Nhiều trái chủ của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đang rất lo lắng vì chưa được hoàn trả tiền gốc và lãi mua trái phiếu dù đã quá hạn 8 tháng.
Bà T.T.Q.H (ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết, bà là trái chủ sở hữu 1.300 trái phiếu AGMH2123001 của Công ty Angimex. Mệnh giá trái phiếu là 1 triệu đồng/trái phiếu và kỳ hạn trái phiếu là 24 tháng.
Lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành ngày 9/11/2021 và đáo hạn ngày 9/11/2023 với phương thức trả lãi là 3 tháng/lần.
Bà H. chia sẻ, bà đã chi 1,3 tỷ đồng để mua 1.300 trái phiếu nói trên và thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày đáo hạn là 9/11/2023, bà H. không hề nhận được thông tin về tiền gốc, lãi của Công ty Angimex và Công ty AZA Holding – đơn vị tư vấn, phân phối trái phiếu.
“Tôi đề nghị Angimex - tổ chức phát hành trái phiếu có văn bản trả lời rõ ràng về mọi thủ tục hoàn trả gốc, lãi cho người sở hữu trái phiếu. Công ty Angimex cần nói rõ cho trái chủ biết khi nào chúng tôi được nhận lại tiền của mình”, bà H bức xúc.
Theo bà H., Công ty AZA Holding cũng phải có văn bản trả lời rõ ràng với trái chủ về mọi thủ tục hoàn trả gốc, lãi trái phiếu, bởi AZA Holding đã tư vấn, thuyết phục nhà đầu tư mua trái phiếu nên phải có trách nhiệm.
Không chỉ có bà H, hàng loạt trái chủ khác của Angimex cũng như đang “ngồi trên đống lửa” vì chưa được thanh toán tiền.
Công ty Angimex chưa thể trả hàng trăm tỷ đồng nợ trái phiếu cho nhà đầu tư. (Ảnh: B.L)
Trả lời Báo điện tử VTC News, ông Huỳnh Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty Angimex chia sẻ, doanh nghiệp này đang xử lý tài sản để hoàn trả gốc lãi cho các trái chủ.
Còn ông Lê Tiến Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Angimex khẳng định, doanh nghiệp này cũng đã có các phương án xử lý nợ trái phiếu cụ thể cho các trái chủ.
Theo đó, Công ty Angimex sẽ bàn giao, xử lý tài sản đảm bảo là Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất đối với thửa đất số 577, tờ bản đồ số 53 tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Lô đất này có diện tích 300 m2, trong đó có 250 m2 đất ở đô thị và 50 m2 đất trồng lúa.
Angimex cũng ủy quyền cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) – Chi nhánh Phú Nhuận để xử lý công khai tài sản đảm bảo nói trên theo hình thức đấu giá và có sự giám sát của trái chủ hoặc người đại diện cho trái chủ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tiếp tục xử lý các tài sản đảm bảo khác.
Cũng theo Công ty Angimex, từ sau sự kiện ngày 21/4/2022 của ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch HĐQT Angimex bị bắt), tình hình sản xuất kinh doanh của Angimex bị đình trệ và gặp rất nhiều khó khăn. Đến tháng 7/2024, Angimex kinh doanh còn thua lỗ nên chưa thể hoàn thành nghĩa vụ nợ đối với trái chủ.
Dự kiến, khoản tiền thu được từ tài sản đảm bảo sẽ trả được 10% nợ gốc cho các trái chủ.
Đối với tài sản đảm bảo của bên thế chấp còn lại là Công ty CP Louis Mega Tower, Angimex sẽ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp này để có phương án phù hợp. Nếu không đi đến thỏa thuận, Angimex sẽ tiến hành khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết.
Ông Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Angimex bị bắt năm 2022 khiến công ty này lao đao. (Ảnh: B.L)
Theo các trái chủ, họ đang rất nóng lòng để đòi lại số tiền đã đầu tư vào Angimex, bởi việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Các trái chủ yêu cầu Công ty Angimex khẩn trương thực hiện các công tác liên quan để trả tiền sớm cho nhà đầu tư.
Trước đó, ông Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch HĐQT Angimex và Louis Holdings đã bị bắt về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Cơ quan điều tra cũng bắt 3 người khác gồm: Đỗ Đức Nam - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt; Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc hành chính Công ty Cổ phần Louis Holdings và Lê Thị Thùy Liên, nhân viên dịch vụ tài chính Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt.
Đỗ Thành Nhân đã thông đồng với Đỗ Đức Nam và một số người khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Louis Capital (mã TGG), Công ty Cổ phần Louis Land (mã BII) và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính 154 tỷ đồng.
Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam đều bị kết án 4 năm tù. Tòa cấm các bị cáo trong vụ án làm việc trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính 1 năm sau khi chấp hành xong án tù.
Lô trái phiếu mã AGMH2123001 có mệnh giá 350 tỷ đồng và tài sản đảm bảo bao gồm quyền sử dụng, quyền sở hữu nhiều lô đất tại TP.HCM.
Điển hình như Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất diện tích hơn 6.400 m2 trên đường Phan Văn Hớn, Xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM diện tích 300 m2; Quyền sử dụng đất số, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất diện tích 138 m2 tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Tổng giá trị tài sản bảo đảm là hơn 485 tỷ đồng căn cứ theo chứng thư thẩm định giá số 40021/TĐG-CT ngày 10/12/2021 của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO – Chi nhánh miền Nam.
Liên quan đến Angimex, mới đây doanh nghiệp đã ra quyết định bán Nhà máy Chế biến lúa gạo Bình Thành cho Công ty Cổ phần APC Holdings. Giao dịch này bao gồm quyền sử dụng 2 thửa đất với tổng diện tích hơn 24.000 m2 cùng các công trình kiến trúc, trang thiết bị, và hợp đồng thuê tài chính tương ứng. Giá bán cụ thể không được công bố.
Quyết định bán Nhà máy Bình Thành là một phần của chiến lược tái cấu trúc của Angimex nhằm tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi như xuất khẩu gạo, lúa và các sản phẩm nông sản khác, cùng dịch vụ logistics.
Trước đó, Angimex đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Angimex - Kitoku (AKJ) và 32,5% vốn tại Công ty Cổ phần Golden Paddy cho Công ty Cổ phần APC Holdings. Ngoài ra, Angimex cũng đã bán 25% vốn tại Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn - An Giang (Sagico) cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX).
Doanh thu thuần của Angimex trong quý 1/2024 đạt 58 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Với việc kinh doanh dưới giá vốn, công ty ghi nhận lỗ gộp 2,5 tỷ đồng, so với lãi gộp 8,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tính đến hết quý 1/2024, Angimex đã lỗ lũy kế 175 tỷ đồng.
Ngày 29/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định chuyển cổ phiếu của Angimex (AGM) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát. Cổ phiếu AGM chính thức chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 5/4/2024 do lợi nhuận sau thuế của "công ty mẹ" trong hai năm gần nhất (2022, 2023) bị âm.