Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao xe tăng phương Tây có thể là bước ngoặt trong xung đột Nga – Ukraine?

(VTC News) -

Phương Tây gửi cho Ukraine loạt vũ khí từng bị xem là quá khiêu khích trong cuộc xung đột với Nga, và dường như xe tăng sẽ là "nấc thang" tiếp theo.

Với những dự đoán về khả năng tấn công của Nga trong thời gian tới, có vẻ các quan chức châu Âu nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải thay đổi cán cân trên chiến trường.

Trong vài tuần qua, hết rào cản này đến rào cản khác về những gì phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine đã bị xô đổ, bắt đầu với thỏa thuận của Mỹ vào cuối tháng 12/2022 về việc gửi cho Kiev hệ thống phòng không Patriot.

Tiếp theo đó, tuần trước, Đức cũng cam kết cung cấp cho Ukraine một khẩu đội tên lửa Patriot. Và chỉ trong vài giờ sau, Pháp, Đức và Mỹ lần đầu tiên hứa sẽ gửi các phương tiện chiến đấu bọc thép tới chiến trường Ukraine.

Xe tăng ở Donetsk, Ukraine hồi tháng trước. (Ảnh: NYT)

Phương Tây chấp nhận rủi ro lớn hơn?

Hiện tại, tuy các bên còn “nâng lên đặt xuống”, có vẻ như xe tăng hiện đại phương Tây sẽ là vũ khí tiếp theo trong danh sách được đưa đến chiến trường. Mỹ và các đồng minh dường như chấp nhận nhiều rủi ro hơn để cung cấp cho Ukraine.

Ukraine yêu cầu các loại xe tăng hiện đại từ đầu cuộc chiến, nhưng những nỗ lực đáp ứng yêu cầu đó chỉ thực sự tăng tốc trong các tuần gần đây. Chính phủ Anh và Ba Lan công khai kêu gọi liên minh phương Tây thay đổi lập trường. Anh báo hiệu rằng họ sắp đồng ý gửi một số lượng nhỏ xe tăng còn Ba Lan cũng cho biết sẽ vui lòng gửi một số xe tăng do Đức sản xuất, mặc dù điều này cần được Berlin thông qua. 

Trong những bình luận mới nhất, các quan chức Đức cho biết “chưa có gì được quyết định” về ý tưởng trên, nhưng họ cũng không từ chối. Hiện Ukraine hy vọng rằng áp lực gia tăng sẽ giúp thuyết phục Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho phép xuất khẩu xe tăng do Đức sản xuất, trong kho vũ khí của các đồng minh NATO, sang Ukraine.

Xe tăng Leopard 2 là một trong những loại Kiev mong muốn có được nhất. Các chuyên gia nói rằng, với số lượng đáng kể, chúng đủ để làm tăng khả năng của Ukraine trong việc đẩy lùi các lực lượng Nga.

“Ai đó nên đi tiên phong trong vấn đề này”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với đài truyền hình nhà nước Ba Lan TVP Info hôm 12/1.

Xe tăng Challenger 2 của quân đội Anh và xe tăng Leopard 2 của quân đội Na Uy trong một cuộc tập trận của NATO năm 2019. (Ảnh: Reuters)

Xe tăng là loại vũ khí được thiết kế cách đây hơn một thế kỷ, để vượt qua các chiến hào, là sự kết hợp giữa hỏa lực, tính cơ động và hiệu ứng xung kích. Được trang bị những khẩu pháo lớn, di chuyển trên các bánh xe bằng kim loại và được chế tạo với lớp giáp bảo vệ chắc chắn hơn bất kỳ loại vũ khí nào khác trên chiến trường, xe tăng có thể vượt qua địa hình gồ ghề, lầy lội hoặc cát, nơi các phương tiện chiến đấu dùng bánh lốp có thể gặp khó khăn.

Nếu xét trên chiến trường Ukraine, các quan chức cho rằng xe bọc thép sẽ đóng vai trò then chốt trong các cuộc chiến giành quyền kiểm soát các thị trấn và thành phố đang tranh chấp khốc liệt ở các tỉnh phía đông Ukraine giáp biên giới Nga. Chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Ukraine, tướng Valery Zaluzhny, nói họ cần khoảng 300 xe tăng và khoảng 600 xe chiến đấu bọc thép phương Tây để tạo ra sự khác biệt.

Không khí thúc giục cấp bách về việc gửi thêm vũ khí mạnh hơn đến Ukraine phần nào phản ánh thế đối đầu nghiệt ngã trên chiến trường hiện tại ở miền đông. Trong nhiều tháng, quân Nga đã cố gắng chiếm kiểm soát thành phố Bakhmut và khu vực xung quanh. Trong tuần qua, giao tranh diễn ra đặc biệt tàn khốc ở thị trấn Soledar gần đó. Cả hai bên đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về tình hình kiểm soát thị trấn.

Các đồng minh NATO từng là một phần của Liên Xô cũng cung cấp xe tăng thời Liên Xô cho Ukraine. Nhưng phần lớn đội xe của Kiev đã bị phá hủy hoặc hao mòn sau nhiều tháng chiến đấu, và lực lượng này cũng đang cạn kiệt đạn dược.

Khi cuộc chiến bắt đầu cách đây gần một năm, phương Tây phản đối việc cung cấp một số vũ khí mạnh nhất của mình cho Ukraine, với lo ngại rằng điều đó sẽ khiến NATO xung đột trực tiếp với Nga. Nhưng với diễn biến trên chiến trường, cùng triển vọng mong manh của các cuộc đàm phán hòa bình, sự phản đối này không còn quá mạnh mẽ.

Hệ thống Patriot được hứa cung cấp cho Ukraine là hệ thống phòng không tiên tiến nhất do Mỹ sản xuất, sẽ giúp lực lượng Ukraine tăng cường khả năng đáng kể. Một số phương tiện chiến đấu bọc thép được phê duyệt vào tuần trước nhẹ hơn và dễ cơ động trên chiến trường hơn so với xe tăng, cũng có thể chở nhiều quân hơn, nhưng không mạnh bằng.

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Cuộc tranh luận về xe tăng

Vẫn còn một số loại vũ khí chưa được xem xét, bao gồm máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa có thể tấn công Crimea và tấn công vào lãnh thổ Nga. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang giữ lại các xe tăng M1 Abrams Mỹ sản xuất, loại xe tăng cần được bảo dưỡng liên tục và sử dụng nhiên liệu đặc biệt, đồng thời là loại mà các quan chức cho rằng quá khan hiếm nên khó đem đi viện trợ.

Nhưng các quan chức Mỹ khẳng định họ chưa bao giờ cản đường Đức hay bất kỳ quốc gia nào khác gửi xe tăng tới Ukraine. Ước tính có khoảng 2.000 xe tăng Leopard Đức sản xuất trong hơn mười đội quân trên khắp châu Âu. Một số có thể được vận chuyển nhanh chóng đến Ukraine nếu Berlin chấp thuận, mặc dù các binh sĩ Ukraine sẽ phải được đào tạo để sử dụng.

Một quan chức quân sự cấp cao của phương Tây cho rằng cần phải thay đổi sự cân bằng lực lượng ở miền đông Ukraine để phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến, và việc gửi đủ xe tăng chiến đấu hiện đại của phương Tây cùng các phương tiện chiến đấu khác có thể giúp thay đổi sự cân bằng đó. Vị quan chức này cũng nhận định rằng nếu không có xe tăng, một thành phần mạnh mẽ của chiến tranh trên bộ, thì Ukraine khó có thể giành lại được phần lớn lãnh thổ.

Tại Lầu Năm Góc, bà Laura K. Cooper, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng, nói trong một cuộc họp báo rằng “chúng tôi hoàn toàn đồng ý Ukraine cần xe tăng”.

Ukraine cũng đang chuẩn bị đẩy mạnh các cuộc tấn công, dự kiến vào giữa mùa đông hoặc sau mùa xuân. Một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây cho biết Nga cũng đang có dấu hiệu sẽ triển khai một cuộc tấn công vào mùa xuân và Ukraine “không muốn nín thở” từ giờ cho đến khi vòng giao tranh tăng cường đó bắt đầu.

Camille Grand, chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, trước đó là trợ lý tổng thư ký NATO về đầu tư quốc phòng, cho rằng Moskva dường như đang huy động hàng trăm nghìn lính nghĩa vụ mới cho cuộc tấn công. Điều đó một phần tiếp tục thúc đẩy cuộc tranh luận về cung cấp xe tăng.

Quyết định về việc các xe tăng Leopard có được gửi tới Ukraine hay không có thể sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp ngày 20/1 của các quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao từ hàng chục quốc gia, bao gồm cả các quốc gia NATO, tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.

Cho đến nay, Anh cho biết họ đang xem xét gửi ít nhất 10 xe tăng Challenger 2 tới Ukraine. Anh có khoảng 227 chiếc Challenger, được cho là khá khó bảo trì.

Một phần của cuộc tranh luận giữa các quan chức là vấn đề chính trị, theo các nhà ngoại giao cấp cao châu Âu. Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak được cho là muốn thể hiện vai trò tiên phong trong vấn đề Ukraine, và London cùng Warsaw dường như đang phối hợp hành động để gây áp lực lên Berlin.

Nhưng sự chấp thuận của Washington sẽ rất quan trọng để thúc đẩy Thủ tướng Đức Scholz phê duyệt cung cấp Leopard, sau đó là các phương tiện chiến đấu khác do Đức sản xuất như Marders, theo nhà phân tích quốc phòng Claudia Major của Viện Quốc tế và An ninh Đức.

Quan chức cấp cao của chính quyền Biden khẳng định Washington không thúc đẩy Berlin gửi xe tăng tới Ukraine và chính phủ Đức sẽ tự đưa ra quyết định về mức hỗ trợ quân sự của mình. Vị quan chức này mô tả các cuộc thảo luận giữa Washington và Berlin là “rất tích cực”, và cho biết người Đức, “giống như chúng tôi, sẵn sàng cung cấp khi cuộc chiến có những thay đổi theo thời gian".

Tuy nhiên, theo bà Major - nhà phân tích ở Berlin, người Đức xem cách đưa ra lập trường như vậy là một sự thoái thác, đồng nghĩa với việc Washington không sẵn sàng gửi bất kỳ xe tăng Abram nào đến Ukraine, để "bật đèn xanh" cho Đức. 

Hiện tại, những người ủng hộ việc gửi xe tăng đang tập trung vào việc quốc gia nào sẽ hành động đầu tiên.

Norbert Röttgen, một nhà lập pháp Đức đối lập và chuyên gia chính sách đối ngoại, dự đoán rằng Thủ tướng Đức Scholz sẽ nhượng bộ gửi xe tăng Leopard dưới áp lực từ các đồng minh, như đã làm trước đó với lựu pháo và xe chiến đấu bộ binh bánh xích mà Đức sản xuất.

Ông Scholz và đảng của ông “muốn giữ mối quan hệ với Nga và ông Putin trong tương lai, và nghĩ rằng nếu ông ấy mang lại cho Ukraine những gì tốt nhất mà nước Đức có, thì Nga sẽ coi điều này là phá vỡ một mối quan hệ đặc biệt. Nhưng áp lực từ các đồng minh đang trở nên quá mạnh", ông Röttgen nói. 

Phương Anh

Tin mới