Đây là một trong những nội dung trong Nghị quyết về thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn được HĐND TP.HCM thông qua chiều 11/7. Đề án được đánh giá quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống người dân thành phố.
Theo quan điểm của HĐND thành phố, phát triển giao thông công cộng phải đi đôi với hạn chế xe cá nhân. Quá trình thực hiện cần toàn diện, có lộ trình và sự đồng thuận người dân. Thành phố cần đáp ứng điều kiện hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy, dịch vụ cung cấp xe máy điện, xe đạp điện... trước khi đưa ra biện pháp hạn chế.
Ôtô nối đuôi nhau vào trung tâm TP. HCM, kẹt cứng ở khu vực Hàng Xanh, năm 2019. (Ảnh: Quỳnh Trần)
Trong tờ trình gửi HĐND thành phố, Đề án do Sở Giao thông Vận tải xây dựng đưa ra 17 giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng: hình thành mạng lưới xe buýt hiệu quả vào năm 2030; hoàn thành đúng tiến độ các tuyến Metro số 1,2,5 và một tuyến buýt nhanh (BRT); đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm, xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; triển khai dịch vụ xe máy điện, xe đạp điện công cộng; tổ chức làn đường riêng cho xe buýt; nâng cao chất lượng xe buýt...
Nhóm giải pháp kiểm soát xe cá nhân: tổ chức thu phí ô tô vào trung tâm thành phố; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cộ; thí điểm kiểm tra khí thải với xe máy; phân vùng hoạt động xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực giao thông.
Đại biểu HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết thu phí ôtô vào trung tâm. (Ảnh: Quỳnh Trần)
Nhóm giải pháp hỗ trợ: quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; thực hiện các dự án giao thông thông minh; tổ chức thêm không gian đi bộ ở trung tâm thành phố; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca...
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố ưu tiên phát triển xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; đưa ra một số giải pháp để kiểm soát xe cá nhân; tổ chức giao thông đối với xe máy ở khu vực trung tâm. Giai đoạn 2026-2030 sẽ ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và kiểm soát xe cá nhân.
Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 393.800 tỷ đồng (gồm các dự án đang triển khai hoặc có chủ trương đầu tư). Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng hơn 47.600 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn lực từ xã hội hóa hoặc vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức).
Sau khi đề án được thông qua, UBND thành phố sẽ xác định kinh phí cụ thể cho từng giải pháp, lập kế hoạch thực hiện và dự toán ngân sách báo cáo HĐND thành phố xem xét.
Để thu phí ôtô vào trung tâm, hồi tháng 7/2019, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất xây 34 trạm thu phí tại quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10; vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố, và một số trục giao thông chính bên ngoài thường xuyên kẹt xe.
Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ôtô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy. Dự án do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2021, bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí. Tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.