Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập sẽ bị phá dỡ: 'Nếu không giữ gìn sẽ mất mãi mãi'

Nhà báo Trần Đức Nuôi đề xuất thay vì phá bỏ, TP nên di dời Trạm vô tuyến điện báo đến vị trí khác bởi đây là di tích lịch sử, không giữ gìn sẽ mất mãi mãi.

Ngôi biệt thự Pháp cổ và một số công trình cổ thuộc Trạm vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C Đại La, Hà Nội - nơi phát sóng bản Tuyên ngôn Độc lập có nguy cơ bị tháo dỡ.

Nguyên nhân là do công trình này nằm trong quy hoạch của dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của UBND TP Hà Nội.

Ngôi biệt thự Pháp cổ thuộc Trạm vô tuyến điện báo đang đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ. (Ảnh: Báo Phụ nữ)

Nhà báo Trần Đức Nuôi - Nguyên trưởng ban thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay, ông rất buồn và tiếc nuối khi biết được thông tin ngôi biệt thự Pháp cổ và một số công trình cổ thuộc Trạm vô tuyến điện báo có nguy cơ bị tháo dỡ.

Ông chia sẻ: "Trạm vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C Đại La không chỉ là công trình lịch sử của riêng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) mà của cả nước.

Nơi đây ghi dấu ấn của hai sự kiện quan trọng. Đây là nơi phát sóng đầu tiên bản Tuyên ngôn Độc lập ra cả nước và thế giới vào lúc 11h30 ngày 7/9/1945.

Tiếp đến, cũng tại nơi đây vào 20h ngày 19/12/1946, phát thanh viên Dương Thị Ngân đọc bản tin đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Theo nhà báo Trần Đức Nuôi, toàn bộ các công trình thuộc Trạm vô tuyến điện báo bị phá dỡ trước đó, chỉ còn lại tòa biệt thự Pháp cổ - nơi phát đi bản tin kêu gọi toàn quốc kháng chiến và tòa nhà một tầng có biển tên Trạm vô tuyến điện báo.

Tuy nhiên, tòa biệt thự Pháp cổ lại nằm trong lòng đường của dự án đường trên cao đang được xây dựng. Còn tòa nhà một tầng kia sẽ có một góc nhà nằm trên vỉa hè con đường.

Hình ảnh Trạm vô tuyến điện báo với 4 cột sóng lớn lên tem bưu chính Đông Dương. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Nhà báo Trần Đức Nuôi chia sẻ, ông ủng hộ việc quy hoạch đường trên cao của thành phố Hà Nội, tuy nhiên, phải tôn trong di tích lịch sử.

Trên thế giới, chính quyền đặc biệt chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như việc gìn giữ các công trình có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử.

 

Đối với những di tích văn hóa, lịch sử, nếu chúng ta không giữ gìn thì sẽ mất mãi mãi.

Nhà báo Trần Đức Nuôi

Với hai công trình ở Trạm vô tuyến điện báo, ông Trần Đức Nuôi hy vọng chính quyền Hà Nội có thể chọn giải pháp di dời sang một vị trí khác. Điều này, các "thần đèn" ở Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được.

Trước câu hỏi, giải pháp di dời có thể tốn kém số tiền không nhỏ, nguyên Trưởng ban thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: "Lẽ dĩ nhiên, khi thực hiện việc gì cũng phải cân nhắc tới vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng, đối với những di tích có yếu tố văn hóa, lịch sử, nếu chúng ta không giữ gìn thì sẽ biến mất mãi mãi. 

Hơn nữa, tại sao chúng ta không kêu gọi sự hỗ trợ từ biện pháp xã hội hóa. Có những doanh nghiệp sẵn sàng bỏ hàng tỷ đồng thưởng cho đội tuyển Việt Nam khi vô địch SEA Games thì sao chúng ta không kêu gọi sự hỗ trợ của họ".

"Nếu thực sự muốn giữ lại tòa nhà đó, chúng ta chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp" - Nguyên trưởng ban thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông Trần Đức Nuôi, trong trường hợp không thể giữ được Trạm vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C Đại La thì phải làm một biển di tích, ghi lại lịch sử của nơi này.

Thu Giang

Tin mới