Theo Wall Street Journal, do yêu cầu Berlin phê chuẩn việc chuyển xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard tới Kiev có nguy cơ làm rạn nứt liên minh cầm quyền của Đức, các quan chức cấp cao cho rằng Mỹ nên đồng ý gửi xe tăng Abrams cho Ukraine trước.
Lục quân Mỹ và quân đội Ba Lan vận hành xe tăng M1 Abrams và Leopard 2 trong cuộc tập trận quân sự ở căn cứ Adazi, Latvia, ngày 9/6/2017. Ảnh: Không quân Mỹ
Ba Lan, Phần Lan và Đan Mạch đều tuyên bố sẵn sàng gửi một số xe tăng Leopard do Đức sản xuất mà họ sở hữu cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, một động thái như vậy sẽ cần có sự cho phép của Đức. Berlin vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào về vấn đề này.
“Các quan chức cấp cao của Đức” nói với Wall Street Journal rằng, Đức sẵn sàng chấp thuận, nhưng chỉ khi Mỹ tuyên bố sẽ gửi cho Kiev một số xe tăng Abrams.
Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, Đức là “có liên kết chiến lược” với các bằng hữu và đối tác khi đưa ra quyết định về việc hỗ trợ Ukraine. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, khi được hỏi về vấn đề xe tăng Leopard, ông Scholz nói rằng ông lo ngại nguy cơ xung đột ở Ukraine leo thang.
“Ukraine có thể dựa vào sự hỗ trợ của chúng tôi trong cuộc chiến với Nga, nhưng rõ ràng là chúng tôi muốn tránh cuộc xung đột này trở thành một cuộc chiến giữa Nga và NATO”, ông nói.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scholz được cho là đang chia rẽ về vấn đề viện trợ xe tăng Leopard cho Ukraine. Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do bày tỏ ủng hộ, trong khi Đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz lại tỏ ra miễn cưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambert đã từ chức hồi đầu tuần này, một phần do tranh cãi về việc viện trợ xe tăng. Người thay thế bà, ông Vladimir Pistorius, hôm 18/1 thừa nhận Đức đã “gián tiếp” tham gia vào cuộc xung đột nhưng không bình luận về vấn đề Leopard.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov từ lâu đã yêu cầu Mỹ cung cấp xe tăng Abrams. Trong một tuyên bố hồi tháng 10/2022, ông nói rằng, Leopard là một bước đệm để đạt được điều đó.
Mỹ được cho là không sẵn sàng cung cấp xe tăng Abrams cho Nga vào lúc này. Các quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc nói rằng, vấn đề là do “những thách thức về hậu cần và bảo trì” của Abrams.
Ngày 15/1, Vương quốc Anh tuyên bố sẽ gửi 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, với hy vọng thúc đẩy các thành viên NATO khác làm theo.
Moskva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc gửi vũ khí tới Ukraine chỉ kéo dài xung đột và có nguy cơ leo thang căng thẳng. Khi được hỏi về xe tăng Challenger, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ nói rằng “những chiếc xe tăng đó có thể bị đốt cháy” như những vũ khí khác ở Ukraine.