(VTC News) - Trong lễ kỷ niệm 35 năm thành lập trường Viết văn Nguyễn Du, chúng tôi sẽ dựng bức tượng chân dung GS Hoàng Ngọc Hiến – PGS.TS, nhà văn Văn Giá cho biết.
PGS-TS, nhà văn Văn Giá chia sẻ kế hoạch kỷ niệm 35 năm thành lập trường Viết văn Nguyễn Du . |
2014 là dịp kỷ niệm 55 năm thành lập trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cũng tròn 35 năm từ ngày ra đời trường Viết văn Nguyễn Du (nay là khoa Viết văn – Báo chí).
2 dấu mốc này đều mang nhiều ý nghĩa, nên ban đầu khoa có ý tưởng hòa chung không khí của trường ĐH Văn hóa để tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm thành lập trường Viết văn Nguyễn Du. Nhưng ban giám hiệu trường cho rằng, sự kiện đó đủ lớn để tổ chức thành một cuộc riêng, thể hiện sự trân trọng với ngôi trường Viết văn một thời, và khoa Viết văn- báo chí hiện tại.
Đến hẹn lại lên, sau dịp kỷ niệm 30 năm thành lập trường Viết văn Nguyễn Du cách đây 5 năm, cuộc hội ngộ lần này là dịp gặp gỡ giữa các thế hệ thầy trò, anh em văn hữu.
Đó cũng là dịp để các sinh viên đang theo học ở khoa thấy được một quá khứ vàng son của các thế hệ đi trước, thấy được vẻ đẹp, tư thế của ngôi trường Viết văn Nguyễn Du– địa chỉ đỏ của văn chương cả nước. Từ đó các em có thêm nhiều động lực, cảm hứng để sống và học tập dưới mái nhà chung của khoa.
- Điểm nhấn trong lễ kỷ niệm 35 năm thành lập trường Viết Văn Nguyễn Du là gì, thưa ông?
Chương trình sẽ có 2 điểm nhấn, một là phần lễ, giao đãi, gặp gỡ giữa các thế hệ. Trong dịp này, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh sẽ trở về ngôi trường từng theo học một thời. Hai là sẽ dựng bức tượng chân dung giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, như một sự tôn vinh người thầy đặt viên gạch nền móng cho ngôi trường Viết văn.
Tượng đồng cố GS Hoàng Ngọc Hiến |
Lễ kỷ niệm này, sẽ có rất nhiều nhà văn, nhà thơ trở về, như Nguyễn Trọng Tạo, Thụy Kha, Nguyễn Khắc Trường, Dương Thuấn, Nguyễn Quyến, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà… Chúng tôi tin rằng, sẽ có một cuộc hội ngộ ấm áp.
- Dường như, dù không còn giữ cái tên cũ, là trường Viết văn Nguyễn Du, nhưng tinh thần, hồn cốt, vẫn tôn vinh lao động Viết văn?
Có người hỏi làm sao có thể đào tạo Viết văn được, nhưng cũng như trước đây, từ thời các thầy Hoàng Ngọc Hiến, thầy Phạm Vĩnh Cư đều nhất quán một điểm: chúng tôi không bao giờ lại cho rằng đào tạo ra các nhà văn, mà chỉ đào tạo ra những người viết văn thôi, còn họ có trở thành nhà văn hay không lại đòi hỏi nhiều yếu tố khác. Chúng tôi vẫn kiên trì với định hướng đó.
Thành lập từ năm 1979, đến nay đã tròn 35 năm, dù mỗi giai đọan có thể mang những cái tên khác nhau, nhưng cho đến bây giờ, vẫn có một văn mạch Viết văn Nguyễn Du mà các thế hệ đều có ý thức gìn giữ, tiếp nối, làm cho nó chảy mãi.
Các thế hệ phải tiếp lửa để gìn giữ tinh thần ấy. Và trên thực tế, chúng tôi đã làm được điều ấy. Các khóa sinh viên Viết văn ra trường, mỗi khóa đều có những gương mặt viết văn, làm báo sáng giá. Lĩnh vực nào cũng có những gương mặt thành đạt, những giải thưởng danh giá của làng văn chương, báo chí của đất nước.
- Sau 35 năm Viết văn Nguyễn Du, khoa Viết văn – báo chí hiện tại sẽ phát triển theo hướng như thế nào thưa ông?
Trong bối cảnh chung của giáo dục đại học là năng động và thích ứng, nên ở đây không chỉ là câu chuyện đào tạo, mà còn là câu chuyện cạnh tranh giáo dục, dĩ nhiên cạnh tranh lành mạnh (cười).
Nhìn vào sự thay đổi để thích ứng hiện nay, chúng tôi đã vui nhưng chưa hài lòng. Chúng tôi muốn bên cạnh những khóa đào tạo Viết văn dài hạn 4 năm, sẽ là những loại hình đào tạo 2 năm, 6 tháng, 2 tháng chẳng hạn. Và sẽ bắt tay với các Hội văn học nghệ thuật địa phương để mở rộng đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng những cây viết trẻ.
Song song với việc đào tạo Viết văn 3 năm một khóa, chúng tôi vẫn mở liên tục mỗi năm một khóa báo chí. Chúng tôi cũng sẽ lên đề án đào tạo ngành báo chí với một quy mô lớn hơn, tập trung mạnh mẽ vào đào tạo báo chí truyền thông đa phương tiện.
Có lẽ sẽ cần thêm cơ chế, thời gian, đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập …nhưng hy vọng rằng chúng tôi sẽ làm được trong một thời gian không xa.
Xin cảm ơn ông!
An Yên (thực hiện)