực lực phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh vừa phê chuẩn việc thành lập trái phép cái gọi là quận Tây Sa và quận Nam Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng)”, ông Bùi Văn Tiếng nói.

Nhà trưng bày Hoàng Sa, nơi lưu giữ đầy đủ hiện vật, chứng cứ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam.

Ông Tiếng cho rằng, vi phạm lần này của phía Trung Quốc không mới, chỉ là sự tiếp nối vi phạm trước đây khi Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập trái phép cái gọi là thành phố Tam Sa.

Điều đáng nói là vi phạm lần này của phía Trung Quốc diễn ra đúng thời điểm cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang gồng mình chống lại đại dịch COVID-19, có nguồn gốc lây lan từ chính Trung Quốc.

Cùng với sự kiện tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cũng như việc xây dựng các trạm nghiên cứu trên 2 thực thể địa lý ở Trường Sa mới đây, việc thành lập trái phép cái gọi là quận Tây Sa và quận Nam Sa lần này đã cho thấy hình ảnh một Trung Quốc luôn thừa nước đục thả câu, lợi dụng lúc thiên hạ chú tâm vào chống đại dịch toàn cầu để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và tình hữu nghị giữa các dân tộc”, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng nói.

Hành xử theo kiểu cậy mạnh hiếp yếu trên Biển Đông như lâu nay và hiện nay, Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà còn xâm hại đến tự do hàng hải và an ninh hàng hải của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Theo ông Tiếng, vi phạm lần này của phía Trung Quốc không chỉ bị Việt Nam cực lực phản đối mà đã và đang bị nhiều nước trong cộng đồng quốc tế cực lực phản đối.

Không thừa nhận bất kỳ quyền hạn nào của kẻ cướp

Ông Trần Văn Lĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng khẳng định, ngư dân Việt Nam không coi bất kỳ tuyên bố nào của nhà cầm quyền Trung Quốc có hiệu lực trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.  

Ngư dân chúng tôi không thừa nhận bất kỳ quyền hạn nào của kẻ cướp trên các vùng chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam nói chung, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... nói riêng vẫn thường xuyên đánh cá trên ngư trường truyền thống của mình”, ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, từ lệnh cấm đánh bắt cá Trung Quốc đưa ra hàng năm (từ tháng Giêng  đến tháng 8) hay những lệnh cấm phi lý khác của Bắc Kinh đều là việc họ tự ý đặt ra, không có ý nghĩa gì với ngư dân Việt Nam, không ngăn cản được ngư dân.

Bây giờ Trung Quốc có đặt ra cái gọi là Nam Sa, Tây Sa thì ngư dân chúng tôi vẫn ra khơi bám biển. Dù Trung Quốc ngang ngược, bắt bớ, cướp tàu, ngư cụ nhưng không thể đe dọa, làm nhụt được ý chí bám ngư trường, bám biển thuộc chủ quyền Tổ quốc của ngư dân Việt Nam”, ông Lĩnh nói.

Ngư dân Việt Nam không thừa nhận bất kỳ quyền hạn nào của kẻ cướp.

Ngày 19/4, ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa có thông cáo phản đối việc Trung Quốc thành lập trái phép cái gọi là quận Tây Sa và quận Nam Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng).

Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hành động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và trái với các thỏa thuận giữa 2 nước và khu vực, làm phức tạp tình hình ở khu vực Biển Đông và tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa các nước.

UBND huyện Hoàng Sa kịch liệt phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay lập tức quyết định sai trái trên, chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Video: Ngư dân vạch trần lời lẽ dối trá của người phát ngôn BNG Trung Quốc

XUÂN TIẾN

Tin mới