Nếu phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron, thành phố sẽ đưa vào điều trị, cách ly ở khu vực riêng, không chung với các bệnh nhân mắc biến chủng khác. Dự kiến thành phố sẽ lấy Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức) làm nơi thu dung, điều trị với người nhiễm biến chủng Omicron.
“Bệnh viện dã chiến số 12 ở TP Thủ Đức (quận 2 cũ) tương đối biệt lập, địa bàn đảm bảo các điều kiện cách ly, dự kiến làm nơi thu dung, cách ly người nhiễm biến chủng mới (Omicron)”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai.
Để đối phó với biến chủng Omicron, Ban Chỉ đạo liên ngành của thành phố, Sở Y tế phối hợp với Bộ tư lệnh Thành phố và Công an TP.HCM xây dựng, tham mưu “thế trận y tế”. “Với thế trận này, các đơn vị được giao sẽ nhận diện từ xa, khi biến chủng vào thành phố các đơn vị sẽ có kế hoạch tác chiến theo chức năng nhiệm vụ nhằm nhanh chóng ngăn chặn biến chủng lây lan, dập dịch”, bà Mai nói.
Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đến nay, TP.HCM chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, biến chủng này có thể lây lan gấp 5 lần so với biến chủng cũ, do đó ngành y tế thành phố đã lên kế hoạch, đề ra các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này.
“Hiện thành phố chưa xuất hiện Omicron nhưng Singapore và Thái Lan thì đã ghi nhận. Do đó, thành phố có kế hoạch ngăn chặn từ xa, ngăn chặn từ biên giới, xuất nhập cảnh”, ông Tâm nói. Ngành y tế tập trung ngăn chặn nguy cơ từ nguồn xuất nhập cảnh chính thức tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải Sài Gòn…
Người nhập cảnh tiêm đủ 2 mũi vaccine vào thành phố sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày. Trường hợp người nhập cảnh dương tính, HCDC sẽ phối hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM giải trình tự gene để phân tích có nhiễm biến chủng Omicron hay không.
Ông Nguyễn Hồng Tâm.
Đối với nguồn nhập cảnh không chính thức, tức những người nhập cảnh trái phép từ các đường bộ ở Tây Ninh, Long An… vào TP.HCM, ngành y tế phối hợp lực lượng công an để rà soát, kiểm tra, ngăn chặn. “Tăng cường truyền thông, phòng chống lây lan trong cộng đồng, người dân cần thông tin, hỗ trợ cơ quan chức năng ngăn chặn người nhập cảnh trái phép”, ông Tâm nói.
Theo Phó Giám đốc HCDC, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch trong thành phố, tăng cường tiêm vaccine COVID-19 sau 28 ngày kể từ mũi tiêm gần nhất với người suy giảm miễn dịch, và tiêm nhắc lại đối với các trường hợp đủ thời gian sau 6 tháng.
Tính đến 5/12, TP.HCM ghi nhận 478.922 ca COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó 572 trường hợp nhập cảnh. Thành phố đang điều trị 13.681 bệnh nhân, 497 trẻ em dưới 16 tuổi, 431 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO.