Trong một nỗ lực nhằm tăng cường đáng kể sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine, Anh đã cam kết cung cấp 14 xe tăng Challenger 2 và 30 khẩu pháo tự hành AS90 155 mm cho Ukraine.
Theo BBC, gói viện trợ quân sự mới nhất này cho thấy tham vọng của Anh nhằm giúp Kiev giành được lợi thế trước Nga. Nếu kế hoạch được thực hiện, Anh sẽ là quốc gia phương Tây đầu tiên chuyển giao xe tăng cho Ukraine và điều này có thể khuyến khích các thành viên khác của NATO như Đức thực hiện bước đi tương tự.
Xe tăng Challenger 2. (Nguồn: Reuters)
Tuy vậy Euronews đưa tin, Đức chỉ có thể cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, sớm nhất vào năm 2023. Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức tuyên bố rằng, họ cần có đơn đặt hàng để bắt đầu sửa chữa một số trong số 350 chiếc Leopard 2 trong kho dự trữ dành cho Ukraine.
Trong bối cảnh phương Tây đang xem xét cung cấp một loạt xe tăng hiện đại cho Ukraine, Nga cũng thực hiện nhiều bước đi mới để phá vỡ thế bế tắc trong cuộc xung đột kéo dài gần 11 tháng qua. Tuần trước, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov làm chỉ huy mới của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine thay cho Tổng tư lệnh Lực lượng hàng không vũ trụ, Tướng Sergey Surovikin. Ông Surovikin hiện trở thành cấp phó của ông Gerasimov. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, sự thay đổi này nhằm giúp quân đội Nga thực hiện các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn và đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhánh quân sự khác nhau.
Hãng thông tấn TASS tháng 12/2022 đưa tin, Nga đã điều những chiếc xe tăng T-90M Proryv-3 mới nhất đến Ukraine để tham chiến. Xe tăng này là biến thể tiên tiến nhất của T-90, được nâng cấp từ dòng tăng T-72 có từ thời Liên Xô. TASS cho biết, khi đến địa điểm triển khai, các đội xe tăng sẽ làm quen với địa hình, diễn tập khai hỏa và kiểm soát phương tiện, sau đó mới tham gia chiến đấu.
Giới phân tích cho rằng, những động thái mới nhất này cho thấy Nga đang chuẩn bị tiến hành hoạt động tấn công bằng thiết giáo quy mô lớn tại Dnipropetrovsk sau khi giành quyền kiểm soát các khu vực Soledar và Bakhmut ở Donbass sau những trận đánh dữ dội kéo dài.
Nhà phân tích Jean-Philippe Lefief của Le Monde co rằng, việc giành quyền kiểm soát Soledar sẽ giúp Nga cắt đứt tuyến đường tiếp tế của Ukraine đến Bakhmut. Chưa kể, Moskva có thể theo đuổi các chiến dịch tấn công để chiếm thành phố Sloviansk, đóng vai trò quan trọng đối với kế hoạch củng cố quyền kiểm soát vùng Donbass. Nếu giành quyền kiểm soát Sloviansk, Nga có thể mở đường cho các hoạt động tấn công tại khu vực Dnipropetrovsk – nơi vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Vùng thảo nguyên của Dnipropetrovsk có đặc điểm địa hình phù hợp với chiến dịch triển khai xe bọc thép quy mô lớn. Không gian đồng cỏ rộng lớn không có nhiều cây cao, ít rào cản, giúp các xạ thủ có thể quan sát những mục tiêu ở xa và thuận lợi cho tác chiến xe tăng. Những điều kiện này hầu như không xuất hiện kể từ đầu cuộc xung đột đến nay, mặc dù cả Nga và Ukraine đều sở hữu một số lượng lớn xe tăng có từ thời Liên Xô.
Quyết định của Nga thay tướng chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt có thể là dấu hiệu cho thấy sự chuẩn bị cho một cuộc chiến vũ trang tổng hợp cường độ cao, trong đó sức mạnh không quân sẽ được dùng để hỗ trợ lực lượng mặt đất.
Nếu như cuộc xung đột tại Ukraine nói chung trở thành nơi thử nghiệm những học thuyết, chiến thuật và công nghệ quân sự của cả Nga lẫn phương Tây thì trận chiến xe tăng ở Dnipropetrovsk có thể trở thành cơ sở chứng minh hiệu quả của những mẫu xe tăng mới nhất mà hai bên sản xuất.
Xe tăng Challenger 2 sẽ đối đầu với T-90M
Quân đội Anh cho biết, xe tăng Challenger 2 được thiết kế để phá hủy những loại xe tăng khác của đối phương và đã rất thành công khi cho đến nay không một chiếc Challenger 2 chiếc nào bị phá hủy trong chiến đấu.
Challenger 2 được trang bị súng trường L30 có khả năng sử dụng đạn sabot và đạn nổ mạnh đầu đạn dẻo (HESH) cho mục đích phá hủy và chống tăng. Đối với vũ khí phụ, xe tăng này được trang bị súng máy đồng trục L94A17.62mm bên trái tháp pháo với tốc độ bắn 520-550 viên/phút. Bên trên tháp pháo còn được tích hợp hệ thống vũ khí điều khiển tự động với một súng máy L37A2 7.62mm có thể điều khiển từ bên trong xe, hoặc trang bị súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm. Challenger 2 có lớp giáp Chobham thế hệ thứ hai có thể chịu được các đòn tấn công trực tiếp từ pháo chính 125 mm của xe tăng T-72.
Challenger 2 sử dụng động cơ diesel Perkins 12 xi-lanh, có công suất 1.200 mã lực. Kíp lái xe trang bị một số thiết bị ngắm quan sát mục tiêu gồm: kính ngắm SAGEM VS 580-10 với thiết bị đo xa (của trưởng xe); kính ngắm TOGS II (dành cho pháo thủ) cho phép hiển thị hình ảnh nhiệt để có thể ngắm bắn một cách chính xác và tác chiến trong mọi điều kiện.
Xe tăng T-90M của Nga. (Ảnh: Russian State Media)
Theo Global Security, đối thủ của Challenger 2 sẽ là xe tăng T-90M Proryv-3. T-90M được cho là vẫn đảm nhận vai trò thiết yếu trong lực lượng xe tăng của Nga cho đến khi quân đội nước này tiếp nhận đủ số lượng xe tăng T-14 Armata.
T-90M Proryv-3 được lắp đặt pháo 2A82-1M 125 mm tương tự như xe tăng T-14 Armata, có nòng dài và hệ thống điều khiển hỏa lực mới. Loại pháo này có khả năng bắn đạn sabot, đạn nổ phá mảnh Telnik, tên lửa chống tăng Sprinter để tấn công những mục tiêu ngoài tầm bắn của pháo chính và bắn hạ trực thăng. vũ khí phụ của xe tăng là súng máy hạng nặng Kord 12,7 mm được điều khiển từ xa và súng máy đồng trục 7,62 mm.
T-90M Proryv-3 được trang bị giáp phản ứng nổ thế hệ mới Relikt, lớp giáp chuồng ở phần dưới của tháp pháo và phía sau, giúp gia tăng khả năng phòng thủ. T-90M Proryv-3 được trang bị kính ngắm PNM-T, thay thế cho kính ngắm Sosna-U cũ hơn sử dụng các bộ phận do Pháp sản xuất. Điều này nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Nga vào công nghệ phương Tây.