Kết luận được đưa ra trong nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tới từ công ty phân tích dữ liệu Cambridge tại Massachusetts.
Theo nhóm nghiên cứu, chuỗi gen này thường không xuất hiện trong bất kỳ phiên bản nào trước đó của nCoV, nhưng lại phổ biến ở nhiều loại virus khác, bao gồm cả những virus gây cảm lạnh thông thường và cả trong bộ gen người.
Bằng cách chèn đoạn mã này vào mình, Omicron có thể tự làm cho mình trông "giống người hơn", giúp nó tránh được sự tấn công từ hệ thống miễn dịch của con người.
Biến chủng Omicron hiện lây lan chóng mặt trên thế giới. (Ảnh: Reuters)
Điều này khiến Omicron dễ lây truyền hơn nhưng chỉ gây bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn Omicron có lây nhiễm hơn, gây bệnh nặng hơn hoặc vượt Delta trở thành biến thể thống trị hay không. Có thể sẽ mất vài tuần để trả lời các câu hỏi này.
Theo Venky Soundararajan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tới từ Cambridge, cần phải có thêm các nghiên cứu để xác định nguồn gốc các đột biến của Omicron và ảnh hưởng của chúng đối với khả năng lây truyền.
Chuyên gia này nói thêm rằng các phát hiện mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng.
"Bạn phải tiêm phòng để giảm tỷ lệ những người suy giảm miễn dịch bị nhiễm SARS-CoV-2", ông này nói thêm.
Được phát hiện hồi đầu tháng 11, biến chủng Omicron hiện lây lan tới ít nhất 38 quốc gia ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông, châu Âu và 7 trong số 9 tỉnh của Nam Phi. Chính phủ nhiều nước đã thắt chặt các quy tắc đi lại để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này.
Mỹ và Australia trở thành những quốc gia mới nhất xác nhận trường hợp mắc biến chủng Omicron trong cộng đồng. Trong khi đó, số ca nhiễm biến chủng này từ một bữa tiệc Giáng sinh ở Na Uy đã tăng lên 17 trường hợp.
WHO cho biết vẫn chưa ghi nhận trường hợp tử vong liên quan đến Omicron, nhưng sự lây lan của biến thể mới đã khiến sự phục hồi của thế giới trở nên mong manh. Tổ chức này cảnh báo, chủng virus này có thể chiếm 1/2 tổng số ca nhiễm COVID-19 ở châu Âu trong vài tháng tới.