Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

TP.HCM tiếp tục muốn thu phí ô tô vào trung tâm

(VTC News) -

UBND TP.HCM trình HĐND TP Đề án phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân, trong đó có nội dung thu phí ô tô vào trung tâm giai đoạn 2021-2025.

Ngày 9/7, HĐND TP.HCM Khóa IX khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 20. Kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh TP.HCM vừa cùng cả nước thực hiện thành công việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 và bước sang giai đoạn "bình thường mới" để thực hiện nhiệm vụ kép - vừa phòng dịch, vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: SGGP)

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.

Ông Liêm cho biết, UBND TP đã trình nhiều tờ trình, như tờ trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 01/2008 ngày 16/3/2008 của HĐND TP về việc ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để xe ô tô trên địa bàn và quy định tỷ lệ để lại phục vụ công tác phí.

Đặc biệt là Tờ trình về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố (gọi tắt là Đề án).

Theo ông Liêm, đây là một Đề án quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP và có nhiều nội dung liên quan đến quyền lợi, đời sống hàng ngày của người dân thành phố, thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP.

TP.HCM liên tục xảy ra tắc đường ở các quận trung tâm.

Đề án xác định khu vực nghiên cứu, thực hiện chủ yếu vùng nội thành, các trục hướng tâm chính vào thành phố, khu vực cảng hàng không và khu vực cảng biển. Thời gian là trong giai đoạn 2021-2030.

Theo Đề án này, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM tập trung phát triển xe buýt. Trong đó, việc thu phí ô tô vào khu vực trung tâm là cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, đồng thời tổ chức lại giao thông cho mô tô và xe gắn máy tại khu trung tâm.

Đề án đưa ra 27 giải pháp được sắp xếp theo từng nhóm nhằm tăng cường vận tải hành khách công cộng như: đưa vào khai thác tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành; đa dạng hóa các loại hình vận tải thủy; phát triển minibus; bố trí làn ưu tiên cho xe buýt…

Song song đó, thành phố sẽ kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân bằng cách: tổ chức thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của ô tô, xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh; thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Đề án đề xuất thực hiện ngay từ năm 2021. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 tập trung phát triển xe buýt và triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân...; giai đoạn 2026-2030 sẽ kiểm soát xe cá nhân, tiến tới tổ chức lại lưu thông xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án, việc phát triển giao thông công cộng và kiểm soát giao thông cá nhân là một quan điểm quan trọng để giải quyết khó khăn về giao thông đô thị hiện nay.

"Chúng ta phát triển hạ tầng nhưng với xu hướng người dân ngày càng sử dụng nhiều phương tiện giao thông cá nhân mà chúng ta không có sự kiểm soát, điều chỉnh và nếu tác động thì hạ tầng có phát triển cũng không thể giải quyết vấn đề giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị. Do vậy, Đề án này sẽ được Hội đồng nhân dân thông qua một số quan điểm và giải pháp rất quan trọng để chúng ta thực hiện quyết liệt trong thời gian tới", ông Lâm nói.

Trung Nguyên

Tin mới