Ai nhớ Tố Như… là sự kiện văn hóa kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, diễn ra trong 3 ngày (từ 29 đến 31/10) tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi về Nguyễn Du và Truyện Kiều cũng như các nghệ sĩ nổi tiếng say mê tuyệt phẩm này, như GS Trần Đình Sử, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, nhà thơ Vương Trọng, dịch giả và thư pháp gia Châu Hải Đường, nhà nghiên cứu Phật học và thư pháp gia Thiền Phong, họa sĩ Ngọc Dân…
3 tác phẩm đặc sắc được giới thiệu tại sự kiện "Ai nhớ Tố Như..."
Trong khuôn khổ sự kiện có không gian trưng bày bộ sưu tập Thư và Họa về Nguyễn Du và Truyện Kiều, với hàng trăm ấn phẩm là các phiên bản Truyện Kiều khác nhau qua các thời kỳ (từ năm 1914 đến nay), các tác phẩm tiêu biểu khác của Nguyễn Du cùng hơn 40 bức họa Truyện Kiều của các họa sĩ trong và ngoài nước.
Mở đầu sự kiện Ai nhớ Tố Như... là cuộc tọa đàm Kiều trong cuộc sống hôm nay diễn ra sáng 29/10, tiếp đến là chương trình giới thiệu thư họa về Truyện Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, thư pháp gia Châu Hải Đường (ngày 30/10). Chương trình Ai nhớ Tố Như: Nghệ thuật Kiều sẽ diễn ra vào ngày cuối cùng, 31/10.
Các khách mời tham gia tọa đàm "Kiều trong cuộc sống hôm nay".
Cũng trong sự kiện này, đơn vị tổ chức giới thiệu 3 tác phẩm đặc sắc: Kim Vân Kiều (tái bản theo bản in 1951), Lãm Thúy Tập và Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du.
Trong đó, Kim Vân Kiều được tái bản theo bản in năm 1951 - bản Kiều được xem là mỹ thuật và công phu nhất thế kỷ trước. Lãm Thúy Tập ngâm ngợi lời thơ mỹ lệ của Kiều để lẩy lên những ý tình sâu lắng của người, của đời, của cảnh. Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du lại ngân lên những áng văn tinh tế, hào hoa mà chân thực, trữ tình, chất chứa bao suy ngẫm rất nhân sinh về Truyện Kiều, về cuộc đời, nhân tình thế thái quanh nàng Kiều…